Đại diện cơ quan chức năng Tổng cục Chính trị, cùng đông đảo tướng lĩnh, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội về dự hội thảo.

leftcenterrightdel
Trung tướng, PGS. TS Phạm Quốc Trung phát biểu tại hội thảo. 
Báo cáo đề dẫn do Trung tướng, PGS. TS Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị trình bày, khẳng định: Cách mạng Tháng Mười Nga đã khai sinh ra CNXH hiện thực - một kiểu phát triển xã hội mới, công bằng và dân chủ hơn cho thế giới hiện nay. Một thế kỷ quá độ đi lên CNXH đã diễn ra với rất nhiều thăng trầm, có cả những thành tựu và đổ vỡ, thất bại. Từ thực tiễn này, những nước xây dựng CNXH hiện thực đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và bước đầu xác định trên thực tế một số quy luật của quá trình xây dựng CNXH.

Đồng chí Hiệu trưởng nhấn mạnh: Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa và ảnh hưởng vô cùng sâu sắc trên nhiều phương diện. Đánh giá ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định: “Ngọn đuốc lý luận Mác - Lênin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, gần 90 năm qua, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đoàn kết, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi hết sức to lớn, vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước theo con đường XHCN. Mọi thành quả của Cách mạng Việt Nam luôn bắt nguồn từ sự trung thành, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và những bài học quý giá được rút ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga.

Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, Cách mạng Tháng Mười không chỉ là sự hiện thực hóa học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội, mà còn là bài học thực tiễn sinh động về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là cơ sở quan trọng giúp cho Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) trở thành quân đội của dân, do dân, vì dân; vừa mang bản chất giai cấp công nhân, vừa có tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Chính những bài học tổ chức lãnh đạo quân đội kiểu mới của Đảng Bôn-sê-vích Nga và lãnh tụ V.I.Lênin trong Cách mạng Tháng Mười là nguồn cội lý luận, cơ sở thực tiễn để xây dựng QĐNDVN vững mạnh về chính trị.  

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự Hội thảo khoa học. 
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 150 bài tham luận của các tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội, cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên Trường Sĩ quan Chính trị tích cực tham gia. Trong đó, Ban Tổ chức lựa chọn được 35 tham luận tiêu biểu, xuất bản thành sách: "Cách mạng Tháng Mười Nga với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.

Các ý kiến phát biểu và tham luận tại hội thảo phản ánh khá sâu sắc, toàn diện về những giá trị lịch sử và bài học thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với thời đại nói chung, Cách mạng Việt Nam nói riêng. Đặc biệt là, làm rõ những giá trị được soi sáng bởi Cách mạng Tháng Mười trong sự nghiệp xây dựng QĐNDVN về chính trị; từ đó đặt ra những vấn đề cần tiếp tục quán triệt, làm sâu sắc thêm để vận dụng phù hợp trong đào tạo cán bộ chính trị, nghiên cứu khoa học xã hội nhân và văn quân sự ở nhà trường quân đội hiện nay.

Tin, ảnh: NGUYỄN TẤN TUÂN