Tôi gặp NSND Chu Thúy Quỳnh một sáng mùa thu tháng 8 ở văn phòng của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, nơi bà đang giữ cương vị Chủ tịch hội. Căn phòng làm việc rộng chừng 20m2 có rất nhiều bức ảnh về những năm tháng hoạt động nghệ thuật của bà. Phần lớn trong số đó là các bức ảnh kỷ niệm khi bà biểu diễn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị khách trong, ngoài nước xem.

leftcenterrightdel
 Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh (bên trái) trong một lần biểu diễn tại Phủ Chủ tịch. 

Năm nay, NSND Chu Thúy Quỳnh đã 78 tuổi nên sức khỏe của bà không còn dẻo dai, gân cốt đau nhức khi trở trời, trí nhớ cũng giảm đi mấy phần. Thế mà khi nhắc đến Bác Hồ, từ ánh mắt, khuôn mặt, cử chỉ của người nghệ sĩ ở cái tuổi "xưa nay hiếm" lại biến chuyển lạ thường. Trước mắt chúng tôi, bà như trở lại 64 năm trước với sự bồi hồi, háo hức của cô bé Chu Thúy Quỳnh lần đầu được gặp Bác Hồ…

Tháng 2-1955, cô bé Chu Thúy Quỳnh được tuyển vào đội múa của Đoàn Ca vũ Nhân dân Trung ương. Đúng năm này, đoàn được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác Hồ. “Theo chân cả đoàn vào mà lòng tôi cứ háo hức mãi không thôi”, NSND Chu Thúy Quỳnh kể lại: “Khi cả đoàn đang làm công tác chuẩn bị cho buổi diễn phía sau sân khấu thì bất ngờ Bác Hồ bước vào, vẫy tay chào. Cả đoàn reo hò trong vui sướng: "Bác Hồ! Bác Hồ!" và ùa đến vây quanh Bác. Cô bé Chu Thúy Quỳnh thấy vậy cũng len vào để được gần Bác. Sau khi hỏi thăm đoàn, Bác hỏi tiếp: "Thế cháu nào bé nhất đoàn?". Trưởng đoàn, nghệ sĩ Nguyễn Văn Thương và mọi người chỉ vào tôi, dắt tôi ra chào Bác và thưa: "Thưa Bác, đây là em út Thúy Quỳnh bé nhất đoàn ạ!".

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh biểu diễn vở “Bốn anh chàng không may”.

Thế là ước mơ được gặp Bác Hồ đã thành hiện thực. Cô bé Chu Thúy Quỳnh vui mừng và xúc động không nói nên lời, ngước mắt ngắm nhìn Bác. “Với tôi, trông Bác như một ông tiên vậy”, nữ nghệ sĩ xúc động nhớ lại.

Từ đó, cô bé Thúy Quỳnh thường được vào biểu diễn cho Bác xem, biểu diễn để đón các đoàn khách trong và ngoài nước. Trước khi diễn, Bác thường đến trước, vào phía sau sân khấu và hỏi xem hôm nay có "tủ gì mới không?"…

Năm 1959, đoàn có chuyến biểu diễn dài ngày ở Festival Viên (Áo), sau đó biểu diễn ở 12 nước xã hội chủ nghĩa... Trước khi khởi hành, Bác căn dặn cán bộ và diễn viên trong đoàn: Chúng ta "đem chuông đi đánh xứ người" nên phải "đánh" sao cho thật kêu, xứng đáng với đất nước, với nhân dân. Bác cũng không quên giới thiệu nhũng nét văn hóa đặc trưng của từng nơi, từng nướcmà đoàn sẽ đến diễn để lên chương trình sao cho phù hợp.

Sau 9 tháng lưu diễn, đoàn trở về, vào báo cáo kết quả của chuyến đi cho Bác nghe. Bác vui vẻ nói: "Các cháu đã diễn ở các nước bạn rất thành công, nhưng không được phổng mũi đâu nhé, phải cố gắng hơn nữa".

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngoài những lần cùng đoàn vào biểu diễn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh còn tự hào được vào thăm Bác, ăn cơm với Bác, kể chuyện luyện tập cho Bác nghe. Bà kể: “Từ khu văn công Cầu Giấy, tôi thường được các anh Vũ Kỳ, Cù Văn Chước, Nguyễn Lập đạp xe đưa tới thăm Bác. Tôi tuy có chút năng khiếu nhưng còn rất nhiều nhược điểm, nhất là trong múa ba lê. Ở thể loại múa này cần có độ mở của chân và dẻo toàn thân. Hai bàn chân của tôi lại cứng nên luyện tập rất hạn chế”.

Qua trò chuyện, Bác Hồ đã giúp Chu Thúy Quỳnh khắc phục nhược điểm này. Người dạy: "Cháu hãy đào một cái hố rồi cho đất vào ống quần, buộc chặt lại, sau đó đứng bên dưới hố và nhảy lên. Cứ như thế, khi cháu thấy việc nhảy lên dễ dàng hơn thì hãy đào hố sâu thêm. Hố càng sâu thì khả năng bật nhảy của cháu sẽ càng cao hơn".

Từ lời dạy tưởng rất đơn giản của Bác, Chu Thúy Quỳnh như được tiếp thêm ý chí, nghị lực chăm chỉ luyện tập để khắc phục điểm yếu của bản thân.

Một kỷ niệm khác, một ngày chủ nhật nọ, Chu Thúy Quỳnh được vào ăn cơm với Bác Hồ. Thấy Bác chỉ dùng bữa với những thức ăn rất đạm bạc như đậu phụ, rau muống, Chu Thúy Quỳnh thắc mắc: "Thưa Bác, sao Bác không dùng nước mắm?". Bác nói nước mắm mùi vị không tốt nên Bác chấm tương. Chu Thúy Quỳnh lại hỏi tiếp: "Sao các đồng chí phục vụ không làm nước mắm riêng để Bác dùng ạ?". Bác cười vui: "Bác có phải là vua đâu mà làm nước mắm riêng!". Kỷ niệm đó khiến NSND Chu Thúy Quỳnh ấn tượng mãi về phong cách giản dị của Người.

"Năm 1966, tôi lập gia đình. Một lần được vào ăn cơm với Bác, ăn cơm xong, Bác cho tôi thêm một quả táo và nói: "Bác cho quả này để cháu mang về cho “cái nhà biết đi” của cháu nhé". Nhận quả táo Bác cho, trong lòng tôi âm ỉ một niềm vui sướng", NSND Chu Thúy Quỳnh kể.

Đầu năm 1969, sau chuyến đi diễn ở nước ngoài, Chu Thúy Quỳnh được vào thăm, báo cáo với Bác. Đi xa mấy tháng trở về, thấy Bác gầy và yếu nhiều, Chu Thúy Quỳnh ôm Bác, khóc nức nở. Bác hỏi: "Gặp Bác phải vui, sao cháu lại khóc?". Chu Thúy Quỳnh càng khóc to hơn: "Cháu thấy Bác gầy, nóng phát ban, tay Bác nhiều rôm quá ạ!". "Bác không sao đâu. Chỉ em bé mới có nhiều rôm chứ người lớn làm gì có rôm nào", Người vừa cười, vừa an ủi cô như thế.

Đó cũng là lần cuối cùng Chu Thúy Quỳnh được gặp Bác. Đầu thu 1969, khi đang nằm viện, Chu Thúy Quỳnh nghe tin Bác ốm nặng, cô lo lắng vô cùng, nóng lòng muốn được thăm Bác nhưng không còn kịp nữa.

Ngày Quốc tang Bác, Chu Thúy Quỳnh xin ra viện để được hòa cùng dòng người tiễn đưa Bác. Trong niềm tiếc thương vô hạn, cô thầm hứa: “Xin Bác yên lòng, cháu mãi mãi khắc ghi lời dạy của Bác và làm theo lời Bác".

ĐĂNG KHÔI