Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng tôi đã gặp gỡ các nhân chứng từng trực tiếp tham gia sự kiện lịch sử này ở một số địa bàn trọng điểm thuộc Quân khu 8, Quân khu 9 (trước đây) và Quân khu 9 hiện nay.

Mặt trận Cần Thơ: Tiêu diệt, tiêu hao lớn sinh lực địch

Đang sửa sang lại mấy bờ vườn chuẩn bị đón Tết, nghe chúng tôi đến, ông ngưng tay, mời chúng tôi vào nhà. Nhìn ông trong bộ quân phục bạc màu, đội chiếc mũ vải, trông mạnh khỏe, nhanh nhẹn như một “lão nông tri điền” ở miền Tây, nhưng đó là Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thanh Sơn (tên thường gọi là Ba Ngay), nguyên Tỉnh đội trưởng Hậu Giang và Cần Thơ, nguyên Chính trị viên Đại đội 23, Tiểu Đoàn Tây Đô, trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại địa bàn TP Cần Thơ.

Ông bảo: “Mình sống được hôm nay, lại còn phát triển lên cán bộ cao cấp, là nhờ nhiều đồng đội đã hy sinh thay mình; bao người thân, bà con nhân dân đã đùm bọc, cưu mang, nuôi dưỡng, chăm sóc…”. Nghe vậy, chúng tôi rất xúc động, bởi ông nói bằng tấm lòng và hành động bằng trái tim Bộ đội Cụ Hồ. Hơn 10 năm nghỉ hưu, ông đã lặn lội cùng đồng đội đi vận động xây được hơn 1000 căn nhà đồng đội.

Đã ngoài 80 tuổi, nhưng giọng vẫn sang sảng: Nói về Xuân Mậu Thân thì có nhiều người còn biết rõ hơn chú, nhưng là người trực tiếp tham gia, nhớ tới đâu, biết tới đâu chú nói tới đó. Mà chú cũng không muốn nói nhiều, bởi khi đó, lực lượng tham gia đông lắm.

Các mục tiêu quan trọng như: Bộ tư lệnh vùng IV chiến thuật, Tòa tổng lãnh sự và cơ quan tình báo Mỹ; Dinh tỉnh trưởng; Nha cảnh sát miền Tây; Sân bay Trà Nóc; Sân bay Lộ Tẻ; Trận địa pháo Lộ Tẻ; căn cứ hải quân, Đài phát thanh Cần Thơ, lữ quán Mỹ và khách sạn Nam Phương… địch luôn bố phòng kiên cố, dày đặc bằng máy bay, tàu chiến, xe tăng, thiết giáp, trong tình trạng báo động chiến đấu thường xuyên. Quân ta tập trung toàn lực để tấn công các mục tiêu này, quyết tâm giải phóng Cần Thơ.

Quân giải phóng tiến về Cần Thơ trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu.

Theo lời kể của chú Ba, để tấn công TP Cần Thơ, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 thành lập Lữ đoàn 3117, gồm Đoàn 6 pháo binh, ba tiểu đoàn chủ lực là 303, 307, 308 và Tiểu đoàn Tây Đô, các đơn vị đặc công, biệt động của thành phố. Từ ấp Thới Nhựt, Tiểu đoàn Tây Đô tấn công đến ngã ba Tự Đức, chia làm hai cánh đánh vào Tòa tổng lãnh sự Mỹ, cơ quan tình báo Mỹ, tiểu khu Phong Dinh, nhà của tên Nguyễn Văn Mạnh, Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng IV chiến thuật; một cánh đánh xuống khu văn hóa, tấn công bộ tư lệnh Vùng IV chiến thuật, Liên đoàn 67 truyền tin của Quân đoàn 4 ngụy, dinh tỉnh trưởng, khu khám lớn, một bộ phận chiếm đài phát thanh và bắt liên lạc với Tiểu đoàn 307. Tiểu đoàn 307 đánh chiếm đài phát thanh và khu hậu cần, trung tâm 4 nhập ngũ… và tiến vào thành phố. Tiểu đoàn 303 đánh chiếm sân bay Lộ Tẻ, chia cắt thành phố Cần Thơ với khu quân sự Bình Thủy, hỗ trợ cho Tiểu đoàn Tây Đô, đồng thời Đoàn 6 pháo binh pháo kích vào sân bay Lộ Tẻ, sân bay Trà Nóc.

Các đơn vị đều được các đội biệt động và cơ sở nội thành dẫn đường. Tối Mồng 1 Tết, Tiểu đoàn Tây Đô vượt sông Cần Thơ qua lộ Vòng Cung và tiến về thành phố. Đại đội 20, Tiểu đoàn Tây Đô và Đội biệt động thành phố thọc sâu đánh vào trung tâm, tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch án ngữ trên đường.

Sáng Mồng 2 Tết Mậu Thân, Đại đội 67 phối thuộc với Tiểu đoàn Tây Đô đánh chiếm cầu Rạch Ngỗng, tiến qua chợ Mít Nài, đánh vào trung tâm đầu não của Mỹ. Bị đánh bất ngờ, chúng cho máy bay trực thăng phản kích dữ dội, ta và địch giành nhau từng tấc đất, Tiểu đoàn Tây Đô làm chủ trận địa trên mũi tấn công này. Mũi của Đại đội 20 gặp khó khăn hơn do vừa tiến công vừa phá kìm, mở hướng đánh chiếm khu văn hóa đường Tự Đức, phát triển chiếm chợ Cả Đài, Hồ Xáng Thổi, đánh vào trại Phan Bội Châu (là hậu cứ Liên đoàn 67 truyền tin Vùng IV chiến thuật). Một bộ phận của ta tiến đánh khu vực cầu Rạch Bần, tạo điều kiện cho đơn vị xung phong, tấn công trại Phan Bội Châu, chợ Cả Đài, Bộ tư lệnh Quân đoàn IV ngụy. Một bộ phận của Tiểu đoàn Tây Đô phối hợp với đội biệt động mở hướng tiến công đại lộ Hòa Bình, đánh thẳng vào bộ tư lệnh Vùng IV chiến thuật. Địch điều xe thiết giáp M113 và xe nồi đồng đến ngăn chặn, ta bắn cháy 2 chiếc M113, diệt nhiều tên địch, nhưng bị chúng tăng cường cho máy bay AD6 ném bom phong tỏa địa bàn.

Hướng sân bay Lộ Tẻ, Tiểu đoàn 303 cũng uy hiếp địch liên tục. Lúc đầu, địch rất bị động, sau đó chúng củng cố lực lượng và chống trả quyết liệt, cho máy bay, pháo bắn hủy diệt các vị trí chúng nghi lực lượng ta chiếm giữ, sử dụng xe thiết giáp M113 phòng giữ các tuyến đường, bố trí hỏa lực mạnh trên các nhà cao tầng ngăn chặn ta tiến công. Dưới sông, giang thuyền tuần tiễu liên tục, nhưng nhờ phối hợp tốt với cơ sở nội tuyến, Tiểu đoàn 303 đã tiến công vào sân bay Lộ Tẻ và phá trại giam, giải phóng hơn 100 chiến sĩ của ta. Trận này, ta tiêu diệt 115 tên địch, có 25 tên Mỹ, bắn cháy 13 xe M113, phá hủy 12 máy bay, thu 50 súng các loại.

Mồng 6 Tết, Tiểu đoàn 303 của Quân khu 9 đánh địch phản kích quyết liệt tại cầu Rạch Ngỗng. Đại đội 67, Tiểu đoàn Tây Đô 2 phối thuộc với Tiểu đoàn Tây Đô 1 chặn đánh một toán địch chi viện phản kích tại Rạch Ngỗng. Ta tiêu diệt một đại đội, bẻ gãy hoàn toàn cuộc phản kích đầu tiên của địch, làm chúng hoang mang kéo về nội ô phòng thủ. Cùng ngày, Tiểu đoàn 309 phối hợp với Tiểu đoàn Tây Đô đánh địch phản kích tại Rạch Bần và một số điểm ta chiếm giữ, bắn bị thương 1 máy bay khu trục ném bom, 2 xe M113. Trận này, đồng chí Kiệt, Tiểu đội trưởng dùng B40 bắn diệt 2 ụ đại liên và 18 tên địch và đã anh dũng hy sinh. Những ngày sau đó, địch liên tục huy động lực lượng Mỹ, ngụy để phản kích. Giành giật từng con đường, góc phố, các đơn vị của ta vừa chiến đấu vừa rút về các xã vùng ven củng cố lực lượng, bổ sung đạn dược, chuẩn bị cho những trận chiến đấu tiếp theo.

Cùng với địa bàn Cần Thơ, tại Thị xã Vị Thanh, các lực lượng tại chỗ cũng đồng loạt tiến công, luồn sâu đánh vào hậu cứ địch gây cho chúng nhiều thiệt hại. Kết thúc cuộc tổng tiến công và nổi dậy đợt 1, quân và dân Thị xã Vị Thanh phối hợp với Tiểu đoàn Tây Đô 2 đánh hơn 20 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 400 tên địch, có 4 tên Mỹ, 1 kho đạn, phá hủy 2 khẩu pháo 105 ly, đánh sập một phần tòa hành chánh tỉnh Chương Thiện và một lữ quán của Mỹ, cùng nhiều đồn bốt địch.

Kết thúc cuộc tổng tiến công và nổi dậy đợt 1, tuy chưa dứt điểm và làm chủ hoàn toàn các mục tiêu quan trọng ở TP Cần Thơ và Thị xã Vị Thanh, nhưng quân dân Cần Thơ đã tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực địch, loại khỏi vòng chiến đấu gần 3000 tên địch (có 1400 tên bị thương), phá hủy và bắn rơi 129 máy bay, 8 khẩu pháo, bắn cháy và phá hủy nhiều tàu chiến, xe thiết giáp M113, san bằng hàng trăm đồn bót địch, giải phóng 10 xã với hơn 20 nghìn dân, dồn địch vào thế bị động.

Mặt trận Bến Tre: Cuộc vượt sông thần tốc

Trên hướng trọng điểm 2 của Quân khu 8 và Quân khu 9, tỉnh Bến Tre cũng được xác định là mục tiêu đánh chiếm, làm chủ để mở rộng vùng giải phóng hướng Đông của quân khu.

Chúng tôi tìm đến nhà Anh hùng LLVT nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị (thường gọi là Tám Vị), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bến Tre, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 516- đơn vị đảm nhiệm hướng chủ yếu trong tổng tiến công vào Thị xã Bến Tre.

Sắp bước sang tuổi 89, nhưng ông vẫn minh mẫn, nhớ từng sự kiện, diễn biến của đợt tổng tiến công. Ông kể: Do yêu cầu bí mật tuyệt đối, kể cả Tỉnh ủy cũng không có kế hoạch, chỉ biết ý định của trên sắp tới sẽ có một trận đánh lớn ở thành thị hoặc nông thôn. Trước 3 ngày, Tiểu đoàn 516 được Tỉnh ủy giao tự xác định hướng tiến công chủ yếu vào trung tâm, yêu cầu là đánh nhanh, thọc sâu vào Thị xã Bến Tre. Tôi nghiên cứu nhiều hướng, nắm tình hình ta-địch, địa hình địa vật, xác định đường hướng tiến công,… cuối cùng báo cáo Tỉnh ủy chọn hướng tiến công từ nam sông Bến Tre, nhưng đây là hướng bất lợi nhất, vì muốn đánh vào trung tâm, bộ đội phải vượt sông, trước sự tuần tiễu của giang thuyền địch, vì thế Tỉnh ủy không đồng ý phương án này. Nhưng với kinh nghiệm chiến trường, tôi đã thuyết phục được Tỉnh ủy đồng ý, để tiểu đoàn tiếp cận và áp sát mục tiêu, đánh chiếm dinh Tỉnh trưởng, Tòa Hành chính, bãi quân xa,… của địch.

Vấn đề khó nhất khi đó là làm thế nào có đủ xuồng đưa bộ đội qua sông cùng một lúc, nếu chỉ có vài chiếc thì đơn vị phải mất khoảng 2 giờ mới qua được bờ Bắc, đồng nghĩa với Bến Tre không thực hiện được lệnh tổng tiến công và nổi dậy. Đang băn khoăn thì tôi gặp đồng chí Vĩnh Phúc, Thị đội trưởng Thị xã Bến Tre để trao đổi tình hình. Đồng chí Vĩnh Phúc vỗ vai, nói: “Chú mầy yên tâm, cứ lo chuẩn bị quân hỏa, đánh đấm cho ngon, chuyện xuồng ghe qua sông để anh lo”. Và sau đó “những chiếc xuồng bí ẩn” không biết ở đâu, cả mấy chục chiếc đã đậu đầy trong mương vườn, mỗi ghe đều có 5-7 cây chèo bằng cọng dừa nước, đủ đưa lực lượng qua sông chỉ trong 20 phút.

Tối Mồng 2 Tết, cả Tiểu đoàn và các đơn vị tăng cường xuất phát vượt sông ở hai mũi ở Bến Lở và trại cây Nam Lợi. Để đảm bảo an toàn, Ban chỉ huy giao Tiểu đội Săn tàu án ngữ hai đầu đoạn sông Bến Tre (từ cầu Cái Cá đến cầu Cá Lóc) sẵn sàng bắn trả tàu tuần tiễu, đồng thời khẩu đội 12ly7 sẵn sàng bắn trả khi có máy bay địch. Sang được bờ Bắc, lực lượng tiếp cận và đánh chiếm bãi quân xa, dinh Tỉnh trưởng, Trung tâm hành chính tỉnh Bến Tre. Ta làm chủ hoàn toàn khu vực từ Dinh Tỉnh trưởng đến cầu Cá Lóc, bọn bảo an không trở tay kịp.

Đến ngày thứ hai, Tiểu đoàn 2 từ hướng cầu Bà Mụ đánh bọc vào sân vận động, chiếm một khẩu pháo và Đài Phát thanh, đánh thẳng vào Sở Chỉ huy Trung đoàn 10, Sư đoàn 7 ngụy đang cố thủ.

Lúc này Trung tá, Tỉnh trưởng Huỳnh Văn Dư kêu cứu liên hồi. Đến chiều Mồng 3, một tiểu đoàn Mỹ thuộc Lữ đoàn 2, Sư đoàn 9 đổ quân xuống hướng Bắc thị xã, bị lực lượng ta đánh chặn, không vào được nội ô. Sáng Mồng 4 Tết, quân Mỹ tiếp tục đưa thêm một Tiểu đoàn xuống hướng Đông Thị xã nhưng chúng không vào được Thị xã. Đến chiều, hai Tiểu đoàn Mỹ thực hành phản kích trên hai hướng, Tiểu đoàn 516 lập trận địa phục kích, đánh thiệt hại nặng một Trung đội thuộc Tiểu đoàn Mỹ ở phía Bắc và làm thiệt hại nặng tiểu đoàn Mỹ ở hướng Đông. Ngoài ra, ta còn đánh thiệt hại một Tiểu đoàn Bảo an, bắn cháy một trực thăng, hai bo bo; lực lượng của ta thương vong hơn 100 đồng chí.

Sáng Mồng 4 Tết, ta đánh chiếm Ty Công an, nhưng không tiếp cận được dinh Tỉnh trưởng, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho đơn vị rút lui.

---------------

(Còn nữa)

KIM LOAN