Từ người làm cách mạng trở thành “cái ác tuyệt đối”
Kẻ thủ ác có tên là Fanni Kaplan, sinh ngày 10-2-1890 trong một gia đình Do Thái tại Volyn, đế quốc Nga (Ukraine ngày nay). Tên khai sinh của bà ta là Feyga Khaimovna Roytblat, nhưng do phong trào bài Do Thái tại Nga khi đó lên cao đã thúc đẩy bà ta tham gia các hoạt động cách mạng chống chính quyền đế quốc Nga từ khi mới 15 tuổi, đổi tên thành Fanya Yefimovna Kaplan và lấy bí danh hoạt động là “Dora”.
Chịu ảnh hưởng của phong trào vô chính phủ từ Yakov Schmidman-bạn chiến đấu đồng thời là người yêu của Kaplan, hai người đã âm mưu ám sát Tỉnh trưởng Kiev khi đó bằng một thiết bị nổ tự chế vào ngày 22-12-1906. Không may, thiết bị đã phát nổ sớm khiến Kaplan bị thương, mất thị lực và bị cảnh sát bắt giữ. Kaplan bị kết án tử hình nhưng do còn quá trẻ, chính quyền Nga Sa hoàng bắt bà ta chịu án chung thân khổ sai. Yakov Schmidman chạy thoát, bỏ mặc Kaplan.
Trong gần 10 năm lao động cực khổ ở trại tù, cộng thêm các vết thương từ vụ nổ khiến Kaplan già hẳn đi so với tuổi. Trong tù, Kaplan làm quen với các tù nhân chính trị khác và chuyển biến theo tư tưởng xã hội cách mạng cánh tả. Bạn thân trong tù của Kaplan khi đó là lãnh đạo phong trào cánh tả Maria Spiridonova.
Fanny Kaplan khi bị bắt vào năm 1918. Ảnh: Leninism.su.
Cuộc khởi nghĩa tháng 2-1917 đã thả tự do cho các tù nhân như Kaplan. Do trước kia đã từng tham gia một âm mưu ám sát nhân vật quan trọng trong chính quyền Nga Sa hoàng, chính phủ lâm thời khi đó đã cho Kaplan đi điều dưỡng.
Sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, những người theo đường lối xã hội cách mạng trở thành phe đối lập với chính quyền vô sản khi đó. Kaplan đã hành động vào ngày 30-8, khi Lenin đi thuyết giảng tại một nhà máy ở Moscow. Do lịch trình dày đặc, Lenin chỉ đi với tài xế và không có vệ sĩ đi kèm.
Do thị lực không tốt, Kaplan đã nhân lúc một đám đông vây quanh Lenin, rút súng bắn 3 phát liên tiếp vào lưng khi Lenin chuẩn bị lên xe ở khoảng cách gần. Lenin trúng 2 phát đạn, gãy tay và bị thủng phổi.
Kaplan bỏ chạy nhưng bị một nhóm công nhân gần đó bắt giữ. Người tài xế dìu Lenin lên xe, chạy thẳng về nhà để chữa trị chứ không dừng lại tại bệnh viện vì lo sợ còn có những âm mưu khác. Rất may, vết thương không gây nguy hiểm đến tính mạng và được can thiệp kịp thời, nhưng vì vụ ám sát hụt trên, sức khỏe Lenin trở nên yếu đi nhiều trong những năm sau đó.
Fanni Kaplan sau khi bị bắt một mực khai rằng bà ta hành động một mình. Bà ta bị xử tử hình vào ngày 3-9-1918 và cái tên Fanni Kaplan gắn liền với “cái ác tuyệt đối” trong mắt người dân nước Nga Xô viết.
Kẻ tội đồ và bức màn bí ẩn
Sau vụ việc, nhiều câu chuyện đã được thêu dệt liên quan đến các tình tiết của vụ ám sát. Ví dụ như tin đồn cho rằng Kaplan đã trốn thoát, điều này bị phủ nhận qua hồi ký của Chỉ huy trưởng Đội cảnh vệ Điện Kremlin khi đó, Pavel Malkov. Ông khẳng định, chính mình đã bắn Fanni Kaplan ngày hôm đó. Có giả thiết còn cho rằng, Kaplan không phải là người nổ súng vì bà ta khi ấy gần như bị mù. Thị lực có cho phép Kaplan bắn dù ở khoảng cách gần hay không cho đến nay vẫn có nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Ban đầu, hoàn cảnh lịch sử và tư tưởng chính trị của Kaplan được cho là nguyên nhân chính dẫn đến ý định thực hiện vụ mưu sát. Quốc hội lập hiến sau Cách mạng Tháng Hai gồm Đảng Dân chủ xã hội do Lenin đứng đầu, tiền thân của Đảng Cộng sản Liên Xô sau này và Đảng Xã hội cách mạng. Các đảng viên Xã hội cách mạng khi đó chiếm số đông trong Quốc hội khiến những người như Kaplan nghĩ mình sẽ có được quyền lợi sau bầu cử. Cách mạng Tháng Mười thành công đã dẹp bỏ Quốc hội lập hiến, nhường chỗ cho chính quyền chuyên chính vô sản khiến Kaplan, vốn tin vào sự cần thiết của khủng bố cá nhân làm phương thức đấu tranh chính, nảy sinh ý định ám sát.
Nhưng đằng sau vụ việc, một số tình tiết lại cho thấy có những âm mưu khác của các nước đế quốc nhằm lật đổ chính quyền vô sản non trẻ. Đối với các nước đế quốc lúc bấy giờ như Anh và Pháp, Cách mạng Tháng Mười thành công là mối đe dọa trực tiếp, là nguồn động viên cho phong trào đấu tranh tại các thuộc địa trải dài khắp thế giới.
Lenin sau khi lên nắm quyền đã kéo nước Nga ra khỏi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bằng cách ký Hòa ước Brest-Litovsk với Đức vào tháng 3-1918. Đức được rảnh tay tại mặt trận phía Đông và dồn sức sang chống phe Liên minh ở phía Tây. Hòa ước cũng khiến nhiều phần tử hiếu chiến trong nội bộ đảng bất mãn.
Mật vụ Anh khi đó được cho là đã chủ mưu vụ ám sát hòng đưa một nhân vật khác lên thay thế để duy trì chiến tranh. Sau điều tra, Cơ quan An ninh Nga khi đó đã chỉ ra một số tình tiết liên quan đến hai cái tên: Robert Lockhart và Sidney Reily.
Robert Lockhart là đặc phái viên trong Phái bộ ngoại giao của Anh được cử đến Nga. Ông ta còn có nhiệm vụ thuyết phục chính quyền Nga tiếp tục chiến tranh nhưng Hòa ước Brest-Litovsk được ký khiến người Anh thay đổi nhiệm vụ của Lockhart sang tìm cách gây bạo loạn, lật đổ chính quyền Bolshevik và thay thế các lãnh đạo Xô viết.
Lockhart đã liên kết với các phần tử phản cách mạng ở Nga để thành lập các tổ chức chống chính phủ. Đồng thời ông ta cũng bắt tay với Sidney Reily, một thương gia người Anh sinh ra ở Ukraine. Reily được cho là đã bằng cách nào đó tiếp cận Fanni Kaplan để lên kế hoạch vụ ám sát.
Chính phủ Anh trong gần 100 năm qua luôn phủ nhận các cáo buộc đứng đằng sau âm mưu trên, cho rằng đó làm âm mưu tuyên truyền chống phương Tây của Nga (Liên Xô). Bản thân Lockhart cũng khẳng định mình không liên quan gì đến Reily. Bức màn che phủ vụ việc cho đến nay vẫn chưa được gỡ bỏ do những tài liệu vẫn còn nằm trong kho lưu trữ và có thể đã bị lãng quên.
ĐĂNG SƠN