Trung tướng Khuất Việt Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục CNQP chủ trì buổi gặp mặt. Phát biểu tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Tổng cục CNQP đề nghị các cơ quan, đơn vị trong tổng cục tiếp tục quán triệt sâu sắc ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga. Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong tổng cục thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không ngừng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra nhiều vũ khí trang bị hiện đại góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (QUANG THẮNG)

* Ngày 6-11, Học viện Lục quân tổ chức Hội thảo khoa học “Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại Cách mạng Tháng Mười”. Hội thảo có sự tham gia của cán bộ, giảng viên, nhà khoa học đến từ Học viện Lục quân, Đại học Đà Lạt, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Hội thảo đã tập trung làm rõ, khẳng định những nội dung có ý nghĩa lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, đó là: Cách mạng Tháng Mười mở ra thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội-chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới; sứ mệnh của giai cấp công nhân, vai trò của Đảng Bolshevik và V.I.Lênin trong Cách mạng Tháng Mười; những bài học vô giá trong công tác chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng liên minh công-nông, xây dựng nhà nước cách mạng chuyên chính vô sản, về nghệ thuật chớp thời cơ; xây dựng quân đội trong Cách mạng Tháng Mười; tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Cách mạng Tháng Mười, tác động và ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đối với cách mạng Việt Nam và phong trào cộng sản quốc tế; thực tiễn và những bài học rút ra về sự xa rời những giá trị của Cách mạng Tháng Mười, việc vận dụng những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Mười vào hoạt động nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Lục quân hiện nay… (VŨ ĐÌNH ĐÔNG)

* Ngày 6-11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo “Văn học Nga-Xô viết với văn học Việt Nam”. Có thể khẳng định: Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ có tác động tới cách mạng Việt Nam trên khía cạnh chính trị, kinh tế, xã hội... mà còn cả lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là văn học. Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Nga-Xô viết ảnh hưởng lớn đến dòng văn học hiện thực Việt Nam trong suốt hàng chục năm, trên phương diện đề tài và phong cách nghệ thuật; hình thành đội ngũ tác giả đông đảo, tác phẩm chất lượng cao, góp phần làm đa dạng hóa văn học Việt Nam.

Nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức giới thiệu, quảng bá những thành tựu mới của văn học Nga đương đại đến bạn đọc Việt Nam, nhất là với giới trẻ. (MỘC LAN)