Sau chiến thắng lịch sử ở miền Nam Việt Nam, ngày 1-5-1975, tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản đăng bài xã luận, trong đó có câu: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc và phần thắng thuộc về lực lượng giải phóng. Ðiều này có nghĩa là thời kỳ các nước mạnh dùng vũ lực để giết chết tinh thần dân tộc đã chấm dứt”. Nhận định trên của tờ Asahi Shimbun đã được ông Nguyễn Huy Thắng (kiều bào tại Đức) giải thích thêm khi nói về tinh thần yêu nước của người Việt. Theo ông Thắng, người Việt Nam có một ý chí sắt đá để có thể chiến đấu đến chừng nào thống nhất đất nước mới thôi. “Người Mỹ đã không hiểu được cốt lõi của tinh thần ấy nên đã thua Việt Nam trong cuộc chiến cuối cùng năm 1975”, ông Thắng khẳng định.

Có một thực tế cho thấy, khi "ý Đảng" hợp với "lòng dân" hội tụ thành sức mạnh, thì “thế trận lòng dân” sẽ càng được phát huy cao độ. Bác Hồ từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, ông Đặng Thế Sáng (kiều bào tại Đức) kể lại câu chuyện xin tre xảy ra cách đây non nửa thế kỷ. Ông kể, quê ông ở ngoại thành Hà Nội. Vào những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đây là nơi xây dựng các trận địa tên lửa, pháo cao xạ của Quân đội ta. Một hôm, có anh bộ đội đến nhà ông xin tre về làm doanh trại. Đẵn xong một cây, anh gửi lại để sang xin nhà khác. Thấy vậy, mẹ ông bảo: “Chú cứ đẵn luôn ở đây cũng được, không sao đâu”. “Câu chuyện nhỏ nhưng cũng để thấy rõ, nếu một chủ trương được lòng dân, được dân ủng hộ, ắt sẽ thành công, dù dân có phải dỡ nhà lát đường cho xe qua”, ông Sáng khẳng định.

45 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh ngày nay đã phát triển mạnh mẽ. Ảnh: lesechos.fr. 

Trong khi đó, TS Nguyễn Trọng Bình (kiều bào tại Mỹ) nhấn mạnh rằng, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam rất biết dựa vào dân để chiến đấu và đã cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975. Quân đội từ nhân dân mà ra, vì dân mà chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện sứ mệnh giành lại hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. Ông Bình khẳng định: “QĐND Việt Nam đã giành chiến thắng vì mục tiêu độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân và đúng như Bác Hồ từng nói: Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân. Lời dạy trên của Bác sau ngày nhân dân ta theo Đảng vùng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bên cạnh đó, ông Bình còn cho rằng, trong những năm chiến tranh, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã kề vai sát cánh với nhân dân trong nước, đoàn kết, đấu tranh cho tự do, độc lập của Việt Nam. “Tinh thần của những kiều bào yêu nước chính là nguồn nội lực của dân tộc”, TS Nguyễn Trọng Bình khẳng định.

Sau khi giành được hòa bình và thống nhất, đất nước Việt Nam đã thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đang cất cánh bay lên… Như Giáo sư Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (Liên bang Nga) từng nhận xét, Việt Nam bước vào thế kỷ 21 trong hoàn cảnh hoàn toàn khác so với thế kỷ 20. Việt Nam đã lần lượt giải quyết được những vấn đề cơ bản, như: Chủ quyền, xây dựng chế độ chính trị ổn định, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, bảo đảm mức tăng trưởng kinh tế bền vững. Đó là tiềm năng vững chắc để tiếp tục công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Ngày nay, Việt Nam vẫn không ngừng đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế đã mở ra chân trời mới với Việt Nam, giúp đất nước thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia vào các tổ chức, định chế tài chính quốc tế và đạt được nhiều thành quả kinh tế-xã hội được thế giới ngưỡng mộ. “Tôi cũng như đông đảo bà con kiều bào sống ở xa Tổ quốc đều tin rằng, Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững bởi chúng ta có nguồn sức mạnh vô song. Đó chính là "thế trận lòng dân", là sức mạnh của cả dân tộc”, TS Nguyễn Trọng Bình nhấn mạnh.

LINH OANH