Quê gốc ở làng Lương Ngọc (Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương) nhưng Cường được sinh ra tại Thủ đô Hà Nội. Gia đình có bốn chị em, Cường là con út. Cường được 14 tháng tuổi thì bố hy sinh khi đang trên đường công tác. Lên 7 tuổi, Cường đi học tại Trường Lý Thường Kiệt, sau chuyển về Trường Bưởi học tiếp. Tháng 8-1961, Cường xung phong đi bộ đội, được biên chế vào Tiểu đoàn 91 đóng tại Cát Bi (Hải Phòng). Ngay sau khi nhập ngũ, anh được chọn lên Trường Văn hóa đội ở Lạng Sơn, học hết cấp III (trung học phổ thông) và học tiếng Nga trong 4 tháng, rồi được Bộ Quốc phòng tuyển chọn gửi sang Liên Xô học tập kỹ thuật quân sự cùng 700 sinh viên của các nước: Cuba, Mông Cổ, Đức…

leftcenterrightdel
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Pháo binh Penza trao Bằng tốt nghiệp và Huy chương Vàng tặng Vũ Tự Cường trong lễ bế giảng khóa học. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Sau khi học xong, ngày 6-7-1964, Vũ Tự Cường được điều về Binh chủng Pháo binh nhận nhiệm vụ. Theo kế hoạch, Cường sẽ được điều động vào chiến trường, nhưng sau có sự thay đổi, anh lại được sang Liên Xô học tiếp về khí tài. Dưới mái trường nơi xứ sở Bạch dương, anh luôn hoàn thành xuất sắc các môn học, thường xuyên được ghi tên lên bảng danh dự của lớp hoặc trường. Riêng môn Toán, anh được coi là sinh viên giỏi nhất trường. Các bài giải của anh được tập hợp, đóng thành sách làm mẫu, lưu tại trường. Vì thế, các thầy giáo, cô giáo rất yêu quý anh, nhất là cô Nhina Sereevna Michina dạy môn Tiếng Nga, cô Ginitskaia dạy môn Hóa, cô Skatcova dạy về Vô tuyến điện tử, thầy Gorona dạy Quang học... Kết thúc khóa học, Vũ Tự Cường được xếp loại sinh viên xuất sắc, được cấp bằng đỏ và được tặng Huy chương Vàng. 

Năm 1972, Vũ Tự Cường về nước, công tác tại Binh chủng Pháo binh, làm trợ lý khí tài của Ban Quân giới. Sau đó, anh chuyển về làm giảng viên tại Học viện Kỹ thuật Quân sự và phát triển đến phó trưởng khoa... Giờ đây, dù đã nghỉ hưu nhưng với vốn tri thức uyên thâm thu nhận được trong quá trình học tập, công tác, cùng hàng trăm cuốn sách tiếng Nga về kỹ thuật, anh rất mong được truyền lại những kiến thức của mình cho các thế hệ sau. Nói về thời kỳ học tập tại nước bạn năm xưa, thầy giáo Vũ Tự Cường vô cùng tự hào: Đó là những ngày đẹp nhất, không thể nào quên.  

LÊ HOÀI THAO