Năm 1954, Vũ Thế Khôi là một trong số 100 học sinh tiêu biểu được chọn sang Liên Xô học tiếng Nga. Mặc dù ước mơ của ông là trở thành kỹ sư chế tạo máy, nhưng ở thời đó, thế hệ học trò thiếu sinh quân như ông đều coi Liên Xô như chốn thiên đường, nên ai cũng sẵn sàng chấp hành “lệnh điều động”.

leftcenterrightdel
NGƯT Vũ Thế Khôi bên Chiến hạm Rạng Đông  (Ảnh do nhân vật cung cấp)

NGƯT Vũ Thế Khôi kể, thời gian đầu đặt chân lên nước bạn, cả cô và trò gặp muôn vàn khó khăn vì phải dạy và học trực tiếp bằng tiếng Nga, không hề có từ điển, không có người phiên dịch, không có sách giáo khoa. Nhưng chỉ sau 3 tháng, ông và các bạn đã bập bẹ nói được tiếng Nga; một năm sau đã đọc hiểu được “Thép đã tôi thế đấy” và chỉ 2 năm sau, 80 trong số 100 học sinh được chọn sang Liên Xô học tập đã trở về phục vụ đất nước. Hầu hết họ đều thành đạt hay nổi tiếng trong lĩnh vực công tác của mình và tất cả đều sử dụng tiếng Nga như một công cụ tự học, tự nghiên cứu.

Số còn lại, trong đó có NGƯT Vũ Thế Khôi, được giữ lại học tập thêm 5 năm nữa để trở thành những chuyên gia Ngữ văn Nga. Đến năm 1961, ông tốt nghiệp và về nước nhận công tác tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cho tới khi nghỉ hưu. NGƯT Vũ Thế Khôi chia sẻ, trong trái tim ông, người Nga, nhân dân Nga vô cùng nhân hậu và rộng lượng, đặc biệt là những thầy cô giáo người Nga. Giữa họ với học sinh Việt Nam không chỉ là tình thầy trò mà còn như người cha, người mẹ thứ hai.

Tình cảm thầy trò ấy đến bây giờ vẫn vậy. Sau hơn nửa thế kỷ, khi NGƯT Vũ Thế Khôi trở lại nước Nga, dù tóc trò đã bạc nhưng các cô giáo vẫn đón cậu học trò năm xưa như đón đứa con xa nhà. Ông nhớ năm 1989, nhân một lần sang trao đổi khoa học tại Nga, việc đầu tiên ông làm là đi tìm cô giáo Emma Lam, người đã để con gái nhỏ ở nhà để ở lại trường chăm sóc cậu học trò Việt Nam sốt viêm họng vì ăn thử tuyết. Tuy đã có số điện thoại của cô, nhưng cậu học trò muốn dành cho cô giáo của mình sự bất ngờ nên tìm đến nhà cô mà không báo trước. Khi mở cửa, cô giáo Emma sững người nhìn học trò. Cô thốt lên: “Vũ Thế Khôi” rồi ôm chặt lấy ông và khóc. Nói đến đây, giọng NGƯT Vũ Thế Khôi như nghẹn lại: “Cô bảo tôi chiến tranh ác liệt thế! Ngần ấy năm rồi... Suốt 28 năm không có tin tức gì của tôi, cô cứ nghĩ không còn được gặp tôi nữa".

Lúc bấy giờ, năm 1989, Liên Xô bên bờ sụp đổ, cô giáo Emma lúng túng đến tội nghiệp vì không biết kiếm gì trong nhà để đãi học trò phương xa. Cô bày lên bàn mấy mẩu bánh mì đen, mấy lát cà chua, dưa chuột, muối, mù tạt. Cô pha chè loại bình dân nhất. Cô nói với học trò một câu rất xúc động: “Cô chỉ có tấm lòng em ạ!”. Cô trò gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi ôn lại những kỷ niệm xưa mà chả màng gì đến ăn uống.

Trong cuộc trò chuyện, NGƯT Vũ Thế Khôi cũng nhắc nhiều tới cô giáo thứ hai-cô Sophia Kortrikova. Cách đây 2 năm, khi ông nhận lời dịch trọn vẹn Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Nga, ông đã liên lạc để “cầu cứu” cô Sophia của mình giúp đỡ. Lúc đó, cô Sophia dù đã 92 tuổi nhưng vì học trò, cô đã bỏ hết mọi công việc, cặm cụi ngày đêm hiệu đính để bản dịch kịp đến với bạn đọc người Nga đúng dịp kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du.

 NGUYỄN HOÀI