Tính tất yếu việc mở rộng quan hệ đối ngoại

Trên cơ sở phân tích tính phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các nước, V.I.Lenin đã chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, bảo đảm những điều kiện quốc tế thuận lợi cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) và chủ nghĩa cộng sản, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc và thực hiện sự hợp tác toàn diện với các quốc gia trẻ tuổi, đang phát triển; triệt để bảo vệ nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau, kiên quyết chống các lực lượng xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, giải thoát loài người khỏi một cuộc chiến tranh thế giới mới.

V.I.Lenin cũng lấy nguyên tắc đoàn kết quốc tế vô sản vì mục đích chính nghĩa làm nguyên tắc trong hoạt động đối ngoại của Đảng Công nhân dân chủ-xã hội Nga. Người cho rằng, Đảng Công nhân dân chủ-xã hội Nga phải ủng hộ mọi hành động quốc tế và cách mạng của quần chúng vô sản, cố gắng làm cho tất cả những thành phần chống chủ nghĩa sô vanh xích lại gần nhau.

Không chỉ nhấn mạnh đến đối ngoại chính trị, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, V.I.Lenin đã chỉ ra rằng, mở cửa là nhu cầu khách quan để phát triển kinh tế ở mỗi nước và trên phạm vi thế giới. V.I.Lenin cho rằng, ngay cả chủ nghĩa tư bản, dẫu muốn “trừng phạt” nước Nga bằng cách phong tỏa cũng khó lòng thực hiện được bởi những lợi ích về mặt trao đổi kinh tế. Người nhấn mạnh, một trong những nhân tố quan trọng nhất góp phần cho sự cùng tồn tại hòa bình giữa hai hệ thống là các quan hệ kinh tế và phát triển buôn bán. Trong cuộc nói chuyện với phóng viên của tờ báo Mỹ The World, V.I.Lenin đã chỉ rõ sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các nước, vạch ra rằng, thế giới cần hàng hóa Nga. Người khẳng định, châu Âu phụ thuộc vào nước Nga bởi thiếu nước Nga thì châu Âu không thể đứng vững, mà khi châu Âu suy yếu thì tình hình nước Mỹ cũng sẽ rất khó khăn.

Đứng trước nhiệm vụ xây dựng kinh tế hết sức nặng nề, cần nguồn vốn khổng lồ, V.I.Lenin một mặt kêu gọi nhân dân tự lực cánh sinh phấn đấu gian khổ, tiết kiệm để tích lũy vốn; một mặt chủ trương mở rộng đối ngoại, lập công ty liên doanh để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. V.I.Lenin đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của độc quyền ngoại thương trong mở rộng quan hệ kinh tế với các nước tư sản cũng như trong việc giải quyết thắng lợi những nhiệm vụ của công cuộc xây dựng CNXH. Người cho rằng, chỉ trên cơ sở độc quyền ngoại thương, trên cơ sở nhà nước điều tiết một cách có kế hoạch nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa mới có thể giữ vững được nền kinh tế Xô viết bấy giờ còn yếu ớt trước sự xâm nhập của tư bản nước ngoài, bảo đảm khôi phục và phát triển hơn nữa nền công nghiệp của đất nước, thu được lợi nhuận và tăng quỹ vàng-là những cái cần thiết để công nghiệp hóa đất nước.

Một hoạt động cũng được V.I.Lenin rất chú trọng là giao lưu văn hóa giữa các nước vì nó có ý nghĩa rất lớn đối với công tác thông tin, tuyên truyền và đối ngoại. Người quan tâm đến việc đầu tư tài lực và nhân lực cho hoạt động thu thập tài liệu, sách báo nước ngoài và tổ chức dịch, xuất bản, quảng bá những sách báo có giá trị… Có thể nói, chính sách đối ngoại của Nhà nước Xô viết do V.I.Lenin đề xướng nhận được sự ủng hộ của hầu hết các dân tộc trên thế giới lúc bấy giờ.

Sự vận dụng sáng tạo của Việt Nam

Quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý tổng kết thực tiễn dưới ánh sáng Chủ nghĩa Marx-Lenin; từng bước phát hiện ra sức mạnh tiềm ẩn trong các trào lưu cách mạng thế giới mà Việt Nam cần tranh thủ, điển hình là Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Theo Người, đối tượng đoàn kết quốc tế rất rộng lớn. Đó là phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc và các nước tư bản chủ nghĩa nói chung, đoàn kết với nước Nga Xô viết và các nước dân chủ.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm lớn đối với các dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Bởi lẽ, cả ba dân tộc đều là láng giềng gần gũi của nhau, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa và cùng chung kẻ thù là thực dân Pháp. Năm 1941, để khơi dậy sức mạnh và quyền tự quyết của mỗi dân tộc, Người quyết định thành lập riêng biệt Mặt trận độc lập đồng minh cho từng nước Việt Nam, Lào, Cao Miên, tiến tới thành lập Đông Dương độc lập đồng minh và Mặt trận đoàn kết Việt-Miên-Lào nhằm phối hợp và giúp đỡ nhau cùng chiến đấu, cùng thắng lợi. Đối với các nước khác, Người chăm lo củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý rằng, đoàn kết quốc tế là tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng quốc tế. Để đoàn kết quốc tế tốt phải có nội lực tốt. Nội lực là nhân tố quyết định, còn nguồn lực ngoại sinh chỉ có thể phát huy tác dụng thông qua nguồn lực nội sinh. Vì vậy, trong đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao khẩu hiệu: “Tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”; “muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự mình giúp lấy mình đã”; và Người chỉ rõ: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”.

Cho đến nay, nhiều nguyên tắc của V.I.Lenin về chính sách đối ngoại cũng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Trong những năm sau chiến tranh, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc mở rộng quan hệ đối ngoại. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia. Việt Nam trở thành thành viên tích cực của ASEAN, tham gia ngày càng sâu rộng vào các định chế kinh tế, tài chính, thương mại của ASEAN; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn trên thế giới.

Mặc dù tình hình chính trị-kinh tế thế giới diễn biến không thuận, song Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư và hơn 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam. Chúng ta đã đàm phán thành công nhiều hiệp định thương mại tự do với 55 quốc gia, mở ra triển vọng huy động được nhiều hơn nữa các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển đất nước. Hoạt động đối ngoại góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Thành tựu đối ngoại trong những năm qua ở Việt Nam một lần nữa khẳng định rằng, những quan điểm của Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đối ngoại vẫn luôn có sức sống, hòa nhịp cùng hơi thở của thời đại.

BÌNH NGUYÊN