Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ” trên không, Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích đăng một số ý kiến của những nhân chứng lịch sử từng chứng kiến Hà Nội 12 ngày đêm khói lửa.

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Việt, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân: Sức mạnh đoàn kết của dân tộc làm nên chiến thắng

Sau 50 năm nhìn lại Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, tôi vẫn cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào. 50 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đi vào lịch sử dân tộc ta, trở thành một dấu ấn chói lọi, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong thế kỷ XX. Mặc dù những ký ức đau thương đã lùi sâu vào quá khứ nhưng tôi không thể quên được hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên bị tàn phá bởi bom Mỹ...

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Việt. 

Chứng kiến cảnh miền Bắc chìm trong khói bom, lửa đạn, bộ đội Phòng không - Không quân khi ấy đã nuôi ý chí quyết tâm, không sợ khó khăn, nguy hiểm, tìm mọi cách vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện mục tiêu đập tan mọi cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ, mang lại chiến thắng lịch sử cho quân và dân ta. 

Bên cạnh niềm vui thắng lợi, niềm sung sướng khi tiêu diệt được máy bay của địch, lập được những chiến công mới thì hình ảnh về những người đồng chí, đồng đội đã cùng vào sinh ra tử vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. 

Từ góc độ cá nhân, tôi khẳng định, Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không thắng lợi chính là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh đoàn kết của dân tộc, nghệ thuật quân sự tài tình, khẳng định tầm chiến lược của Đảng, của Bác Hồ.

Thực hiện lời dạy của Bác và sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, năm 1966, Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều động các Trung đoàn vào Vĩnh Linh tìm hiểu và đánh máy bay B-52. Sau đó, Quân chủng tiếp tục đưa thêm các đơn vị tên lửa, không quân cùng nhiều cán bộ vào Khu 4 để chi viện cho Chiến dịch Trị - Thiên và tìm hiểu, nghiên cứu cách đánh B-52. 

Nhờ có sự tìm hiểu và thời gian chuẩn bị từ trước nên khi diễn ra chiến dịch, bộ đội ta đã có kinh nghiệm, sẵn sàng tham gia các trận chiến.

Giờ đây, khi được sống trong hòa bình, độc lập, tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ tiếp tục học tập, nuôi dưỡng lòng yêu nước để tiếp tục công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước giàu mạnh, sánh ngang với các cường quốc năm châu.

-------------------------------------------------------------------------

Ông Nguyễn Tiến Hà, Trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò: Ký ức về những năm tháng lịch sử vẫn luôn vẹn nguyên

Sau 50 năm, đối với tôi, những ký ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không vẫn còn vẹn nguyên trong tôi. Nhớ lại tháng 12 lịch sử, khi Mỹ huy động “pháo đài bay” B-52 - loại máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất rải thảm hủy diệt xuống Hà Nội và các mục tiêu chiến lược trên miền Bắc nước ta liên tục trong 12 ngày đêm, hình ảnh những cơn “bão lửa” rợp trời miền Bắc, những con phố đổ nát, người dân chạy đi di tản, lòng tôi vẫn cảm thấy đau xót vô cùng.

Cựu tù chính trị Nguyễn Tiến Hà. 

Biết bao chiến sĩ đã ngã xuống để có được chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Giờ đây, khi được sống trong hòa bình, xem lại những hình ảnh, những thước phim của một thời hoa lửa, tôi cảm thấy rất buồn, rất nhớ những người đồng đội đã hy sinh. 

Mặc dù phải chịu nhiều mất mát, đau thương nhưng chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không đã cho chúng ta một bài học về tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện; phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.

Hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng máu của biết bao chiến sĩ và đồng bào ta. Vì vậy, tôi hy vọng tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ luôn nhớ về quá khứ, nhớ về những hy sinh, mất mát, những thành tích chiến đấu trước kia để từ đó tạo động lực vươn lên, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tiếp tục bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

---------------------------------------------------------------

Nhà sử học Lê Văn Lan: Hà Nội yên bình giữa những đổ nát

Lợi dụng 1 ngày mà quân địch tuyên bố ngừng ném bom đúng vào giáng sinh, tôi đã đi nhà thờ. Sau đó, đế quốc Mỹ lại tiếp tục ném bom và tôi phải theo cơ quan đi sơ tán lên Hà Bắc (tên gọi cũ của 2 tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh).

Nhà sử học Lê Văn Lan. 

Từ đấy, đêm đêm, tôi nhìn về bầu trời Hà Nội. Tại đây, tôi thấy rất rõ tên lửa của ta bắn lên còn máy bay của Mỹ thì rơi xuống. Tinh thần của tôi cũng như những người Hà Nội lúc đó rất bình tĩnh và thanh thản. Lúc ấy, những căm giận, đau thương được nén xuống, thay vào đó là sự bình tĩnh và biết mình phải làm gì. Vì thế mà quân và dân Hà Nội đã chiến thắng được “pháo đài bay” của Mỹ.

-------------------------------------------------------------

TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Trong khó khăn, người Hà Nội luôn đoàn kết, đùm bọc nhau

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, năm 1972, tôi 16 tuổi. Khi đế quốc Mỹ chuẩn bị ném bom miền Bắc thì trường học của tôi phải sơ tán ra khỏi nội thành.

Những ngày B-52 tàn phá Thủ đô, chúng tôi đã chứng kiến khung cảnh cả Hà Nội kiên cường chiến đấu với “pháo đài bay”. Ngày 23 và 24-12-1972, tôi về Hà Nội vì tôi còn bố đang ở nhà. Cả gia đình tôi lúc ấy, mỗi người đi một hướng.

Khi tôi đang ở Quốc Oai (Hà Tây cũ) thì nghe thấy tiếng còi báo động, Hà Nội lúc đó rất vắng lặng, có nhiều hầm cá nhân trên đường phố, còi báo động thì dường như ai cũng quen rồi.

TS Lê Thị Minh Lý. 

Tôi về Hà Nội vào ngày 24-12-1972. Lúc đó Mỹ ngừng ném bom bởi là đêm Noel nên tôi tranh thủ về để xem tình hình bố ở nhà ra sao. Sau khi nhìn thấy bố vẫn bình an thì bố giục tôi yên tâm đi về khu sơ tán luôn. Đêm 26-12, khi chúng tôi ở Quốc Oai thì nghe thấy tiếng bom, máy bay gầm rú trên trời và tiếng ầm ầm, rồi sau đó cả Hà Nội rực cháy.

Lúc đó, chúng tôi lặng người và khóc. Ai có bố mẹ như tôi thì khóc ghê lắm còn những bạn không có bố mẹ ở Hà Nội thì nghĩ rằng mình không còn nhà nữa nên rất buồn.

Ngày 27 và 28-12-1972, tôi về Hà Nội, thì thấy cảnh tượng trước mặt mình rất hoang tàn, đổ nát vì B-52 tàn phá, tôi vô cùng hoảng sợ. Phố Khâm Thiên thì không ai được vào bởi hai đầu phố bị chặn lại. Hình ảnh xe cứu thương, người đào bới, tiếng khóc…ở khắp các ngõ phố. Mặc dù tang thương nhưng người Hà Nội lúc đó rất bình tĩnh. Người Hà Nội trong khó khăn rất đoàn kết, đùm bọc nhau. Hàng xóm sẵn sàng chia sẻ những khẩu phần ăn ít ỏi. Dẫu chiến tranh, đau thương như vậy nhưng tôi cảm thấy ấm lòng vô cùng bởi tình người Hà Nội.

-----------------------------------------------------------------------

Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Quân Tạo, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội: Trong ký ức của tôi vẫn vẹn nguyên hình ảnh Hà Nội tưng bừng khi tiêu diệt “pháo đài bay” B-52

Chứng kiến thời điểm Hà Nội bị B-52 tàn phá, đồng bào bị vùi lấp trong những căn nhà bị bom Mỹ đánh sập, lòng tôi vô cùng xót xa. Tuy nhiên, xen lẫn nỗi buồn là niềm vui chứng kiến cảnh quân và dân Hà Nội tiêu diệt B-52 của Mỹ cháy sáng bầu trời Hà Nội.

Khi đó Hà Nội vắng vẻ lắm, đường phố rất ít người qua lại. Tuy nhiên, khi thấy hình ảnh B-52 rơi thì tiếng hò reo, vui mừng chiến thắng khắp cả ngõ phố. Khi có còi báo động thì mọi người đều ở trong nhà nhưng khi “pháo đài bay” của Mỹ bị bắn hạ thì tất cả mọi người chạy ra đường hò reo. Lúc đó Hà Nội đa phần là thanh niên ở lại còn trẻ em và người già, phụ nữ thì đi sơ tán.

Ông Hoàng Quân Tạo. 

Hà Nội dẫu bị đánh phá nhưng rất kiên cường, máy bay B-52 của Mỹ bị cháy, tôi rất hân hoan, bản thân mình vui hơn nữa bởi tôi bị giam cầm ở Hỏa Lò và là người cuối cùng được thả nên khi bước chân ra khỏi nhà tù, nhìn thấy bầu trời Tổ quốc, tôi sung sướng lắm bởi những năm tháng ở tù với tôi là vô cùng u ám, giữa cái sống và cái chết rất mong manh vì bị thực dân Pháp tra tấn rất tàn bạo. Khi được trả tự do và lại được chứng kiến quân xâm lược bị đánh tơi bời thì cảm thấy rất vui mừng.

Tôi là người gốc Hà Nội, đến bây giờ, 50 năm đã trôi qua nhưng trong ký ức của tôi vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh Hà Nội tưng bừng khi tiêu diệt “pháo đài bay” B-52.

Nhân dân Hà Nội khi ấy rất lạ bởi nhắc đến chiến tranh thì ai cũng sợ nhưng với người dân Hà Nội thì rất kiên cường. Qua chiến thắng này thì niềm tin với cách mạng của nhân dân Hà Nội ngày càng được nhân lên.

KHÁNH HUYỀN – TRẦN YẾN (thực hiện)