Sau đó, tôi vào học tại Trường Kỹ thuật Phòng không Kiev (KVAIU). Tại đây, tôi được các cô giáo dạy Nga văn đoan trang, hiền thục và đáng kính như: Chrecheneva, Menhicova, Mentusa... trực tiếp giảng dạy. Sự cởi mở, tận tụy, đầy vị tha của các cô đã sớm bắc được chiếc cầu qua con sông ngôn ngữ mà ta vẫn ví von nó rộng như sông Volga, Dnepr... Những câu chuyện tiếu lâm đơn sơ nhất được kể bằng tiếng Nga đôi khi xen tiếng Việt khiến các cô giáo phải mươi phút sau mới bật cười vì chưa kịp hiểu. Khi vào học các môn cơ bản, chúng tôi được cô giáo Chrnhiakhova dạy môn Vật lý, thầy Lannhuc dạy môn Vẽ kỹ thuật... Các thầy cô, người hiền lành, người nghiêm khắc, nhưng tất cả đều say sưa, nhiệt tình giảng dạy. Đó là những hình ảnh đẹp về người công dân Xô viết trong mỗi chúng tôi. Và hơn cả là tình đoàn kết trên tinh thần quốc tế vô sản, tình hữu nghị Xô-Việt.

leftcenterrightdel
Thầy và trò Trường Kỹ thuật Phòng không Kiev sau buổi lao động Thanh niên Cộng sản. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Đến khi chuyển sang các môn học khoa học kỹ thuật quân sự, chuyên ngành, chúng tôi được các giảng viên là sĩ quan quân đội Liên Xô giảng dạy. Các thầy mang quân phục nghiêm túc, mực thước, cương nghị và kiên quyết, song vẫn toát lên vẻ giản dị, tinh thần Xô viết. Thật khó quên sự nhiệt tình, tỉ mỉ, luôn động viên bằng nụ cười của thầy Congstantinov dạy môn Lý thuyết tự động; các thầy Galkin, Barobas, Sapegin, dạy các môn Lý thuyết ăng-ten truyền sóng, máy thu, máy phát, thường kể những câu chuyện tiếu lâm cực ngắn. Các thầy say mê công việc như một tiêu chí sống, song luôn quan tâm, dành những tình cảm đầm ấm, hữu nghị cho học viên Việt Nam.

leftcenterrightdel

Các giảng viên Liên Xô và học viên Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Các thầy giáo, sĩ quan quân đội Liên Xô luôn sẵn lòng truyền thụ kiến thức và giúp học viên Việt Nam khắc phục hạn chế về ngôn ngữ. Các thầy cùng học viên thực nghiệm trên khí tài, không quản nắng, nóng, điều kiện làm việc trong không gian chật chội và sự hạn chế tiếng Nga của học viên. Học các môn khoa học kỹ thuật quân sự còn đỡ, học các môn chính trị, khoa học xã hội và nhân văn bằng tiếng Nga quả là thử thách với học viên Việt Nam. Thế mà thầy Siroman đã xây dựng các bài giảng triết học với những cặp phạm trù, phép biện chứng duy vật lịch sử, về giai cấp... khiến học viên dù tiếng Nga chưa tốt vẫn say mê. Thầy sẵn lòng giải thích tới "chân tơ kẽ tóc" với những người nghe bập bẹ tiếng Nga. Ngoài giờ học, các thầy hay thăm hỏi hoàn cảnh gia đình, quê hương học viên và mong muốn được sang giúp Việt Nam đánh Mỹ...

Liên Xô hôm nay không còn là danh từ chỉ một quốc gia, song con người Xô viết vẫn luôn mãi còn, sống động với những tình cảm chân thành. Tinh thần quốc tế vô sản của những công dân Xô viết được bồi đắp từ cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mãi là giá trị trường tồn. Như ở trong tâm khảm, tình cảm của chúng tôi đối với các thầy giáo, cô giáo, những công dân Xô viết cụ thể mà chúng tôi đã kết giao, giữ gìn tình thầy trò, bằng hữu vẫn vẹn nguyên. Mong rằng các công dân Xô viết một thời mãi hạnh phúc và mong có ngày gặp lại.

Thiếu tướng ĐÀO TUẤN (Nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ quân sự)