Thượng tá NGUYỄN VĂN HỒNG, Chính ủy Trung đoàn 250, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân:

Ở trung đoàn được Bác Hồ tặng 3 cờ “Đơn vị bắn giỏi”

leftcenterrightdel
Thượng tá Nguyễn Văn Hồng.

Trong những năm kháng chiến, Trung đoàn 250 trực tiếp chiến đấu hơn 3.800 trận trên các chiến trường, bắn rơi 190 máy bay địch, vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cùng gần 100 huân chương, huy chương các loại; đặc biệt được Bác Hồ tặng 3 cờ “Đơn vị bắn giỏi”.

Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, trung đoàn đã quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nêu cao trách nhiệm, đoàn kết xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện; thực hiện chuẩn mực đạo đức, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị...

Đi đôi với việc nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), công tác xây dựng cơ quan, rèn luyện kỷ luật bộ đội được thực hiện nghiêm túc, có nền nếp; đã phát động nhiều phong trào thi đua tự học, tự rèn, nói lời hay, làm việc tốt, huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm bằng nhiều hình thức và đăng ký chỉ tiêu cụ thể với từng tập thể, cá nhân trong đơn vị. Mặt khác, trung đoàn thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan và qua hệ thống phát thanh nội bộ, bảng tin, các thiết chế văn hóa; tổ chức thi kể chuyện “Bác Hồ với thanh niên-Thanh niên với Bác Hồ” ở cấp chi đoàn, liên chi đoàn; phối hợp với đoàn thanh niên địa phương nơi đóng quân tham gia xây dựng địa bàn, tổ chức tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến học tập, làm theo tấm gương của Bác. Đơn vị quan tâm, chăm lo đời sống cho bộ đội và thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng nhiều biện pháp, mô hình mới nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, quản lý vững chắc vùng trời, chủ động trong xử lý mọi tình huống.

VŨ QUANG THÁI (ghi)

Thượng úy VŨ NHÂN SỰ, trợ lý kỹ thuật Phòng Kỹ thuật, Lữ đoàn Thông tin 23, Quân khu 7:

Nhớ lời Bác dặn Bộ đội Thông tin

leftcenterrightdel
Thượng úy Vũ Nhân Sự.

Lữ đoàn Thông tin 23 bảo đảm thông tin liên lạc (TTLL) cho Quân khu 7, có nhiều đài, trạm trải dài trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, địa hình, thời tiết phức tạp, khắc nghiệt, bộ đội phải đối mặt với nhiều tình huống khó khăn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn thấm nhuần từng chữ, từng lời trong thư khen của Bác Hồ gửi Bộ đội TTLL ngày 28-1-1969: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội TTLL đã lập được nhiều thành tích vẻ vang. Đã dũng cảm, nhanh nhẹn, khắc phục khó khăn, giữ vững TTLL, bảo đảm tốt cho chiến đấu và công tác chung… Đã cố gắng, cần luôn luôn cố gắng hơn nữa. Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng; ra sức học tập thêm nghiệp vụ, kỹ thuật, bảo đảm công tác TTLL kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn…”.

Nhớ lời căn dặn của Người và coi đây là phương châm, mục tiêu, động lực, tình cảm, trách nhiệm để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh, với phương châm “giỏi thông tin truyền thống, làm chủ thông tin hiện đại”, đơn vị đã cụ thể hóa thành nhiều phong trào, mô hình, như: “Trạm, chốt thông tin kiểu mẫu”, “Đơn vị 3 nhất”; “Ca trực chính quy”; “Đảng viên dìu dắt quần chúng, cấp dưới”… Trong đó, mô hình “Trạm, chốt thông tin kiểu mẫu” là một trong những đột phá; theo đó, 100% cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ ý nghĩa nhiệm vụ, xây dựng phòng, máy chính quy, làm tốt công tác dân vận; phát huy tinh thần tự lực tự cường, sáng tạo, khắc phục biểu hiện đơn giản, chủ quan, thiếu cảnh giác ở các cấp.

Ngoài ra, nhằm phát huy thông tin truyền thống, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn chịu khó tìm hiểu, đánh giá thực trạng trang thiết bị, xác định khó khăn, bất cập, hạn chế để tìm biện pháp khắc phục. Trong thành tích chung của đơn vị, các năm 2014-2019, tôi đã đóng góp 4 sáng kiến đoạt giải thưởng tại Hội thi “Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân”, 4 sáng kiến đoạt giải cao tại hội thi sáng kiến của quân khu và ứng dụng hiệu quả nhiều kỹ thuật công nghệ mới trong thực hiện nhiệm vụ.

NGUYỄN DUY HIỂN (ghi)

Đại úy LÊ ANH THỊNH, Đội trưởng Đội Kiểm tra giám sát, Trạm Biên phòng Cửa khẩu Nhà Rồng, BĐBP TP Hồ Chí Minh:

Vun đắp tự hào, thi đua cống hiến

leftcenterrightdel
Đại úy Lê Anh Thịnh.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành phong trào sâu rộng, việc làm thường xuyên của cấp ủy, chỉ huy và mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ của trạm. Việc học tập, phổ biến các chuyên đề, tác phẩm của Bác được đẩy mạnh, việc làm theo Bác đạt được kết quả tích cực, tạo niềm tin, sự chuyển biến tốt trong tổ chức đảng và cán bộ, chiến sĩ về tác phong công tác, trách nhiệm với công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tự hào là BĐBP ở Thành phố mang tên Bác kính yêu, tên Nhà Rồng cũng gắn với nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước, đơn vị đã thực hiện đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Nhớ về Bác-lòng ta trong sáng hơn”. Các hoạt động sinh hoạt chuyên đề, trao đổi, tọa đàm, thi kể chuyện, thăm di tích lịch sử, "địa chỉ đỏ" gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố cũng như gặp gỡ, giao lưu những tấm gương tiêu biểu các thế hệ và thực hiện Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt-Mỗi tuần một câu chuyện đẹp” được tổ chức hiệu quả. Bên cạnh đó, tuổi trẻ đơn vị tích cực tham gia tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên như: Tủ sách “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác”, mô hình “Ngôi nhà 100 đồng”, “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”...

Một trong những hoạt động sôi nổi nhất dịp này, đó là tọa đàm với chủ đề “Bác Hồ với thanh niên-Thanh niên với Bác Hồ”, từ đó rút ra những bài học, kinh nghiệm giá trị, giải pháp giúp cán bộ, chiến sĩ tu dưỡng đạo đức, phấn đấu rèn luyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với đó, đơn vị tổ chức hoạt động văn hóa-văn nghệ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh; hoạt động thể dục-thể thao và rèn luyện sức khỏe theo tấm gương Bác Hồ; hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, thực hiện công trình, phần việc thanh niên với chủ đề “Công trình thanh niên làm theo lời Bác”. Đợt sinh hoạt góp phần giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, giá trị to lớn của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người, từ đó vun đắp niềm tự hào, khơi gợi động lực thi đua cống hiến, quyết tâm lập công dâng Bác.

LÊ HÙNG KHOA (ghi)

Ông VIÊN TIẾN THĂNG, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang):

Tân Trào nhớ ơn Bác

leftcenterrightdel
Ông Viên Tiến Thăng.

Xã Tân Trào ngày nay được hình thành từ hai làng là Tân Lập (tức Kim Long) và làng Hồng Thái (tức Kim Trận), thuộc vùng đất Tân Trào xưa-nơi vinh dự được Đảng, Bác Hồ chọn làm căn cứ địa để chỉ đạo cách mạng, làm nên thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. 

Trong ký ức của người dân Tân Trào, Bác Hồ vĩ đại mà vô cùng giản dị. Mặc dù bận rất nhiều việc nhưng Bác vẫn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi người dân. Người còn tham gia cùng bà con lao động sản xuất, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, động viên người dân hăng hái lao động... Học và làm theo lời Bác, người dân Tân Trào hôm nay đang chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống mới.

Xã Tân Trào hiện có 5.140 nhân khẩu, 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Thái. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt kế hoạch huyện giao. Năm 2012, Tân Trào vinh dự được tỉnh Tuyên Quang chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 12-2014, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, là xã hoàn thành nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang, về đích trước một năm so với kế hoạch. Trong đó, có nhiều tiêu chí thực hiện nổi bật, như: Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 35 triệu đồng; các trục đường xã, thôn, xóm được nhựa hóa và bê tông hóa; 100% thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn; toàn xã không còn nhà dột nát; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 3 trường: Mầm non, tiểu học, THCS Tân Trào đều đạt chuẩn quốc gia...

HÀ PHƯƠNG (ghi)

Cựu chiến binh VÕ PHỔ, nguyên giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh:

Hình bóng Người trong mỗi bài giảng

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Võ Phổ.

Năm 1968, khi bước sang tuổi 17, tôi vinh dự 12 lần được phong "Dũng sĩ diệt Mỹ". Đó cũng là thời điểm tôi được ra miền Bắc chữa 14 vết thương bị địch bắn. Hạnh phúc không ngờ đến là tôi được gặp Bác Hồ. Tôi đã òa khóc khi được Bác hỏi thăm chiếc chân còn sưng, mưng mủ. Bác đã hỏi tôi: “Gặp Bác phải vui chứ, sao lại khóc?”… Sau đó, đoàn dũng sĩ miền Nam được gặp Bác nhiều lần nữa. Tôi để ý, trong Phủ Chủ tịch, căn phòng nào cũng có đồng hồ. Những lần đi đón khách với Bác, ai cũng đến sớm. Bác chỉ tay vào đồng hồ và nói: “Các cháu đến rất đúng giờ”. Nhớ lời Bác, 34 năm đi dạy học, tôi chưa bao giờ đi trễ một phút. Vết thương ở cổ làm tôi nói lắp và ngọng. Hằng ngày, tôi úp mặt vào lu nước, tập nói cho tròn vành rõ chữ. Có khi cổ họng đau rát, đỏ tấy, tôi vẫn chưa dừng lại, rèn đến khi nói chuẩn mới thôi.

Ngoài việc dạy chính ở Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, tôi được mời đi giảng dạy ở nhiều trường đại học trong thành phố. Điều tôi đau đáu nhất hiện nay là việc giảng dạy bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhà trường, nhất là các trường đại học chưa được đặt đúng tầm để tư tưởng của Người gần gũi, lan tỏa trong sinh viên hơn nữa. Tôi cũng đã nhiều lần đề xuất với cấp trên về việc dạy miễn phí cho các em. Bản thân tôi từ năm 2006 đến nay không hề nhận tiền thù lao bộ môn này mà dành tiền thù lao của mình gửi lại trường làm phần thưởng tặng sinh viên học giỏi. Có những sinh viên sắp phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí, tôi đều sẵn lòng giúp. Căn nhà của tôi ở quận 2 luôn dành riêng vài phòng cho con của đồng đội hoặc những học sinh nghèo. Đến bây giờ nghỉ hưu rồi, tôi vẫn kín lịch giảng dạy. Tôi làm được những điều đó vì hình bóng Người luôn trong trái tim tôi.

HỒNG VÂN (ghi)

Bà LÊ THỊ THƯ, 85 tuổi, khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa (Chí Linh, Hải Dương):

Sống mãi ký ức lần đầu được gặp Bác Hồ

leftcenterrightdel
Bà Lê Thị Thư.

Tôi nhớ hôm đó là ngày 15-2-1965, đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Bác về thăm chùa Côn Sơn (di tích lịch sử văn hóa thuộc địa phận khu dân cư Tiên Sơn, nay thuộc phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Khoảng 11 giờ trưa, vợ chồng tôi đang làm ruộng ở gần chùa thì có người chạy ra gọi: “Bác Hồ về thăm chùa. Bác Hồ về thăm chùa...”. Vợ chồng tôi liền bế con chạy vào chùa. Do Bác về thăm không thông báo trước nên chỉ những người dân sống gần chùa biết tin, ra đón Bác. Bác mặc bộ quần áo ka-ki giản dị đến chào bà con, hỏi thăm sức khỏe các cụ già. Lần đầu tiên được nhìn thấy Bác, không hiểu sao lúc đó nước mắt tôi cứ trào ra...

Sau khi chào mọi người, Bác vào chùa thắp hương. Buổi trưa hôm đó, Bác cùng đoàn công tác ăn cơm nắm và nghỉ ngơi tại khu nhà cọ trong chùa. Vì không biết khi nào Bác về nên mọi người bỏ ăn trưa để ngồi ở cổng chùa, mong được gặp Bác thêm lần nữa. Buổi chiều, Bác lên thăm Thạch Bàn, sau đó xuống nói chuyện với bà con. Tại đây, Bác căn dặn cán bộ, nhân dân phải tích cực trồng cây phủ xanh di tích, làm cho di tích trở thành thắng cảnh du lịch của địa phương. Đến 16 giờ, Bác ra cổng về, mọi người đứng xếp hàng tiễn Bác. Khi Bác chuẩn bị lên xe, tất cả đều vỗ tay hô vang: “Chủ tịch Hồ Chí Minh! Chủ tịch Hồ Chí Minh!...”. Tôi và rất nhiều người đã khóc khi tiễn Bác.

Sau lần gặp Bác, hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu luôn khắc sâu vào tâm trí tôi. Nhớ lời Người căn dặn, tôi và người dân trong thôn đã đi nhiều nơi tìm những giống cây phù hợp mang về chùa trồng. Gia đình tôi cũng nhận hơn 17ha đất bỏ không gần chùa để trồng thanh hao (cây giễ), sau này nơi đây trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các phong trào lao động sản xuất ở địa phương và nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành. Bây giờ, tuy tuổi đã cao nhưng tôi vẫn thường xuyên căn dặn con cháu phải luôn phấn đấu làm theo lời Bác dạy.            

NGUYỄN TRƯỜNG (ghi)

Cựu chiến binh, già làng Hyong (73 tuổi) ở làng Klot, xã Kon Gang (Đăk Đoa, Gia Lai): 

Trong lòng người dân Tây Nguyên luôn có Bác

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh, già làng Hyong.

Ngày còn nhỏ, tôi thường được nghe cha và các bô lão trong làng kể về bức thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, tổ chức tại Pleiku (Gia Lai) ngày 19-4-1946. Ngày đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đối phó với thù trong, giặc ngoài. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã mở rộng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân với tinh thần: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”... Khắc ghi lời dạy của Bác, khắp núi rừng Tây Nguyên dấy lên phong trào thi đua giết giặc cứu nước. Dù đói cơm, nhạt muối, buôn làng luôn phải di dời để tránh địch càn quét, khủng bố, nhưng người dân Tây Nguyên vẫn luôn mang trong tim hình ảnh Bác Hồ như điểm tựa sức mạnh tinh thần, vượt qua gian khổ, hy sinh, anh dũng đánh địch...

Tôi lớn lên cũng đi bộ đội, hoàn thành nhiệm vụ trở về làng được bà con tín nhiệm bầu làm già làng và nhiều lần được đi dự hội nghị gặp mặt, tôn vinh già làng, người uy tín trong cộng đồng của tỉnh Gia Lai và khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, trong hơn 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên, tôi đã tuyên truyền, vận động người dân luôn tin theo Đảng, Bác Hồ; đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới; bài trừ các tệ nạn, hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, “không nghe, không tin, không làm theo và không sợ” kẻ xấu xúi giục, kích động.  

Bác Hồ dù đã đi xa nhưng trong lòng người dân Tây Nguyên luôn có Bác. Thông qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, đồng bào Tây Nguyên đã xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp, “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” như sinh thời Người hằng mong muốn.

NGUYỄN ANH SƠN (ghi)

HENRY QUÂN ở thành phố Stuttgart, Cộng hòa Liên bang Đức:

Những câu chuyện về Người cho em nhiều bài học

leftcenterrightdel
Em Henry Quân.

Em được sinh ra và lớn lên ở một đất nước giàu có, hiện đại. Ký ức tuổi thơ của em là những lâu đài cổ tích với những hiệp sĩ mang áo giáp sáng lóa, là tuyết trắng, là ông già Noel phát quà khi Giáng sinh về. Qua lời kể của mẹ, Việt Nam là đất nước đang phát triển, thời tiết nóng bức và xa xôi, nhưng em vẫn mong được về thăm. Bởi dòng máu đỏ da vàng vẫn đang chảy trong cơ thể của em. Bố em thường kể cho em nghe về các cuộc đấu tranh hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và đặc biệt là Bác Hồ-vị Cha già kính yêu của dân tộc. Bố em cũng mua rất nhiều sách, truyện về Bác Hồ cho em đọc.

Những câu chuyện về Bác thật là xúc động. Câu chuyện năm 1961, khi Bác về thăm xã Vĩnh Thành (Yên Thành, Nghệ An) là một trong số đó. Hôm đó, Bác đứng nói chuyện với nhân dân giữa trời nắng gắt, đồng chí lãnh đạo huyện tìm mượn chiếc ô che nắng cho Bác thì Người quay lại hỏi: “Chú có đủ ô che hết nắng cho bà con không?...”. Bác đã không đồng ý được đối đãi đặc biệt. Em cũng đã được xem những hình ảnh tư liệu Bác ra đồng làm ruộng với nông dân hay ngồi quạt cho những thương binh, bệnh binh. Đọc, xem những mẩu chuyện, thước phim tư liệu về Bác, em học được những bài học về đạo làm người mà em không tìm thấy trong sách vở nhà trường. Những câu chuyện về Người luôn thôi thúc em quay về Việt Nam để được viếng Người, ngắm nhìn Người trong giấc ngủ bình yên, để tận mắt nhìn nếp nhà sàn đơn sơ… và để được nghe nhiều hơn những huyền thoại về vị Cha già kính yêu của dân tộc.

HOÀNG PHONG (ghi)