Một thời để nhớ 

Tôi nguyên là giáo viên giảng dạy tiếng Nga của Trường Phổ thông Chuyên ngoại ngữ, thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện nay tôi là Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Tôi từng có những năm tháng được học tiếng Nga, được làm việc với các chuyên gia Liên Xô trong những năm tháng chiến tranh, khi các bạn sang giúp Việt Nam đánh Mỹ. Tôi cũng từng được sống và học tập ở nước Nga; chồng tôi học đại học và nghiên cứu sinh ở Nga 8 năm; sau này, con gái tôi cũng học tiếng Nga. Chính vì thế, trong sâu thẳm trái tim, gia đình tôi mang ơn đất nước Xô viết và nhân dân Liên xô rất nhiều.

leftcenterrightdel

Tấm ảnh chân dung có ghi họ tên, địa chỉ gia đình mà nữ phiên dịch Nguyễn Thị Hiền tặng Trung úy Vinsesky năm 1966. 

Năm 1963, tôi thi đỗ vào đại học và học tiếng Nga. Đến năm 1965, chiến tranh ngày càng leo thang ra miền Bắc, những sinh viên Khoa Tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm cũng lần lượt được gọi nhập ngũ để làm nhiệm vụ phiên dịch cho các chuyên gia Liên Xô hướng dẫn Bộ đội Việt Nam học cách sử dụng khí tài của Liên xô. Tôi nhập ngũ và làm phiên dịch cho chuyên gia Liên xô. Họ trẻ và đầy nhiệt huyết. Có những lúc, máy bay Mỹ bay lượn trên bầu trời Hà Nội, mà các bạn Nga vẫn bình tĩnh hướng dẫn kỹ thuật cho Bộ đội Việt Nam. Vì là sinh viên năm thứ 3, nên sau khi được trang bị vốn từ quân sự và có khả năng dịch, tôi được phân công về Xưởng Sửa chữa tên lửa A31 để dịch cho nhóm chuyên gia kỹ thuật. Trong số đó có một anh mang quân hàm Trung úy, hơn tôi 2 tuổi (tôi 21 tuổi, anh 23 tuổi) tên là Vin-xep-xki Vơ-la-đi-mia (Vinsesky Vladimir), chuyên gia tên lửa S-75 thuộc Tiểu đoàn 278, Cụm Phòng không Hà Nội biệt phái về Xưởng Sửa chữa tên lửa A31. Trong quá trình làm việc, tôi cảm nhận được những tình cảm mà các chuyên gia quân sự của Liên xô dành cho chúng ta là vô bờ bến. Càng về sau tôi càng hiểu, đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp chúng ta chiến thắng kẻ thù.

Năm 1966, khi chia tay anh lính trẻ, tôi đã tặng anh tấm ảnh của mình, phía sau có ghi: “Nguyễn Thị Hiền,  68 phố Huế - Hà Nội”. Và từ đó, tôi không có điều kiện liên lạc với anh. Năm 1968, sau gần 3 năm phục vụ quân đội, tôi được trở về trường tiếp tục học năm cuối. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi ở lại trường, tiếp đó làm giáo viên dạy tiếng Nga ở Trường Phổ thông chuyên ngoại ngữ, Hà Nội. 

Cuộc hội ngộ xúc động 

Vào buổi trưa một ngày cuối năm 2012, tôi nhận được điện thoại của một nữ phóng viên Báo Quân đội nhân dân với thông tin: “Có một bác mang quân hàm Đại tá, người Ukraine trong đoàn Cựu chiến binh Xô viết, tên là Vinxepxki tìm tôi”. Tôi thật bất ngờ, không tin ở tai mình. Không lẽ anh lính trẻ ngày nào vẫn nhớ và tìm mình? Sao nữ phóng viên này lại biết mà điện thoại cho mình. Cô có nhầm không?

Tất cả những câu hỏi tại sao chỉ được giải đáp, khi tôi gặp đồng chí Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân tại tòa soạn. Trước đó, đồng chí Lê Phúc Nguyên đi cùng máy bay với đoàn Cựu chiến binh từ Mat-xcơ-va về Hà Nội để dự Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

leftcenterrightdel

Nữ phiên dịch Nguyễn Thị Hiền và Trung úy Vinsesky chụp ảnh lưu niệm. 

Nghe đồng chí Lê Phúc Nguyên kể về việc anh lính trẻ đi tìm tôi như thế nào, tôi không cầm được nước mắt. 46 năm, anh vẫn giữ tấm ảnh tôi tặng, 46 năm chờ đợi để được gặp lại đồng đội một thời đã cùng chung chiến hào. Gặp lại nhau, hai chúng tôi cùng rơi lệ, những giọt nước mắt của sự vui mừng đến tột độ. Được nghe anh kể về quá trình đi tìm tôi, tôi cảm thấy mình thật có lỗi.

Sâu nặng nghĩa tình

Sau khi gặp lại, chúng tôi thường xuyên giữ liên lạc. Cho đến ngày 30-3-2016, con trai anh gửi thư điện tử cho tôi, báo tin bố mất. Tôi quá bất ngờ, vì tôi mới nhận được bưu thiếp chúc mừng của anh nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Trước khi mất, anh dặn con báo cho tôi và tôi đã nhờ học sinh ở thành phố Odessa đặt vòng hoa viếng anh. 

Giờ đây, anh đã an nghỉ ở phương trời xa, nhưng ký ức về người sĩ quan Liên Xô vẫn luôn hiện diện trong ký ức của tôi và gia đình, đó là những hình ảnh đẹp, những kỷ niệm đẹp của người đồng chí, đồng đội... Cám ơn đất nước Liên Xô, cám ơn anh và những người con Xô viết, đã cùng chung chiến hào với chúng ta trong những ngày tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt nhất của đất nước.

Cám ơn Báo Quân đội nhân dân đã tạo điều kiện để tôi được gặp lại người bạn cùng chung chiến hào sau 46 năm xa cách.

Nhà giáo Ưu tú NGUYỄN THỊ HIỀN