Phóng viên (PV): Quân và dân Thủ đô Hà Nội đã chuẩn bị cho cuộc chiến 12 ngày đêm cuối năm 1972 như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Để chuẩn bị đối đầu với cuộc tập kích lớn bằng không quân của đế quốc Mỹ, Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với bộ đội phòng không và nhân dân các tỉnh lân cận xây dựng “lưới lửa” phòng không nhân dân của 3 thứ quân, phát động toàn dân đánh máy bay địch, bắt giặc lái và phục vụ chiến đấu. Hà Nội đã huy động khoảng 54.000 chiến sĩ với hơn 500 súng trung liên, đại liên, súng máy được bố trí tại 295 trận địa, cả trong nội thành và ngoại thành. Mỗi khu phố nội thành có một đại đội pháo cao xạ, được huấn luyện kỹ càng, sẵn sàng đánh máy bay địch.

 Đồng chí Nguyễn Văn Phong.

Cuối tháng 4-1972, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ra Nghị quyết về công tác phòng không, sơ tán nhân dân, chuẩn bị chiến đấu và triển khai các phương án thực hiện. Cuối năm 1972, Hà Nội đã vận động và tổ chức cho gần 550.000 người sơ tán khỏi thành phố. Ở nội thành để lại 200.000 người phục vụ sản xuất, chiến đấu. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương khác luôn hết lòng giúp đỡ nhân dân về sơ tán, thể hiện rõ trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.

Toàn thành phố đã nhanh chóng xây dựng hơn 45.000km hào giao thông, gần 5.600 hầm tập thể, hơn 63 vạn hố cá nhân, bảo đảm đủ chỗ trú ẩn cho hơn 90 vạn người. Các tuyến cứu thương của thành phố đã tổ chức hơn 1.200 điểm và tổ cấp cứu, 266 cơ sở cấp cứu điều trị, 64 đội cấp cứu lưu động, 11 đội phẫu thuật cơ động. Một mạng lưới đài quan sát, còi báo động rộng khắp từ xa về gần được hình thành, luôn sẵn sàng với 414 đài quan sát ở các khu, huyện và 36 đài quan sát của thành phố.

PV: Trong cuộc chiến cuối năm 1972, quân và dân Thủ đô đã chủ động, triển khai công tác phối hợp hiệp đồng tác chiến với các đơn vị như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Thành ủy, Ủy ban Hành chính TP Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo Bộ tư lệnh Thủ đô và địa phương chủ động hiệp đồng với các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân xây dựng thế trận phòng không vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp. Các đơn vị tên lửa, pháo cao xạ triển khai xây dựng trận địa chiến đấu. Công tác khắc phục hậu quả do bom Mỹ gây ra luôn có mặt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thủ đô chung sức. Trong quá trình chiến đấu, các đơn vị của Bộ tư lệnh Thủ đô còn hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng phòng không để bảo vệ các mục tiêu.

Nhờ chủ động làm công tác chuẩn bị mọi mặt và phối hợp chiến đấu chặt chẽ nên trong cuộc đọ sức lịch sử này, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã đoàn kết một lòng, tập trung trí tuệ, sức mạnh, góp phần quan trọng cùng các lực lượng làm nên Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên phủ trên không" lẫy lừng, buộc chính quyền Mỹ phải ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước; tạo bước ngoặt lịch sử để quân dân ta đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

 Giáo dục truyền thống 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cho cán bộ, chiến sĩ và học sinh trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: CHÍ PHAN 

PV: Phát huy Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 vào phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, Hà Nội đạt được thành tựu như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Sau hơn 35 năm cùng đất nước thực hiện sự nghiệp đổi mới, Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Các nghị quyết của Đảng bộ thành phố ngày càng đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục, từ năm 2010 đến năm 2020 đạt trung bình 6,38%/năm; vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 của năm 2021, đến năm 2022, kinh tế Thủ đô đã tăng trưởng 8,8%. 

Hiện nay, Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Công nghiệp có bước phát triển mạnh theo hướng ưu tiên các ngành hàng, nhóm sản phẩm có công nghệ hiện đại, hàm lượng trí tuệ cao, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản, hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; bước đầu hình thành nền nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao và phát triển nông nghiệp sinh thái.

Thành phố đã tổ chức quy hoạch, phát triển văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, tăng cường tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử. Lĩnh vực giáo dục-đào tạo phát triển toàn diện, trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho cả nước. Y tế có bước phát triển vững chắc, tập trung nhiều bệnh viện lớn và hiện đại nhất cả nước, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Các chính sách xã hội được thực hiện hiệu quả...

PV: Đúc rút những bài học lịch sử, vận dụng vào củng cố thế trận QPAN của Thủ đô hiện nay ra sao, thưa đồng chí? 

Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Phát huy tinh thần dám đánh, biết đánh, quyết thắng trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972, Đảng bộ, chính quyền và lực lượng vũ trang Thủ đô luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Đặc biệt, luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ QPAN; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, của các cấp, các ngành; chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân về nhiệm vụ QPAN và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tinh thần cảnh giác cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Kết hợp chặt chẽ QPAN với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với QPAN; trong quy hoạch và xây dựng luôn chú trọng tính lưỡng dụng của các công trình. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, tạo bước chuyển về trình độ, khả năng tác chiến, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu, làm tốt công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phát triển nghệ thuật quân sự.

Tiếp tục xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, làm nòng cốt cùng toàn dân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

SƠN BÌNH (thực hiện)