Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, bộ phim “Trời Hà Nội mãi xanh” gồm 2 tập "Bầu trời của đạn bom" và “Bầu trời của hòa bình” đã ra mắt khán giả và để lại dấu ấn sâu đậm với người xem bằng những hình ảnh chân thật, giàu cảm xúc về một Hà Nội trong khói lửa bom đạn vẫn kiên cường. Đạo diễn, Trung úy Bùi Thanh Hải đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử về quá trình thực hiện tác phẩm điện ảnh này.

leftcenterrightdel
Đoàn làm phim thực hiện cảnh quay tại hồ Tây. 

Phóng viên (PV): Bộ phim là sự nhìn lại cuộc chiến 12 ngày đêm với B-52 trên bầu trời Hà Nội, là đạo diễn trẻ được giao đảm nhận thực hiện, cảm xúc của đồng chí ra sao?

Đạo diễn Bùi Thanh Hải: Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được giao đạo diễn tập 2 của phim với tiêu đề “Bầu trời của hòa bình”. Đây là kịch bản thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Bộ phim nói về sự kiện lịch sử đã trôi qua nửa thế kỷ. Dẫu có khó khăn khi tiếp cận tài liệu để làm phim nhưng tôi luôn cảm thấy mình rất tự hào bởi đã được Ban giám đốc tin tưởng, đồng thời cũng là một áp lực rất lớn.

PV: Là thế hệ sinh ra trong hòa bình, làm thế nào để có kiến thức cũng như hình ảnh, tư liệu thực hiện bộ phim, thưa đồng chí?

Đạo diễn Bùi Thanh Hải: Đây là sự kiện đã diễn ra cách đây 50 năm, ngày mà tôi còn chưa được sinh ra. Chính vì vậy, tôi không thể hiểu cũng như cảm nhận rõ được sự kiện, trận chiến đó diễn ra như thế nào. Vì thế, khi nhận kịch bản, tôi phải đọc rất nhiều tư liệu, tìm hiểu những thước phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân ghi lại trong trận chiến đó... Từ những thước phim của đơn vị kết hợp với những tư liệu do bản thân mình tìm tòi và tiếp xúc với các nhân vật lịch sử đã từng tham gia trận chiến, tôi mới có thể cảm nhận và hiểu hơn về sự kiện cũng như Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không".

leftcenterrightdel
 Quang cảnh hồ Gươm xanh mát, thanh bình được thể hiện trong phim.

PV: Để có những hình ảnh trong phim cũng như cảm xúc của các tù binh phi công Mỹ bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò và sau khi được trở về với gia đình, đoàn làm phim phải thu thập tư liệu như thế nào?

Đạo diễn Bùi Thanh Hải: Sau khi tiếp xúc với kịch bản thì tôi bắt tay ngay vào việc tìm kiếm các nguồn tư liệu ở mọi phương diện như: Sách báo, các phim tư liệu… Qua tìm tòi, tôi được biết, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã ghi lại được rất nhiều hình ảnh của các tù binh phi công Mỹ may mắn còn sống sót và bị bắt giam. Sau đó tôi cũng đã sưu tầm, tìm thêm các nguồn tư liệu từ phía Mỹ để đưa đến cho người xem một góc nhìn bao quát nhất.

PV: Không có những lời ngợi ca, tôn vinh, bộ phim chọn cách kể bằng chính câu chuyện của nhân vật để thuyết phục người xem, đây có phải cái khó khi thực hiện bộ phim tài liệu này?

leftcenterrightdel
Hà Nội của sự phát triển được tái hiện trong tác phẩm. 

Đạo diễn Bùi Thanh Hải: Tôi là một đạo diễn trẻ nên tôi muốn bộ phim được thực hiện dưới góc nhìn và cách kể chuyện của thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Trong phim, tôi luôn muốn đưa ra một góc nhìn bao quát tới khán giả nhưng để làm được điều đó thì phải mất công thu thập dữ liệu và thông tin về sự kiện cũng như trận chiến, đó cũng là khó khăn khi thực hiện bộ phim này.

PV: Với cái nhìn của những người sinh ra, lớn lên sau chiến tranh, bộ phim cho thấy một Hà Nội đã vượt lên những đổ nát, đau thương bởi chiến tranh để phát triển như hôm nay, cảm nhận của đồng chí ra sao về thế hệ trẻ nhìn lại chiến tranh thông qua tác phẩm điện ảnh?

Đạo diễn Bùi Thanh Hải: Trong quá trình thực hiện, tôi đã khai thác những nỗi đau, sự mất mát của chiến tranh đến từ cả hai phía để từ những sự mất mát hy sinh đó, từ cái giá phải trả cho chiến tranh để thấy được giá trị của hòa bình.

Trong quá trình thực hiện tác phẩm, tôi đã trao đổi với quay phim về những cảnh quay cần thiết để có những chi tiết “đắt”, gây xúc động cho người xem. Qua đó, chúng tôi đã tìm được tiếng nói chung khi thể hiện tác phẩm; ghi lại được khoảnh khắc sum họp của những gia đình có người thân hy sinh trong cuộc chiến với “pháo đài bay B-52” ngày hôm nay và cũng từ những chi tiết ấy, người xem thấy được giá trị hòa bình.

PV: Phải chăng tên bộ phim giản dị như chính con người, mảnh đất Hà Nội, thưa đồng chí?

Đạo diễn Bùi Thanh Hải: Tên của bộ phim là do biên kịch đặt nhưng dưới góc nhìn của đạo diễn, tôi thấy tên của bộ phim đã khắc họa hình ảnh Hà Nội trong gian khó vẫn kiên cường. Qua đó, cũng nói lên tình người Hà Nội, về thành phố hòa bình, xứng đáng là Thủ đô được UNESCO chọn là thành phố tiêu biểu của châu Á và là một trong 5 thành phố trên thế giới nhận giải thưởng “Thành phố Vì hòa bình”.

Bộ phim được phát sóng vào ngày 27 và 28-12 trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.  

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)