Bởi, đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười là đi theo chân giá trị văn hóa với những biểu hiện của nó là: Vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc cho con người Việt Nam, vì hòa bình và hữu nghị giữa các nước… Sự lựa chọn đó đã và đang được nhân dân ta tiếp tục thực hiện thắng lợi trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là mốc son chói lọi trên con đường phát triển của nhân loại tiến bộ. Nó đã làm “rung chuyển toàn thế giới”, chặt đứt một mắt xích quan trọng của chủ nghĩa đế quốc, chọc thủng một mảng lớn của hệ thống tư bản chủ nghĩa, khơi ngòi cho hàng loạt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở khắp các Châu lục, đem lại ánh sáng cho nhân dân thế giới. Ánh sáng bình minh đó đã chiếu rọi khắp toàn cầu, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại, mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười đã mở một thời đại mới của lịch sử loài người, thời đại công nông đấu tranh giành quyền làm chủ vận mạng của mình; thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên giành lấy tự do độc lập; thời đại thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc; thời đại suy sụp và tan rã của chủ nghĩa đế quốc, thực dân; thời đại mà chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã thành lý trí và lương tâm của mọi người tiến bộ trên thế giới”(1).

leftcenterrightdel
Lãnh tụ Đảng Bolshevich V. I. Lenin tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết tại Đại hội Xô Viết toàn Nga ngày 7-11-1917 tại điện Smolnya, ngay sau khi chiếm Cung điện mùa Đông. Ảnh tư liệu.
Cách mạng Tháng Mười còn đem lại cho nhân dân tất cả các dân tộc quyền tự quyết và những phương tiện thực tế để thực hiện quyền đó. Đồng thời, tạo điều kiện cho sự liên minh tự nguyện giữa các dân tộc tự do trên cơ sở bình đẳng hoàn toàn về quyền lợi, làm cho các dân tộc thuộc địa - từ trước chỉ quan hệ rời rạc với nhau, nay hiểu biết nhau và đoàn kết với nhau; làm cho đội tiên phong của giai cấp vô sản các nước thuộc địa tiếp xúc mật thiết với giai cấp vô sản phương Tây để dọn đường cho một sự hợp tác thật sự sau này. Chỉ có sự hợp tác đó mới có thể bảo đảm cho giai cấp công nhân quốc tế giành được thắng lợi cuối cùng và đặt cơ sở cho một khối liên hợp tương lai giữa các nước trên toàn thế giới, với tinh thần:

                            “Quan san muôn dặm một nhà

                          Bốn phương vô sản đều là anh em”(2);

Thật vậy, từ sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại và những thành công to lớn trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước của nhân dân Liên Xô, đã làm thức tỉnh phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; đồng thời cũng đã tạo ra những thời cơ thuận lợi và là tiền đề cho sự phát triển của cách mạng thế giới. Với sự cổ vũ và giúp đỡ của phong trào cách mạng thế giới đã dẫn đến thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một loạt các nước ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ - La tinh.

Kể cả hiện nay, mặc dù với tư cách một thực thể hệ thống xã hội chủ nghĩa không còn nhưng không một thế lực nào có thể phủ nhận được sự hình thành, phát triển và tồn tại của hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực trên thế giới; cũng như tính ưu việt và vai trò to lớn của nó đối với phong trào cách mạng thế giới – và nó là một dấu ấn lịch sử khó phai mờ trong quá trình phát triển của nhân loại.

Với cách mạng Việt Nam, đi theo Cách mạng Tháng Mười là sự lựa chọn của chính lịch sử, của chính dân tộc và văn hóa Việt Nam, mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người đại diện cho lịch sử, cho dân tộc Việt Nam lựa chọn ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước. Đó là, việc từ chối, không tiếp nhận học thuyết và mô hình cách mạng tư sản, không đi theo con đường của Quốc tế thứ hai. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nhanh chóng, dứt khoát tán thành Quốc tế thứ ba, tiếp nhận con đường Cách mạng Tháng Mười, con đường cách mạng vô sản vì giá trị thực tiễn của cuộc cách mạng này. Giá trị ấy, chính là sự tương đồng giữa giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam với các giá trị mới của nhân loại mà cuộc Cách mạng Tháng Mười đem lại về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, nên đã đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Có thể nói, sự nhìn nhận của Hồ Chí Minh về giá trị của Cách mạng Tháng Mười và sự lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười của Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, nhu cầu thực tiễn của nhân dân Việt Nam theo thời đại mới được vạch ra sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã làm cho cách mạng Việt Nam bật dậy, vươn xa, hội tụ đầy đủ của các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, đưa tới sự thắng lợi vĩ đại nối tiếp nhau của cách mạng Việt Nam trong hơn 70 năm qua.

Về yếu tố “thiên thời”, đó là sự phù hợp giữa mục tiêu của cách mạng Việt Nam với nấc thang tiến hóa của thời đại mới - thời đại giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người thống nhất chặt chẽ với nhau trên một cấp độ mới cao hơn. Đồng thời, tạo ra cơ sở nền tảng cho sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, động lực quan trọng to lớn thúc đẩy cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này, đến thắng lợi khác.

Về yếu tố “địa lợi”, đó là sự đáp ứng được giữa giá trị văn hóa của thời đại mới và nhu cầu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người của dân tộc Việt Nam nên được nhân dân Việt Nam nhanh chóng tiếp nhận, đi theo, tạo cơ sở cho sự hình thành tối đa lực lượng đoàn kết dân tộc để tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới vì con người.

Về yếu tố “nhân hòa”, đó là con đường cách mạng Việt Nam đi theo Cách mạng Tháng Mười là sự phù hợp với sự phát triển của văn minh nhân loại, đáp ứng yêu cầu thường trực của các dân tộc về vấn đề giải phóng dân tộc và con người, tạo ra cơ sở cho sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh cho khát vọng độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. Lựa chọn đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười là lựa chọn con đường phát triển của dân tộc, của đất nước Việt Nam. Tính đúng đắn của sự lựa chọn con đường cách mạng phụ thuộc vào sự phù hợp với văn hóa, đòi hỏi thực tế của dân tộc và chỉ khi đã được dân tộc Việt Nam tiếp nhận, cũng như nó phải phù hợp với trình độ phát triển mới và xu thế tiến lên của loài người và được biểu hiện bằng sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Cho nên, có thể nhận định ba yếu tố “thiên thời”, “địa lợi”, “nhân hòa” trong cách mạng Việt Nam, đó là độ cao vô cùng của “thế” và sức mạnh vô tận của “lực” cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng của cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mà Bác đã lựa chọn cho Cách mạng Việt Nam.

Song, theo Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Việt Nam đi theo ánh sáng Cách mạng Tháng Mười không phải là một sự rập khuôn, máy móc và làm theo kịch bản nguyên xi của Cách mạng Tháng Mười. Ngay từ đầu, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cần phải vận dụng một cách sáng tạo Cách mạng Tháng Mười, phù hợp với thực tế Việt Nam, để hoạch định con đường cách mạng phù hợp với điều kiện Việt Nam và thời đại mới; chỉ có như vậy mới đáp ứng được sự phù hợp với yêu cầu về văn hóa và thực tiễn của dân tộc Việt Nam. Điều này, ngay từ những năm 1924, khi trả lời phỏng vấn báo Unita (I-ta-li-a), Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng tôi tiếp tục đi theo con đường cách mạng Tháng Mười đã vạch ra, chúng tôi sẽ vận dụng vào thực tiễn những bài học đã học được”(3). Sau này, Người viết: “Tất cả những người lao động trên thế giới đều có một mục đích chung là thoát khỏi áp bức bóc lột, được sống sung sướng tự do, tức là thực hiện chế độ cộng sản. Nhưng để đi đến mục đích ấy, mỗi nước phải tùy theo điều kiện thiết thực của mình mà tiến dần”(4).

Xuất phát từ điều kiện thiết thực của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã vạch ra Chính cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ ra con đường cách mạng nước ta là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(5). Sau này, Người phân tích rõ rằng: “Tính chất thuộc địa và phong kiến của xã hội cũ Việt Nam khiến cách mạng Việt Nam phải chia làm hai bước. Bước thứ nhất là đánh đổ đế quốc, đánh đổ phong kiến, thực hiện “người cày có ruộng”, xây dựng chính trị và kinh tế dân chủ mới... Bước thứ hai là tiến lên chủ nghĩa xã hội, tức là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản”(6). Với con đường đó, cách mạng Việt Nam đã thắng lợi và như Hồ Chí Minh viết: “Con đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam chính là theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga”(7).

Con đường cách mạng vì độc lập - tự do - hạnh phúc cho dân tộc và con người Việt Nam, vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc vẫn là con đường văn hóa nhất và mãi là con đường thắng lợi của cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.

Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Năm 1930, trong Cương lĩnh chính trị của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương: “Tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa”. Vào những năm cuối thế kỷ XX, mặc dù trên thế giới chủ nghĩa xã hội hiện thực đã bị đổ vỡ một mảng lớn, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn, phong trào xã hội chủ nghĩa đang trong giai đoạn khủng hoảng, thoái trào, gặp rất nhiều khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Mới đây nhất, Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”(8). Điểm nổi bật trong phát triển lý luận của Đảng ta là tiếp tục khẳng định một cách có căn cứ khoa học về khả năng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta với những hình thức, bước đi, cách làm thích hợp trong điều kiện mới.

Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Trong những năm tới, tình hình sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn ngày càng tăng… Tình hình chính trị-an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng... tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực… Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế”(9).

Với tình hình thế giới hiện nay, sòng phẳng mà nói chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chứ không phải cạnh tranh thắng - thua vì lợi ích vị kỷ của cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ chúng ta không cần một hệ thống chính trị mà quyền lực không thuộc về nhân dân, không phục vụ lợi ích của nhân dân mà chỉ phục vụ cho lợi ích của một thiểu số người giàu có.

Thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua do Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo đã “đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”(10). Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là minh chứng hùng hồn nhất khẳng định sự đúng đắn của đường lối đổi mới của Đảng, khẳng định sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về khả năng tiến hành thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong điều kiện mới. Đây cũng là tinh thần bất diệt của cách mạng Tháng Mười mà ý nghĩa vạch thời đại của cuộc cách mạng đó luôn nhắc nhở chúng ta rằng, công cuộc xây dựng và bảo vệ thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng phải mang ý nghĩa của thời đại mới. Vì vậy, sau 30 năm đổi mới, một trong năm bài học sâu sắc Đảng ta rút ra là: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”(11).

100 năm qua, không thể nào đếm được là đã có bao nhiêu trang báo, cuốn sách, công trình khoa học, bao nhiêu tác phẩm văn hóa nghệ thuật đủ các loại hình viết về cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Đến hôm nay và chắc chắn sau này cũng vậy, nhân loại còn tiếp tục nói và viết về sự kiện lịch sử lớn lao này. Từ trong sâu thẳm trái tim người cộng sản, đối chiếu với những nguyên lý Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội khoa học chúng ta có quyền khẳng định rẳng, công cuộc đổi mới ở Việt Nam và một số nước khác đã góp phần làm cho ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười không bao giờ tắt! Thời đại mới đã mở ra – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản tiến lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới là không thể đảo ngược; và cách mạng Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười chính là sự lựa chọn của văn hóa Việt Nam.

-------------------

(1).Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 635.

(2).Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.357.

(3).Hồ  Hồ Chí Minh: Sđd, t 1, 482

(4).Hồ Chí Minh: Sđd, t 7, tr 20

(5).Hồ Chí Minh: Sđd, t 3, tr 1

(6).Hồ Chí Minh: Sđd, t 7, tr 209

(7).Hồ Chí Minh: Sđd, t 11, tr 495

(8). ĐCSVN, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr.16.

(9).ĐCSVN, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc Lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr. 70-71.

(10).ĐCSVN, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr.65.

(11). ĐCSVN, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr.69.

Đại tá, TS HÀ ĐỨC LONG - Khoa Triết học Mác - Lênin, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng