"Kể chuyện Liên Xô vĩ đại”

Một trong những cuốn sách mà gia đình tôi còn lưu giữ được cho đến nay là cuốn "Kể chuyện Liên Xô vĩ đại" của cha tôi, nhà lý luận, phê bình văn học Nam Mộc (1915-1989) viết; ở Việt Bắc năm 1952. Cuốn sách ra đời vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, là sự tiếp nối của dòng văn học-báo chí cách mạng, góp phần làm cho đông đảo nhân dân lao động ngày càng hiểu biết đầy đủ hơn về những thành quả do Cách mạng Tháng Mười mang lại cho nước Nga Xô viết và nhân loại.

Không ít người thuộc lớp tuổi 60, 70 từng ngồi trên ghế nhà trường phổ thông cấp II của miền Bắc được nghe bình giảng về bài "Một nông trường tập thể Trung Á" (hay "Bức thư của một nông dân Xô viết"). Đây là bài được chọn vào sách trích giảng văn học và có đoạn: "Anh hãy đến thăm nông trường chúng tôi… Hoa lê nở trắng trên cành. Đỉnh núi A-la-tan tuyết phủ long lanh dưới nắng mặt trời. Trên sườn núi, cỏ non xanh rợn. Những ngọn suối ào ào đổ xuống. Các khe lạnh đón lấy dòng nước trong, dẫn vào vườn, ruộng. Tất cả cảnh đẹp đó, tất cả của báu đó là của người nông dân Xô viết chúng tôi…".

Kể về hoàn cảnh ra đời của cuốn sách "Kể chuyện Liên Xô vĩ đại", cha tôi có lần cho chúng tôi biết: Khoảng đầu thập niên 1950 ở Chiến khu Việt Bắc, Trung ương yêu cầu có một cuốn sách giới thiệu về những thành tựu kinh tế-xã hội của Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 35 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười thành công tới đông đảo quần chúng lao động. Tuy nhiên khi đó, tài liệu rất thiếu thốn cho nên phải tìm gặp các đồng chí đã có thời gian đi công tác tại Liên Xô, trong đó có đồng chí Nguyễn Lương Bằng, lúc đó là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Liên bang Xô viết, để nghe kể và ghi chép lại làm tư liệu viết sách. Sau khi có đủ tư liệu lại phải chọn cách thể hiện sao cho vừa "thiết thực, cụ thể và rộng khắp" như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng xin nói thêm, tác giả Nam Mộc khi đó là cán bộ biên tập Nhà xuất bản Sự thật, chưa một lần được đến Liên Xô và cuốn sách đã được hoàn thành vào đúng ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động 1-5-1952. Ngay sau khi ra đời, cuốn sách được dư luận hoan nghênh và tái bản trong các năm 1954, 1955 và 1957.

Cuốn sách định hướng cuộc đời

Giữa những ngày đạn bom ác liệt trên chiến trường Quảng Trị (năm 1971), các chiến sĩ trẻ chúng tôi vẫn chuyền tay nhau đọc cuốn "Tuổi trẻ Các Mác". Sau này, chúng tôi mới hiểu chính từ sự hoài nghi khoa học của Mác đối với học thuyết trước đó đã thúc đẩy ông miệt mài lao động, nghiên cứu và xây dựng nên một học thuyết có sức sống lâu bền nhất trong lịch sử nhân loại.

Nhiều năm sau này, tôi đã đôi lần dạo qua một vài cửa hàng sách cũ với hy vọng có thể tìm được cuốn sách từng giúp tôi định hướng cuộc đời mình, nhưng không gặp. Mãi đến năm ngoái, trong khi sắp xếp tủ sách mà cha tôi để lại, tôi tình cờ nhận ra cuốn "Tuổi trẻ Các Mác" mà tôi hằng tìm kiếm do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1969. Cuốn sách cũ đã nhuốm màu thời gian, có sức cuốn hút tôi và tôi đã thức trọn một đêm đọc lại cuốn sách dày 442 trang này.

Ở trang cuối cuốn sách, trong lời gửi các bạn đọc, tác giả-nhà văn Nga Ê-lê-na I-li-i-na đã viết: "Khi một người nhìn lại quãng đường đã qua như để kiểm tra lại bản thân mình xem từ trước đến nay mình có sống đúng như mình nên sống không, người ấy có thể nhớ đến lời Gô Gôn-nhà văn nổi tiếng người Nga-trong tác phẩm "Những linh hồn chết": "Hãy mang theo tất cả để lên đường, khi từ những năm niên thiếu dịu dàng bước vào tuổi trưởng thành khắc khổ, hãy mang theo tất cả những xúc cảm của tâm hồn nhân loại, đừng bỏ nó lại dọc đường, để rồi sau đó lại nhặt lên".

Khi từ tuổi trẻ bước vào tuổi trưởng thành, tôi luôn mang theo trong hành trang nhỏ bé của mình, có cả những cuốn sách mà mình yêu thích. Để đến hôm nay khi không còn trẻ nữa, thanh thản nhìn lại, tôi nhận ra mình là người may mắn vì được sống lại với ký ức tuổi hai mươi.

LÊ AN KHÁNH