Giờ đây, họa sĩ Trần Quân Ngọc đã bước vào tuổi “bát thập cổ lai hy” nhưng tình yêu dành cho hội họa và xứ sở Bạch dương của ông như ngọn lửa không bao giờ tắt. Được “thực mục sở thị” “kho tàng” hội họa của ông với 300 bức tranh vẽ về đất nước Nga, con người Nga, chúng tôi hiểu rằng, với họa sĩ này, nước Nga mãi ở trong trái tim.
Họa sĩ Trần Quân Ngọc giới thiệu các bức tranh vẽ về nước Nga.
“Thầy tôi-chiến sĩ Hồng quân Liên Xô”
Họa sĩ Trần Quân Ngọc sinh ra ở Gia Lâm (Hà Nội), là hội viên Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Thời gian đầu mới sang Liên Xô, ông chủ yếu học tiếng Nga, sau đó ông vào học tại Trường Đại học Công nghệ Hóa tinh vi mang tên Lômônôxốp ở Mátxcơva. Tuy nhiên, niềm đam mê hội họa đã thôi thúc ông phải đi tìm thầy giáo và một ngôi trường để học vẽ. Theo giới thiệu và dẫn dắt của một nhà văn Nga, ông đã vào học tại Khoa Hội họa, Lịch sử nghệ thuật Trường Đại học sư phạm quốc gia mang tên Lênin.
Mặc dù vất vả vì phải sắp xếp thời gian ban ngày thì học ở Trường Đại học Công nghệ Hóa tinh vi, đến tối lại đi học hội họa nhưng với ông, được tư duy hội họa, được cầm cọ vẽ thì sẽ vượt qua mọi khó khăn.
Hình ảnh Paven Corsaghin trong trí tưởng tượng của họa sĩ.
Tác phẩm “Xây dựng nhà ở tại nông trường Siberi”.
“Tôi yêu thích hội họa từ khi còn nhỏ nhưng khi sang Liên Xô tôi mới có cơ hội được học loại hình nghệ thuật này. May mắn nhất trong cuộc đời của tôi là được thầy giáo Mikhail Macximovich Cucunop hướng dẫn những bước đi đầu tiên về hội họa. Thầy Mikhail Macximovich Cucunop qua đời cách đây 10 năm nhưng với tôi, ông chưa bao giờ mất. Hình ảnh về ông sẽ không bao giờ phai nhạt trong trái tim tôi và mỗi tác phẩm của tôi đều có bóng dáng người thầy kính yêu”, họa sĩ Trần Quân Ngọc bộc bạch.
Kể về người thầy của mình, đôi mắt họa sĩ họa sĩ Trần Quân Ngọc ngấn lệ: Thầy Mikhail Macximovich Cucunop là một chiến sĩ hồng quân Liên Xô. Khi đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học nghệ thuật của Nga, chiến tranh nổ ra, thầy xung phong ra mặt trận chiến đấu và vĩnh viễn để lại đôi chân ở chiến trường. Trở về quê hương với một cơ thể không còn nguyên vẹn nhưng thầy lại phải chịu thêm một nỗi đau nữa là cả gia đình thầy đã bị trúng bom và không ai còn sống. Thầy đã nén đau thương, dồn tất cả tình cảm cho học trò và niềm đam mê hội họa. Thầy coi tất cả các học sinh như những người thân của mình.
“Thầy Mikhail Macximovich Cucunop dành tình yêu thương cho tôi nhiều hơn các bạn bởi thầy biết lúc đó tôi phải xa gia đình, người thân để sang Liên Xô học tập mà Việt Nam khi đó đang chìm trong khói lửa chiến tranh nhưng tôi vẫn cố gắng học tập thật tốt. Trong 5 năm học, thầy luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho tôi từng nét vẽ. Lúc đó thầy phát hiện ra tôi là người có tâm hồn hội họa nên thầy mong muốn sau này tôi sẽ trở thành một họa sĩ”, họa sĩ Trần Quân Ngọc chia sẻ.
Sau khi hoàn thành chương trình học ở Liên Xô, năm 1967, họa sĩ Trần Quân Ngọc chuẩn bị về nước. Biết sẽ phải sắp xa một học trò thân yêu, thầy Mikhail Macximovich Cucunop buồn lắm. Vì không muốn nhìn thấy nước mắt thầy ở sân bay khi tiễn ông về nước, họa sĩ Trần Quân Ngọc đã vẽ một bức tranh và đề nghị thầy và 40 bạn cùng học ký vào đó để làm kỷ niệm. Ông coi đây như một lời chia tay thầy giáo và các bạn.
Trước khi về nước, thầy dặn họa sĩ Trần Quân Ngọc: Nếu ra mặt trận thì cố gắng ghi lại tất cả những hình ảnh ở chiến trường bằng những tác phẩm hội họa, ký họa. Giữ lời hứa với thầy, đi đến đâu, làm việc gì, họa sĩ Trần Quân Ngọc luôn cố gắng lưu lại những hình ảnh ông được chứng kiến.
Bức phù điêu Lênin được ghép từ 300 huy hiệu
150 tác phẩm tranh sơn dầu và màu nước do họa sĩ Trần Quân Ngọc vẽ trong những năm học tập và công tác ở Liên Xô (1954-1972) đang được trưng bày tại Triển lãm “Kỷ niệm - Một thời Xô viết”, ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Các tác phẩm của ông đã ghi lại cuộc sống, con người và phong cảnh ở nhiều miền đất khác nhau thuộc Liên bang Xô viết. Tranh của họa sĩ Trần Quân Ngọc mang đậm phong cách cổ điển Nga từ bút pháp, cách xử lý bố cục, góc nhìn, ánh sáng đến màu sắc.
Bức phù điêu Lênin được ghép từ 300 huy hiệu.
Riêng về đất nước Nga, họa sĩ Trần Quân Ngọc vẽ khoảng 300 bức tranh nhưng trong triển lãm này ông trưng bày 150 bức. Triển lãm “Kỷ niệm - Một thời Xô Viết” đã được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh vào tháng 8 vừa qua.
Về cách mạng Tháng Mười Nga, họa sĩ Trần Quân Ngọc vẽ nhiều và vẽ theo từng bộ, đặc biệt có bộ 3 bức chủ đề “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, trong đó có một bức tranh sơn dầu “Nước Nga năm 1941” khắc họa hình ảnh nữ chiến sĩ hồng quân tóc vàng, mắt xanh rất đẹp đang đeo súng vai. Ý nghĩa của bức tranh là phụ nữ xinh đẹp như thế nhưng khi giặc đến nhà vẫn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quê hương.
Mang đến triển lãm “Kỷ niệm - Một thời Xô viết”, có một bức phù điêu chân dung Lênin được ghép từ 300 huy hiệu của họa sĩ Trần Quân Ngọc sưu tập trong những năm học tập ở Liên Xô. Bức phù điêu Lênin này đã được trưng bày tại triển lãm nhân kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga tại Nga. Trong bức phù điêu này có nhiều huy hiệu hiện không còn nữa. Với họa sĩ Trần Quân Ngọc, đây là bức phù điêu vô cùng quý giá và ông sẽ lưu giữ mãi trong gia đình mình.
“Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lênin, lúc đó Liên Xô quyết định sản xuất huy hiệu Lê Nin để tuyên truyền rộng rãi về hoạt động của Người. Có nhiều bộ huy hiệu như bộ gia đình có bố mẹ, anh chị em Lênin; bộ huy hiệu những thành phố Lênin đã đi qua, những đại hội ông từng dự, những ngôi nhà ông từng ở... Tôi đã sưu tập huy hiệu theo danh mục đó và khi được 300 huy hiệu tôi đã quyết định sẽ ghép thành bức phù điêu Lênin”, họa sĩ Trần Quân Ngọc cho biết.
100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga năm nay tuy không được sang xứ sở Bạch dương để thăm lại những địa điểm mà ông từng sinh sống, học tập nhưng họa sĩ tưởng nhớ những người bạn và thầy giáo Mikhail Macximovich Cucunop bằng một triển lãm của cá nhân với những tác phẩm hội họa vô cùng ý nghĩa. Ông coi những bức tranh của mình là một món quà để bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn với những người bạn Nga đã cùng “chia ngọt sẻ bùi” với mình trong những năm tháng học tập dưới mái trường của nước Nga Xô viết.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN