Người trực tiếp bắn rơi máy bay B-52 tại hồ Hữu Tiệp (Ngọc Hà, Hà Nội) là một cựu sinh viên Bách khoa khóa 13-trắc thủ góc tà Nguyễn Đức Chiêu, Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 363. Cho đến giờ, trong ký ức của ông vẫn vẹn nguyên hình ảnh một màn lửa tóe lên.
Ông Chiêu kể: “Khi nghe vọng quan sát bằng mắt báo về: "Hai quả tên lửa rời bệ bay lên gặp mục tiêu nổ tốt, máy bay cháy rất to, đang rơi xuống trung tâm Hà Nội", giữa tiếng hò reo của anh em trong đội, tôi lặng đi vì xúc động”.
 |
Những cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cùng các đại biểu thăm trường tháng 12-2022.
|
Trắc thủ Nguyễn Đức Chiêu và đồng đội đã bắn hạ máy bay B-52 khi nó đang bay vào Hà Nội. Chưa kịp gây tội ác, B-52 đã bị bắn hạ. Vì thế, Tiểu đoàn 72 của Nguyễn Đức Chiêu còn được mệnh danh là đơn vị “bắt sống máy bay B-52”.
Nhớ về tình hình chiến sự lúc bấy giờ, cựu sinh viên Bách khoa Nguyễn Đức Chiêu cho hay, những khó khăn, áp lực với các trắc thủ khi bắn máy bay hiện đại bậc nhất thời đó của Mỹ là phải tiết kiệm đạn. Theo điều khiển, mỗi trắc thủ được phân công lái đạn trực tiếp sẽ lái theo các hướng khác nhau. Phương vị lái vòng tròn, cự ly thì ấn định, góc tà nâng lên, hạ xuống. Trong câu chuyện “bắt sống” máy bay B-52 của chàng sinh viên Bách khoa năm đó còn là những chia sẻ tự hào về đồng đội-trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Tuyền và trắc thủ phương vị Trương Đăng Khoa. Họ đều là những sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lên đường nhập ngũ đã góp sức cho chiến công này.
Những năm chiến tranh ác liệt, hơn 3.000 giảng viên và sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc. Những người lính đã mang theo “trí tuệ Bách khoa” vào trong các trận chiến đấu khốc liệt với các sáng kiến có thể coi là "công trình khoa học" như: “Vạch nhiễu tìm thù”, bắn rơi "pháo đài bay" B-52; “Chọc mù mắt hung thần AC130”; “Vô hiệu hóa tên lửa shrike”... Ba trận địa súng cao xạ phòng không 14,5mm ngay trên nóc các tòa nhà C1, C9 và A1, A2, A3 của thầy trò Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khi đó cũng góp phần tạo nên lưới lửa phòng không tầm thấp của quân và dân Hà Nội đánh trả quyết liệt máy bay phản lực Mỹ trên bầu trời Thủ đô.
Những câu chuyện sống động về sinh viên Bách khoa Hà Nội thông minh, dũng cảm, dùng kiến thức đã học của mình góp chiến công trong trận chiến mùa đông năm 1972 khiến thế hệ trẻ hôm nay đều thấy rất tự hào. Sinh viên năm thứ hai Phạm Văn An, Trường Điện-Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: “Các chú, các bác khi tham gia quân ngũ bằng đúng tuổi của chúng em hiện tại nhưng rất dũng cảm, để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử hào hùng của dân tộc và Đại học Bách khoa Hà Nội. Những câu chuyện đã truyền cảm hứng học tập, nghiên cứu, cống hiến cho chúng em rất nhiều”.
Mong thế hệ sinh viên ngày nay sẽ tiếp nối truyền thống của “người Bách khoa”, PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội tin tưởng, với sự đoàn kết, tinh thần tận tâm, tận lực, đổi mới, với khát vọng sáng tạo và đột phá, những sinh viên của nhà trường sẽ luôn đam mê học tập và nghiên cứu, dùng kiến thức, trí tuệ và công nghệ để góp phần giải quyết những trăn trở, những thách thức lớn của đất nước.
Bài và ảnh: HÀ CHI