Với hơn 700 tư liệu tiêu biểu được lựa chọn trưng bày theo các nội dung: “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc đời-Sự nghiệp”; “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nội dung, ý nghĩa và giá trị lịch sử”; “Thành tựu sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, triển lãm giới thiệu toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội để bạn đọc hiểu thêm về Bác Hồ từ khi Người bôn ba tìm đường cứu nước đến khi trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đấu tranh giành chính quyền, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Triển lãm đồng thời giới thiệu nhiều tư liệu liên quan đến những nội dung cốt lõi của bản Di chúc mà Người để lại, những thành tựu mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã đạt được sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người. 

leftcenterrightdel
       Khách tham quan triển lãm tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Các cán bộ, nhân viên Thư viện Quốc gia Việt Nam đã lựa chọn giới thiệu tới khách tham quan những ấn phẩm đặc sắc về quá trình ra đời, nội dung, ý nghĩa của bản Di chúc bất hủ như: “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ánh sáng của trí tuệ và niềm tin”, “Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, những giá trị lịch sử và thời đại”, “Giá trị nhân văn của Di chúc Hồ Chí Minh”, “Bác Hồ viết Di chúc”… Đọc những trang sách của các nhà nghiên cứu mới thấy hết giá trị nội dung chắt lọc ngắn gọn mà có tính định hướng lâu dài và sâu sắc của Di chúc; lối hành văn giản dị, trong sáng, đặc trưng phong cách chính luận Hồ Chí Minh...

Một phần quan trọng của triển lãm là giới thiệu, tôn vinh những hành động, việc làm thực hiện Di chúc của Người thông qua nhiều tác phẩm: “Thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Xây dựng đất nước phồn vinh theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Những tấm gương bình dị mà cao quý”… Theo thời gian, những trang sách viết về Di chúc, viết về tập thể, cá nhân anh hùng, những tấm gương trong lao động, chiến đấu, thực hiện Di chúc sẽ ngày một nhiều. Thiết nghĩ, ngành xuất bản, các cơ quan thông tấn, báo chí cần tiếp tục tăng cường giới thiệu, tuyên truyền để người dân thêm hiểu, tự giác học tập, làm theo tấm gương của Bác và thực hiện Di chúc của Người, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp.

Bài và ảnh: HÀM ĐAN