Tâm sự của nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, khiến người nghe cứ ngỡ đang trở lại nước Nga những năm 60 của thế kỷ trước với những áng văn thơ đầy tính nhân văn...

Nhớ lại thuở mười chín, đôi mươi khi lần đầu tiên đặt chân tới Liên Xô, nhà thơ Bằng Việt vẫn không giấu nổi cảm xúc khi nói về đất nước của các nhà văn hóa nổi tiếng thế giới, như: Puskin, Tolstoy, Tchaicovsky; đất nước của những áng văn thơ bất hủ. “Theo truyền thống gia đình, tôi được cử sang Liên Xô học ngành luật. Tôi đã tìm thấy sự hứng thú khi học các môn học như lịch sử nhà nước và pháp quyền, sự tiến hóa của các nhà nước, logic học, lịch sử các triều đại khác nhau, đế chế khác nhau, mối quan hệ giữa con người và chính quyền… Tuy nhiên, đam mê từ bé của tôi là văn học. Vì thế, ngoài thời gian học ở trường, tôi say mê tìm đọc các tác giả, tác phẩm văn học Nga. Trong các buổi ngoại khóa ở trường, ở câu lạc bộ, ban tổ chức thường mời các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đến giao lưu. Đó là dịp tôi có thể tiếp xúc với văn học Nga “bằng xương bằng thịt”. Học luật và tìm hiểu văn học Nga trên chính đất nước Nga giúp tôi có thêm kiến thức để hiểu biết nhiều hơn về đất nước này trong những năm 60 của thế kỷ trước. Đó là thời kỳ thịnh vượng của nước Nga Xô viết, tình cảm của người dân Nga với các nước trên thế giới rất hài hòa”-nhà thơ Bằng Việt chia sẻ.

Theo nhà thơ Bằng Việt, cái bao trùm nhất trong văn hóa Nga là tính nhân văn rất cao. Tất cả những nhà văn hóa lớn của thế kỷ 20 đều tìm thấy được tính nhân văn cao cả mà Cách mạng Tháng Mười đem lại. Đó là tư tưởng giải phóng loài người, làm cho những người bị áp bức, những người nghèo khổ, người lao động có được chỗ đứng trong cuộc sống hằng ngày. Đó là tư tưởng cao cả nhất không chỉ các nhà văn Liên bang Xô viết thời kỳ đó mà cả các nhà văn hóa lớn của thế giới như Pháp, Đức, Italy, Mỹ… đều theo đuổi, coi là lý tưởng lớn nhất của loài người trong việc đi tìm ra cách cải tạo thế giới công bằng hơn, tử tế hơn; làm cho con người lao động nghèo khổ ở thời đại cũ được quyền ngẩng cao đầu, sống đàng hoàng. Nhà thơ Bằng Việt khẳng định: “Chủ nghĩa nhân văn xã hội chủ nghĩa đã thấm nhuần vào trong mỗi chúng tôi, những người yêu văn hóa Nga, yêu nước Nga thời kỳ đó. Chúng tôi bị hấp dẫn bởi tính nhân ái, nhân văn, nhân loại của chủ nghĩa xã hội, khiến chúng tôi rất hào hứng muốn khám phá và cũng muốn tự mình hòa nhập vào đó để tìm ra cho mình một lý tưởng sống, cách sống phù hợp với thời đại mới”.

Sau đó, ông tham gia sáng tác văn học, viết những bài thơ, bài văn đầu tiên trên tinh thần thấm nhuần tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa mang tính nhân loại của những người đi trước trong văn học Nga và thế giới thời kỳ đó, thể hiện tình cảm của mình với đất nước, con người Xô viết. Một trong những tác phẩm được ông viết thời kỳ khi còn bên Nga là bài thơ “Bếp lửa”, một bài thơ đậm chất Việt Nam. Chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác bài thơ này, nhà thơ Bằng Việt cho biết, đó là một buổi sáng mùa đông lạnh giá, ông đi ra xe buýt để đến trường. “Buổi sáng se se lạnh ở nước Nga rất giống mùa đông ở Việt Nam, có sương khói mờ mờ khiến cho người ta hay nhớ nhà. Lúc đó, cảm giác nhớ nhà trỗi lên hơn bao giờ hết. Khi nhớ nhà, tôi nhớ về kỷ niệm thời thơ ấu, nhớ về bà nội, người đã gắn bó rất sâu sắc với tuổi thơ của tôi cũng như trong cuộc sống thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Lúc đó, gia đình tôi tản cư lên vùng núi Ba Vì. Chúng tôi ở vùng đất ven sông Đáy, nơi có những vườn vải rất đẹp. Bà nội là một đại diện cho phụ nữ Việt Nam, gánh trên vai tất cả những hy sinh thầm lặng của con người hậu phương, một lòng giúp sức, lo cho cuộc kháng chiến được thắng lợi, đồng thời vẫn bảo đảm trách nhiệm con người ở hậu phương. Bài "Bếp lửa" đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy”-nhà thơ chia sẻ.

Rồi ông cũng bắt đầu dịch thơ của các nhà thơ lớn như: Puskin, Olga Berggolts… Nhà thơ Bằng Việt khẳng định, rất nhiều nhà văn hóa Nga nổi tiếng đã có ảnh hưởng đến sáng tác của ông, đặc biệt là nhà thơ Olga Berggolts, người có nhiều tác phẩm được ông dịch sang tiếng Việt sau này.

Không chỉ yêu văn học Nga, nhà thơ Bằng Việt luôn trân trọng những tình cảm mà nhân dân Nga dành cho nhân dân Việt Nam. Ông kể: “Người Việt Nam đi đến đâu cũng được người dân Nga yêu quý. Trong một lần đi nói chuyện ở một vùng quê, một cô gái hỏi tôi làm thế nào để xin được sang Việt Nam chiến đấu cùng người Việt Nam, làm thế nào để học tiếng Việt… Điều đó cho thấy, người dân Xô viết yêu Việt Nam như thế nào, khiến tôi tự hỏi: “Sao người Nga được giáo dục chủ nghĩa quốc tế cao như thế?”. Câu hỏi này sau đó đã được ông lý giải rằng, đó là tính nhân văn mà Cách mạng Tháng Mười đem lại. Đó chính là cảm xúc để ông viết một loạt bài thơ về các bạn trẻ Xô viết với tinh thần quốc tế cao cả sau này.   

NGỌC MINH