Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện vĩ đại trong thế kỷ 20 và có tầm ảnh hưởng sâu rộng, tác động toàn diện, sâu sắc đến tiến trình phát triển của lịch sử thế giới.

Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm rung chuyển thế giới, phá vỡ mắt xích yếu nhất trong dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng. Đây cũng là lần đầu tiên liên minh công nhân-nông dân-binh lính, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đã đồng loạt đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng, lập ra Nhà nước Nga Xô-viết, nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Khác với các cuộc cách mạng xã hội đã diễn ra trong lịch sử, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng xã hội đầu tiên thực hiện được mục tiêu giải phóng nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột, bất công, đưa họ lên địa vị làm chủ chế độ xã hội mới.

leftcenterrightdel
V.I.lênin- lãnh tụ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Ảnh tư liệu
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ là động lực mạnh mẽ cổ vũ các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của giai cấp phong kiến, tư sản, giải phóng mình, mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển; nhờ đó, giai cấp vô sản vững tin bước lên vũ đài chính trị với tư cách là giai cấp trung tâm của thời đại.

Từ thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lê-nin đã tổng kết, khái quát hình thành nên những luận điểm quan trọng trong toàn bộ học thuyết của Người về bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trong đó, Lênin đã nêu lên hàng loạt vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc XHCN, như: Về tính tất yếu khách quan phải bảo vệ Tổ quốc XHCN; về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức, lực lượng và sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN; về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và vai trò quản lý của Nhà nước XHCN đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc; về công cuộc phòng thủ đất nước; xây dựng và củng cố khả năng quốc phòng của đất nước; về việc thành lập tổ chức quân sự, xây dựng quân đội kiểu mới - Hồng quân Công nông để bảo vệ Tổ quốc XHCN; về vấn đề vũ trang bảo vệ Tổ quốc XHCN; về mối quan hệ giữa xây dựng với bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã khẳng định sự đúng đắn, tính cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác được V.I. Lênin vận dụng, bổ sung một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn của nước Nga, một hệ tư tưởng cách mạng và khoa học của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Những bài học mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu từ Cách mạng Tháng Mười Nga, đã được vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc phải đi theo con đường cách mạng vô sản, “không có con đường nào khác”.

Một thế kỷ đã qua kể từ khi cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga thắng lợi, nhân loại đã chứng kiến biết bao sự biến cố thăng trầm của lịch sử. Nhưng những giá trị cơ bản của Cách mạng Tháng Mười Nga nói chung, những giá trị cơ bản của Cách mạng Tháng Mười Nga về bảo vệ Tổ quốc XHCN nói riêng vẫn tiếp tục toả sáng, soi rọi sự nghiệp đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Trung thành và vận dụng, phát triển sáng tạo học thuyết của V.I.Lê-nin về bảo vệ Tổ quốc XHCN được rút ra từ thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười Nga, trong quá trình lãnh đạo công cuộc bảo vệ Tổ quốc XHCN trên miền Bắc từ năm 1954 và trên cả nước từ sau thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đảng ta đã đề ra đường lối, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đúng đắn, sáng tạo; đã triển khai tổ chức thực hiện mang lại những thành tựu to lớn, toàn diện, bảo đảm cho Tổ quốc Việt Nam XHCN được bảo vệ vững chắc, tạo cơ sở cho việc tổ chức và triển khai công cuộc xây dựng đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, từng bước hiện thực hoá mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong thời kỳ mới, công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN tiếp tục diễn ra trong bối cảnh mới, với những nhận định rất quan trọng của Đảng ta về bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước. “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: Tình hình chính trị - an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp...

Trong những điều kiện đó, hơn lúc nào hết, chúng ta phải tiếp tục phát huy những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhất là giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga về bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc XHCN; trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết của V. I. Lê-nin về bảo vệ Tổ quốc XHCN phù hợp với điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở nước ta hiện nay. Trong đó, phải tiếp tục khẳng định những vấn đề rất cơ bản về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN; kết hợp phương thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh phi vũ trang để bảo vệ Tổ quốc; tổ chức và động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc; phát huy sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần, sức mạnh dân tộc và sức mạnh quốc tế, sức mạnh của truyền thống và hiện đại trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng với bảo vệ Tổ quốc theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.

Theo đó, phải chăm lo xây dựng đất nước mạnh lên về mọi mặt, có kinh tế phát triển; chính trị, xã hội ổn định; văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố và tăng cường; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng. Phải chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, ngày càng hiện đại, chăm lo xây dựng cả tiềm lực quốc phòng - an ninh và thế trận quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc. Chăm lo xây dựng LLVT nhân dân, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đặc biệt là xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của các LLVT nhân dân. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò tổ chức, quản lý, điều hành của Nhà nước XHCN, của các tổ chức chính trị - xã hội và tính tích cực chính trị, tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mọi người dân Việt Nam yêu nước, yêu CNXH, cả người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam đang định cư, sinh sống và làm việc ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc trong công cuộc xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới, biến những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhất là giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga về bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc XHCN; những tư tưởng của V. I Lê-nin về bảo vệ Tổ quốc XHCN thành sức mạnh hiện thực trên đất nước ta.

PGS, TS  NGUYỄN VĨNH THẮNG