Trước tình hình đó, tháng 10-1967, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã họp đánh giá tình hình sau thắng lợi đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô (1966-1967), xem xét dự thảo kế hoạch chiến lược Đông - Xuân 1967-1968. Hội nghị dự kiến có thể giành thắng lợi quyết định trong năm 1968 theo phương hướng đánh lớn, chuyển hướng tiến công chiến lược từ rừng núi, nông thôn đánh thẳng vào sào huyệt, đầu não hiểm yếu nhất của địch là các thành phố, căn cứ trung tâm; quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên chiến trường miền Nam vào Đông - Xuân 1967-1968, trọng điểm là Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn, nhằm thúc đẩy và chớp lấy thời cơ chiến lược giành thắng lợi có tính quyết định.

Thực hiện chủ trương trên, cùng với giữ bí mật nghiêm ngặt ý đồ chiến lược, kế hoạch tác chiến, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tập trung chỉ đạo nâng cao khả năng tác chiến của bộ đội, chuẩn bị hậu cần ở các cấp và các chiến trường.

Nhằm chuẩn bị cho chiến trường miền Nam tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, nhất là đúng dịp Tết Xuân Mậu Thân, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo tập trung nguồn lực tạo chân hàng cho Đoàn 559 ở Nam Khu 4, đến tháng 10-1967, lượng vật chất dự trữ ở các kho phía tây Đường 12 lên tới 10.000 tấn và Đường 20 khoảng 4.000 tấn(2). Từ đó Đoàn 559 chuyển vào các chiến trường. Đầu tháng 1-1968, Đảng ủy Tổng cục Hậu cần quyết định tập trung mọi lực lượng, mọi khả năng bảo đảm đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu cho Tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường miền Nam.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP News)

Với hậu cần Miền, "Các đoàn hậu cần Miền được bố trí thành hai tuyến: Tuyến trước trực tiếp bảo đảm chiến đấu gồm 5 đoàn hậu cần, bố trí xung quanh Sài Gòn là các đoàn 81, 82, 83, 84 đứng chân trên các hướng tây bắc, bắc, đông bắc và tây nam; Đoàn hậu cần 100 (thành lập tháng 3-1968) triển khai ở phía tây Sài Gòn. Tuyến sau gồm 4 đoàn: Đoàn 17 khai thác ở Campuchia, Đoàn 86 nối với Tuyến 559 ở Sê rê pốc và 2 đoàn 50, 70 triển khai ở phía tây và phía đông Đường 13 để tiếp nhận hàng của Đoàn 17 và Đoàn 86 chuyển về giao cho các đoàn đứng chân ở phía trước.

Đến trước ngày nổ súng tiến công đồng loạt vào các đô thị, hậu cần Miền và các đoàn hậu cần đã tổ chức các phân đội hậu cần cơ động bảo đảm cho tác chiến, như các đội điều trị, các đội phẫu thuật, các tiểu đoàn và đại đội vận tải sẵn sàng cơ động theo đội hình chiến đấu của các đơn vị. Về vật chất, hậu cần Miền đã chuẩn bị được 5.554 tấn lương thực, thực phẩm, 5.079 tấn vũ khí đạn. Hậu cần các phân khu, các khu, tỉnh đều lập kế hoạch, sẵn sàng huy động nhanh chóng lương thực, thực phẩm, thuốc men tại chỗ phục vụ bộ đội trong tác chiến. Ở Quân khu 9, hậu cần cần mở thêm các khu vực hậu cần ở Nước Trong, Ba Hồ, Châu Thành, Trà Ôn tạo thành thế liên hoàn với các khu căn cứ đã có từ trước là U Minh, Năm Căn và vây quanh thành phố Cần Thơ. Hậu cần Quân khu 8 củng cố thêm căn cứ ở vùng Chợ Gạo áp sát tỉnh Mỹ Tho(3).

Như vậy, hậu cần chiến lược đã kết hợp với hậu cần Miền và các quân khu, phân khu tạo thành thế trận hậu cần tại chỗ gắn liền với các địa bàn tác chiến, áp sát các mục tiêu, sẵn sàng bảo đảm cho chiến đấu trên nhiều hướng, nhiều mũi tiến công... Tính chung trong ba đợt Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, hậu cần Miền đã chuẩn bị 46.282 tấn hàng (có 10.872 tấn vũ khí đạn), cung cấp cho các đơn vị 35.648 tấn (có 5.983 tấn vũ khí đạn). Các cơ sở quân dân y đã thu dung điều trị 94.636 lượt thương binh, bệnh binh (trong đó có 22.535 thương binh điều trị khỏi trả về đơn vị đạt tỷ lệ 72%). Riêng trong Tổng tiến công đợt 1 vào mục tiêu trọng yếu Sài Gòn (Xuân Mậu Thân), đã cấp phát cho các đơn vị 132 tấn đạn, thu dung và chuyển về tuyến sau điều trị 3.698 thương binh, điều trị khỏi, ra viện 944 người (đạt tỷ lệ 25,5%)(4).

Cùng với đó, Hội đồng cung cấp các địa phương "đã huy động 600.000 dân công, thanh niên xung phong, trong đó nhân dân Long An đóng góp nhiều nhất. Hậu cần địa phương tỉnh, hậu cần nhân dân đã đóng góp to lớn cùng hậu cần quân đội, bảo đảm cho hướng tiến công vào Sài Gòn - Gia Định và trên chiến trường miền Đông Nam Bộ trong năm 1968(5).

Thành công của công tác hậu cần trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Thứ nhất, quán triệt đường lối, quan điểm, nhiệm vụ cách mạng của Đảng, xác định rõ nhiệm vụ và chủ động chuẩn bị hậu cần sớm, chu đáo trên cơ sở kết hợp chặt chẽ hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân, hậu cần tại chỗ, trong đó hậu cần Miền là nòng cốt.

Đây là nguyên nhân hàng đầu của mọi thành công về công tác hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và Xuân Mậu Thân 1968 nói riêng. Do quán triệt sâu sắc đường lối, nhiệm vụ cách mạng và các quan điểm của Đảng, lấy đó làm cơ sở chủ yếu nhất để xác định nhiệm vụ, yêu cầu bảo đảm cho các lực lượng đồng loạt nổi dậy tổng tiến công trên toàn chiến trường miền Nam, công tác hậu cần chủ động chuẩn bị sớm, chu đáo trên cơ sở kết hợp chặt chẽ các lực lượng hậu cần.

Thực hiện hậu cần đi trước, “... ngay từ năm 1965, hậu cần đã chuẩn bị các cơ sở hậu cần trong nội đô theo Kế hoạch X (địa bàn Sài Gòn - Gia Định), sẵn sàng tiến công 25 mục tiêu trong nội đô Sài Gòn. Đây là cơ sở chuẩn bị rất sớm cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968”(6).

Đầu năm 1968, Cục Hậu cần Miền đã chuyển tuyến vận tải 50 thành Đoàn hậu cần khu vực 50. Hậu cần địa phương tỉnh và hậu cần nhân dân các cấp được củng cố phát triển rộng khắp kết hợp với hậu cần chủ lực đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn về hậu cần của lực lượng vũ trang trong xây dựng, tác chiến. Nhờ có sự "Kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân trên địa bàn, ta có điều kiện đẩy mạnh xây dựng và thực hiện hậu cần tại chỗ phù hợp với tình hình kinh tế mỗi địa phương; với yêu cầu nhiệm vụ quân sự, cách đánh của các thứ quân và quyết tâm tác chiến trên từng hướng chiến trường. Đồng thời, việc thực hiện kết hợp hậu cần tại chỗ của từng địa phương, chiến trường với hậu cần Trung ương đã tạo ra khả năng bảo đảm tại chỗ ngày càng cao, bảo đảm cho bộ đội đứng chân, xây dựng, đánh địch trên mọi địa bàn, giành thắng lợi ngày càng lớn(7).

Hậu cần nhân dân có chức năng rất quan trọng và thường xuyên là tổ chức bảo đảm cho lực lượng vũ trang quần chúng xây dựng, đánh địch ở cơ sở; trực tiếp bảo đảm cho tác chiến rộng khắp ở địa phương. Hậu cần nhân dân tích cực tham gia bảo đảm cho mọi hình thức đấu tranh của nhân dân các địa phương, cho thực hiện phương châm hai chân, ba mũi, cho đấu tranh chính trị, binh vận... Đồng thời, còn bổ sung, phối hợp, chi viện tích cực cho hậu cần quân đội hoạt động trên địa bàn. “Trên nhiều địa phương ở miền Nam, đã sớm hình thành các tổ chức hậu cần nhân dân cơ sở do quần chúng trung kiên tham gia hoạt động, được cấp ủy Đảng địa phương lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Từ tháng 3-1965, sau chiến dịch Bình Giã, chủ trương xây dựng hội đồng cung cấp các cấp được thực hiện, đã thống nhất chỉ đạo hoạt động của hậu cần nhân dân từ Miền đến cơ sở xã, ấp"(8).

Quán triệt tư tưởng hậu cần chủ động đi trước trong chuẩn bị cho thời cơ lớn trên cơ sở định hướng của Trung ương, Ngành Hậu cần đã từng bước tạo lập được thế trận và tiềm lực vững chắc trên các chiến trường, nhất là chiến trường Nam Bộ- nơi xa hậu phương nhất; kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần chiến lược với hậu cần Miền, hậu cần các phân khu, quân khu thuộc Miền, hậu cần các tỉnh và hậu cần nhân dân rộng khắp... với hậu cần Miền là nòng cốt; chuẩn bị chu đáo mọi mặt và đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu về hậu cần, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đặc biệt là ở Sài Gòn - Gia Định, nơi có cơ quan đầu não chiến tranh của Mỹ - chính quyền Sài Gòn. Khả năng bảo đảm liên tục, bền bỉ cho nhiều hướng mũi tiến công, trên nhiều tỉnh thành phố Nam Bộ, duy trì sức chiến đấu mạnh mẽ đã làm kẻ thù bàng hoàng, sửng sốt và choáng váng. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, đặc biệt là Xuân Mậu Thân tạo bước ngoặt của chiến tranh cách mạng miền Nam.

Thứ hai, tổ chức bố trí hậu cần phù hợp với loại hình tác chiến và cách đánh của từng lực lượng, tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho tác chiến thắng lợi trong mọi tình huống.

Quá trình tác chiến sử dụng nhiều lực lượng với quy mô khác nhau, cách đánh cũng rất phong phú, linh hoạt... Vì vậy, tổ chức và bảo đảm hậu cần cũng rất linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tác chiến của từng lực lượng, trên từng hướng, khu vực. Nhận thức rõ điều đó, Hậu cần Miền đã sớm chuẩn bị lực lượng, tạo thế bố trí hợp lý, kết hợp chặt chẽ các đoàn hậu cần của Miền với hậu cần 6 phân khu, hậu cần các quân khu và tỉnh đội, hậu cần nhân dân, hình thành thế trận hậu cần tại chỗ liên hoàn cơ động, vững chắc... có tiềm lực mạnh.

Đến đầu năm 1968, quân số hậu cần Miền phát triển lên tới 21.000 người, xây dựng được 24 bệnh viện, 20 đội điều trị cơ động trực tiếp phục vụ chiến đấu; 8 đại đội vận tải cơ giới với 139 xe ô tô, 10 tiểu đoàn và 10 đại đội thồ tải với 4.412 xe đạp, 8 đại đội công binh làm đường. Trên chiến trường miền Đông đã có 500 km đường vận tải cơ giới và trên 280km đường thồ xe đạp, 350km luồng lạch vận tải đường sông... Các đoàn hậu cần Miền được bố trí thành 2 tuyến, tuyến trước và tuyến sau hỗ trợ nhau trong bảo đảm. Hậu cần các quân khu thuộc Miền "cũng chuyển hướng tổ chức bố trí, đưa lực lượng ra phía trước, bao quanh áp sát Sài Gòn. Hậu cần Quân khu 9 xây dựng căn cứ tiền phương ở các khu vực Nước Trong, Ba Hồ, Châu Thành (Cần Thơ), Trà Ôn... tạo thành thế liên hoàn với các vùng căn cứ cơ bản ở U Minh, Năm Căn và vây quanh thành phố Cần Thơ. Hậu cần Quân khu 8 phát triển thêm căn cứ hợp nhất với Sài Gòn - Gia Định và hậu cần các tỉnh Bà Rịa, Long An xây dựng thành 6 phân khu hậu cần, bảo đảm cho tác chiến ở vùng ven và nội đô Sài Gòn(9).

Riêng việc bảo đảm cho lực lượng biệt động tác chiến ở nội đô Sài Gòn là bảo đảm đặc biệt, có các cơ sở ở nội đô bố trí gần mục tiêu chiến đấu, có hầm bí mật kiên cố chứa vũ khí, có phương tiện cơ động phù hợp (ô tô, xe máy). Hậu cần các phân khu là tuyến sau trực tiếp chi viện bảo đảm.

Với thế trận và tiềm lực được chuẩn bị trước chu đáo, lấy bảo đảm tại chỗ theo khu vực, hướng tiến công là chính nên đã đáp ứng được cách đánh, quy mô sử dụng lực lượng phong phú đa dạng, tính cơ động của từng đơn vị.

Thứ ba, xây dựng và phát huy vai trò quan trọng của hậu cần quân sự địa phương, kết hợp với hậu cần nhân dân trong tạo nguồn bảo đảm.

Kế thừa truyền thống hậu cần địa phương và hậu cần nhân dân trong kháng chiến chống Pháp, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã có bước chuẩn bị và phát triển mới, mang lại hiệu quả thiết thực. Hậu cần các tỉnh có bước phát triển vững chắc, vừa tạo nguồn bảo đảm cho lực lượng vũ trang địa phương, vừa tạo nguồn bảo đảm cho bộ đội chủ lực Miền tham gia chiến đấu.

Để tạo nguồn vật chất hậu cần, kỹ thuật bảo đảm cho hoạt động của lực lượng vũ trang, các đoàn hậu cần khu vực cũng như các quân khu, tỉnh, một mặt dựa vào nhân dân địa phương, mặt khác rất chú trọng hoạt động thu mua, tiếp nhận từ trong các đô thị, các vùng địch tạm chiếm bằng nhiều biện pháp rất linh hoạt, táo bạo, đưa ra các khu vực để dự trữ sẵn tại chỗ, giảm bớt được công sức vận chuyển từ xa tới. Từ thực tế bảo đảm hậu cần ở chiến trường, Ngành Hậu cần đã kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm đề ra phương châm trong chỉ đạo việc thu mua "3 có": có dân, có đất đứng chân, có vật chất; "4 được": mua được, vận chuyển được, bảo quản, bảo vệ được và sử dụng được.

Hoạt động thu mua của các đơn vị hậu cần khu vực, của các quân khu, tỉnh và của hậu cần nhân dân các địa phương đã biến hậu phương của địch thành hậu phương của ta. Không những khai thác ở miền Nam mà các đoàn hậu cần, các quân khu, tỉnh lân cận còn đẩy mạnh khai thác, thu mua ở Campuchia, coi đây như hậu phương chiến lược kế cận, có vị trí rất quan trọng đối với miền Đông Nam Bộ.

Trong 2 năm 1967-1968, hậu cần Tây Ninh thu mua được 460 tấn lương thực (trong đó mua cho hậu cần Miền 200 tấn), 106 tấn thực phẩm, 100 tấn muối, 15.000 mét nilon, 26.000 mét vải (may 2.000 bộ quân phục, 2.000 chiếc tăng); 1,6 triệu viên thuốc các loại, 700.000 lọ kháng sinh, 1,92 triệu ống thuốc, 100.000 cuộn băng cá nhân và 1 bộ trung phẫu cứu chữa thương binh.

Từ năm 1965-1968, hậu cần Bình Dương thu mua bảo đảm cho các đơn vị tác chiến thọc sâu, lực lượng bám trụ chiến đấu vùng tranh chấp và phía sau được 3.729 tấn vật chất hậu cần kỹ thuật. Các huyện tổ chức thu mua, dự trữ vật chất hậu cần tại chỗ trong dân thông qua các đoàn thể quần chúng ở địa phương và các gia đình có cảm tình với cách mạng.

Tại nội đô Sài Gòn, nhân dân hết lòng ủng hộ cách mạng. Tiêu biểu là nhà tư sản dân tộc Bùi Duy Cận, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Năm 1952, ông vào Sài Gòn xây dựng nên Hãng sơn Bạch Tuyết (trong phim "Biệt động Sài Gòn" gọi là hãng Sơn Đông Á). Từ năm 1962 đến năm 1972, Biệt động Thành gặp khó khăn đến vận động ông góp phần nuôi quân đánh Mỹ, hàng tháng ông tự nguyện đóng góp 150.000 đồng (tương đương 40 lượng vàng).

Nhờ vậy, năm 1968 hậu cần chiến trường đã thu mua được khối lượng lớn vật chất (45.514 tấn, trong đó có 44.893 tấn lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng; 1.621 tấn xăng dầu và 192 xe ô tô, 215 ca nô, 3.275 xe đạp thồ(10)… Hậu cần địa phương và hậu cần nhân dân đã kết hợp cùng hậu cần Miền chuẩn bị chu đáo trên các hướng, khu vực tác chiến, bảo đảm kịp thời cho các lực lượng tiến công, nhất là trong đợt 1 Xuân Mậu Thân.

Thứ tư, coi trọng công tác vận tải và bảo đảm hậu cần trong suốt quá trình chuẩn bị, tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Công tác vận tải quân sự là công tác trung tâm, cơ bản, thường xuyên, xuyên suốt của công tác hậu cần quân đội trong chiến tranh, đã trở thành công tác quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ngay từ đầu cuộc chiến tranh. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (số 134/NQTVV, ngày 27-12-1965) đã chỉ rõ: “Để tăng cường chi viện miền Nam, vấn đề mấu chốt là phải bảo đảm thông suốt giao thông, vận tải trên những đường chiến lược quan trọng. Toàn Đảng, toàn dân ta phải khắc phục mọi khó khăn để giữ vững con đường chi viện cho miền Nam” (11).

Từ năm 1965, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã sớm chủ trương đẩy mạnh xây dựng Tuyến 559 phát triển lên vận tải cơ giới, chi viện ngày càng lớn cho các chiến trường với tư tưởng “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”. Vì vậy, cuối năm 1967, Tuyến 559 đã vươn tới Nam Lào nối thông với Tuyến C4 ở Đông Bắc Campuchia và chi viện cho Nam Bộ. Chuẩn bị cho mùa vận chuyển 1967-1968, Quân ủy Trung ương quyết định "đẩy mạnh hơn nữa vận tải cơ giới trên tuyến chi viện chiến lược, kéo dài thêm cung vận tải ô tô vào đến Chà Vằn để chuyển hàng cho Khu 5; tăng cường lực lượng cao xạ, công binh, thông tin; bổ sung thêm xe vận tải cho Đoàn 559 để vận chuyển với quy mô lớn hơn. Khối lượng vận chuyển mùa khô 1967-1968 giao cho Đoàn 559 là 60.650 tấn (trong đó giao cho chiến trường miền Nam 20.700 tấn, chiến trường Lào 6.300 tấn, bảo đảm cho bộ đội hành quân 5.650 tấn, cho nội bộ đoàn 28.000 tấn)"(12).

Giữ vững mạch máu giao thông, chi viện toàn diện, liên tục, mạnh mẽ cho các chiến trường là quyết tâm to lớn của hậu phương miền Bắc. Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông, vận tải Khu 4, cử đồng chí Phan Trọng Tuệ - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải làm Tư lệnh và Thiếu tướng Lê Quang Hòa - Chính ủy Quân khu 4 làm Chính ủy; có nhiệm vụ "chỉ đạo và tổ chức hiệp đồng các lực lượng giao thông, vận tải có mặt trên địa bàn Khu 4, cùng tiền phương Tổng cục Hậu cần, tỉnh ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh động viên sức người, sức của cho chống chiến tranh phá hoại, bảo đảm giao thông, vận tải thông suốt. Đồng chí Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần được cử làm cố vấn..."(13).

Mặt khác, Trung ương cũng chỉ đạo mở tuyến đường biển chi viện cho miền Nam. Riêng với Đông Nam Bộ, ta mở bến Lộc An, Rừng Sác đón tàu biển chở vũ khí từ miền Bắc chuyển vào và hàng từ Bến Tre chuyển lên.

Sau khi tuyến đường biển bị lộ (2-1965), Quân ủy Trung ương chỉ đạo Ngành Hậu cần phải chủ động tạo nguồn hàng và tìm thêm những hướng vận chuyên mới, kịp thời chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Với sự giúp đỡ của Campuchia, ta đã tổ chức thu mua tại chỗ và chuyển hàng quân sự quá cảnh qua cảng Sihanúcvin, chuyển về biên giới, giao cho các đoàn hậu cần Miền chuyển về các chiến trường. Từ năm 1966-1969, ta đã "thực hiện được 10 chuyến tàu biển với 90.870 tấn hàng quân sự các loại qua cảng, chuyển về chiến trường ở Nam Bộ 60.380 tấn..."(14).

Nắm chắc, chỉ huy, điều hành chặt chẽ công tác vận tải, mặc dù phải triển khai lực lượng lớn trong làm đường, vận chuyển vật chất trên quy mô lớn, phạm vi rộng mà vẫn giữ được bí mật ý đồ tác chiến là yếu tố quan trọng để hậu cần Miền hoàn thành tốt nhiệm vụ chuẩn bị và bảo đảm cho tác chiến.

Năm mươi năm đã trôi qua, những bài học kinh nghiệm đó vẫn còn nguyên giá trị, cần nghiên cứu, kế thừa, phát triển trong điều kiện mới, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

--------------

(1). Bộ Quốc phòng - Tổng cục Hậu cần: Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, (1954- 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016, t.II, tr.308.

(2), (3). Bộ Quốc phòng - Tổng cục Hậu cần: Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđđ, t.II, tr.313, 316.

(4). Bộ Quốc phòng - Tổng cục Hậu cần: Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđđ, t.II, tr.256.

(5). Bộ tư lệnh Quân khu 7-Cục Hậu cần: Lịch sử Công tác đảng, công tác chính trị, Cục Hậu cần Quân khu 7 (1945-2010), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,tr.205.

(6). Bộ Quốc phòng - Quân khu 7: Lịch sử Bộ chỉ huy Miền (1961-1976), Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.167.

(7), (8). Bộ Quốc phòng-Tổng cục Hậu cần: Tổng kết hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.575, tr.577.

(9). Bộ Quốc phòng-Tổng cục Hậu cần: Tổng kết hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Sđđ, tr.206.

(10), (13). Bộ Quốc phòng - Tổng cục Hậu cần: Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđđ, t.II, tr.285.

(12). Bộ Quốc phòng-Tổng cục Hậu cần: Tổng kết hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Sđd, tr.599.

(14), (15). Bộ Quốc phòng - Tổng cục Hậu cần: Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđđ, t.II, tr.333, 217.

Thiếu tướng LÊ HỒNG DŨNG - Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần

* Tham luận được đăng trong Kỷ yếu tại Hội thảo “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” tại TP Hồ Chí Minh ngày 29-12-2017.