Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất coi trọng việc phát hiện, sử dụng và bồi dưỡng nhân tài. Ngày 14-11-1945, hơn hai tháng sau ngày đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với bài viết “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên Báo Cứu quốc, Người đã nhấn mạnh “kiến quốc cần có nhân tài” . Trong bài “Tìm người tài đức” đăng trên Báo Cứu quốc ra ngày 20-11-1946, Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”. Theo quan niệm của Bác, người hiền tài cũng có nghĩa là nhân tài, và nhân tài cũng là người tài đức. Nghĩa là người đó vừa phải có tài lại phải có đức, tài và đức tốt mới có thể phụng sự đất nước.
Nhân tài không phải ở trên trời rơi xuống, mà nhân tài tiềm tàng trong nhân dân. Bác yêu cầu: “Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”. Việc sử dụng và phát huy vai trò của người tài, Bác có những ý kiến rất cụ thể: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”.
 |
Học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) trong giờ thực hành môn Vật lý. Ảnh: MINH ANH. |
Bác đặc biệt lưu ý đến các cấp quản lý và sử dụng nhân tài. Vai trò của người quản lý vô cùng quan trọng, có thể phát triển, mà cũng có thể làm thui chột nhân tài. Bác nhấn mạnh: “Phải biết tùy tài mà dùng người sẽ thành công”, “Lãnh đạo khéo thì tài nhỏ có thể hóa thành tài to. Lãnh đạo không khéo thì tài to cũng hóa ra tài nhỏ”. Đó chính là nghệ thuật dùng người, nghệ thuật sử dụng nhân tài. Vai trò của người tổ chức, người sử dụng nhân tài cũng quan trọng không kém gì nhân tài.
Không chỉ viết về việc phát hiện, sử dụng người tài, Bác đã mời được những người tài là các nhân sĩ, trí thức yêu nước tham gia Chính phủ kháng chiến. Đó là những tên tuổi lớn như các nhà Nho học: Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Thúc Kháng…; các trí thức Tây học như: Trần Đại Nghĩa, Phan Anh, Phạm Huy Thông, Trần Hữu Tước, Vũ Đình Huỳnh…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm việc đào tạo, bồi dưỡng người tài. Chính Người đã mở các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng ở Quảng Châu, Trung Quốc. Trong kháng chiến, Người cho mở Trường Đại học Y Dược (Việt Bắc); lớp toán đại cương và các trường dự bị đại học, sư phạm cao cấp (Khu IV); các trường khoa học cơ bản và sư phạm cao cấp (Khu học xá Trung ương, Quảng Tây, Trung Quốc) nhằm tạo dựng một lớp người có đủ tài và đức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Người rất quan tâm đến giáo dục để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Chiến dịch “diệt giặc dốt” do Bác chủ trương chính là để mọi người dân biết chữ, để dân trí được nâng cao. Trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9-1945, Bác đã đặt niềm tin vào thế hệ trẻ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Những học sinh hôm nay chính là chủ nhân của đất nước ngày mai. Nhân tài “kiến quốc” chính là những học sinh được đào tạo trong nhà trường. Quan tâm đến trường học, Người yêu cầu nhà trường phải đẩy mạnh thi đua “Hai tốt”: Dạy tốt đối với người thầy và học tốt đối với học trò. Những học sinh học tốt sẽ là mầm tài năng để xây dựng đất nước sau này. Trước khi từ trần, trong Di chúc, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Bồi dưỡng thế hệ trẻ là bồi dưỡng những người làm chủ tương lai của đất nước, trong đó có việc bồi dưỡng nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.
Có thể nói, việc phát hiện nhân tài, sử dụng nhân tài, bồi dưỡng nhân tài, phát huy năng lực của nhân tài là một vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, trăn trở. Ngay khi bị tù đày trong nhà ngục của Quốc dân đảng, Người đã nhấn mạnh vai trò của giáo dục với câu thơ: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Ngành giáo dục và nhà trường có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài. Việc Đảng, Nhà nước ta chỉ đạo ngành giáo dục xây dựng các trường chuyên, tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đưa học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế các môn Toán học, Tin học, Sinh học, Vật lý, Hóa học, tham gia thi sáng tạo robocon, xây dựng trường đại học đạt chuẩn quốc tế có tên trong các trường tốt của khu vực và thế giới… chính là cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và bồi dưỡng nhân tài.
PGS, TS VŨ NHO