Đây là một biểu tượng văn hóa, chính trị có giá trị lịch sử lâu dài, khẳng định mối quan hệ, hợp tác trong sáng Việt Nam-Liên Xô, Việt Nam-Liên bang Nga đời đời bền vững.

Những năm 60 của thế kỷ trước, nhất là từ năm 1964 trở đi, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng suy giảm do tuổi cao và bệnh tật từ những năm tháng hoạt động cách mạng gian khổ. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định, một mặt tích cực chạy chữa, chăm sóc sức khỏe của Bác, một mặt chuẩn bị các yếu tố giữ gìn thi hài khi Người qua đời. Nhiệm vụ này, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương giao Bộ Quốc phòng trực tiếp thực hiện. Đồng chí Lê Thanh Nghị, Phó thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ được giao trực tiếp đàm phán với Chính phủ Liên Xô, đề xuất về nguyện vọng thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Xô viết đã đồng ý giúp Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách vô điều kiện, từ đào tạo chuyên gia y tế (năm 1967, 1968) đến chuẩn bị cơ sở vật chất cho nhiệm vụ thiêng liêng này. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 8-1969, tình hình sức khỏe Bác ngày một trầm trọng, ngày 28-8-1969, Liên Xô đã cử một đoàn chuyên gia do GS, Viện sĩ Lopukhin Iuri Mikhailovich làm trưởng đoàn sang Việt Nam để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đoàn đi trên chuyến bay IL-62, phải qua chặng bay dài theo lộ trình từ Tashkent, Calcutta mới sang đến Hà Nội. Hơn nữa, Việt Nam đang trong thời kỳ chiến tranh, nhiệm vụ lại bí mật nên đoàn chuyên gia phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thiếu thốn về nơi ăn, ở, đi lại và điều kiện làm việc. Thế nhưng vượt lên tất cả, các thành viên luôn dành trọn tình cảm, trí tuệ, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.

leftcenterrightdel
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng vĩ đại của tình hữu nghị Việt-Nga. Ảnh: PHÚC HƯNG. 

Nhưng đây mới chỉ là bước đầu của công việc giữ gìn thi hài Bác phục vụ Lễ Quốc tang. Ngay sau đó, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác như thế nào, ở đâu... là câu hỏi lớn được đặt ra. Trước hoàn cảnh khó khăn chồng chất khó khăn của Việt Nam, ngay phía Liên Xô cũng thấy nao núng. Bạn đề xuất nên đưa Bác sang Liên Xô giữ gìn, khi nào hết chiến tranh, có điều kiện thì đưa trở lại Việt Nam. Trước đề nghị đó, lãnh đạo Việt Nam nhận rõ tính hợp lý, nhưng với tình cảm, lòng biết ơn vô hạn của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc, nên không thể và không nỡ lòng để Bác đi xa Tổ quốc! Hiểu được nguyện vọng lớn lao đó, phía bạn đồng ý tiếp tục cử chuyên gia ở lại Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng. Và ngay trong những ngày diễn ra Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Aleksey Kosygin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Trưởng đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Chính phủ Liên Xô sang viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý cử một chuyên gia y tế trở về Liên Xô trên chuyên cơ riêng; và sau mấy ngày chuẩn bị, cũng chuyên cơ đó đã quay trở lại Việt Nam với đầy đủ trang thiết bị, vật tư hóa chất y tế, giúp Việt Nam có đủ cơ sở, điều kiện cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

Lễ Quốc tang kết thúc cũng là lúc bắt đầu cho giai đoạn mới: Giữ gìn lâu dài thi hài Bác, xây dựng Lăng của Người trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn thi hài Bác, Trung ương quyết định di chuyển thi hài Bác lên K9 (Hà Tây trước đây). Trong lần di chuyển đầu tiên (vào cuối tháng 12-1969), đồng chí Igor, chuyên gia y tế Liên Xô đã tình nguyện ngồi trong xe thi hài cùng với bác sĩ Nguyễn Gia Quyền trên suốt chặng đường dài từ Hà Nội đi Ba Vì. Khi xuống xe, dù rét run bần bật do ngồi trong xe lạnh nhiều giờ, nhưng đồng chí vẫn tươi cười bắt tay mọi người, vui vẻ chúc mừng chuyến di chuyển thành công.

Cũng do yêu cầu của diễn biến tình hình, từ năm 1969 đến 1975, chúng ta đã 6 lần di chuyển thi hài Bác từ Công trình 75A tại Hà Nội đi K9 rồi đi K2 (Phú Thọ). Mỗi lần di chuyển là một quá trình hết sức khó khăn, vất vả, các chuyên gia Liên Xô đã chia sẻ khó khăn, đồng cam cộng khổ với bộ đội Việt Nam không chỉ ở Thủ đô Hà Nội mà còn ở những nơi rừng sâu, đi lại khó khăn, bất kể đêm hôm, sớm tối, điều kiện ăn ở kham khổ, muỗi vắt côn trùng độc hại, nắng nóng, giá rét... Điều đó nói lên tất cả tình cảm đặc biệt, vô bờ bến của Đảng, Nhà nước Liên Xô, mà trực tiếp là các chuyên gia đối với Bác Hồ kính yêu và với dân tộc Việt Nam.

Năm 1975, Việt Nam thống nhất, Lăng Bác được khánh thành. Từ đây, Bác trở về với ngôi nhà vĩnh hằng của Người giữa Ba Đình lịch sử - một biểu tượng vĩ đại của tình hữu nghị Việt Nam-Liên Xô. Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn mới, vừa giữ gìn lâu dài vừa tổ chức thăm viếng theo quy định, với những yêu cầu về y tế, kỹ thuật rất cao. Một lần nữa, tình cảm, trách nhiệm của Liên Xô anh em, nhất là các chuyên gia Liên Xô, sau này là Liên bang Nga lại được tiếp tục khẳng định. Các chuyên gia y tế nước bạn thường xuyên bên cạnh chuyên gia Việt Nam, hằng ngày giữ gìn thi hài Bác, cùng hợp tác nghiên cứu, đào tạo, truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau.

Năm 1991, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, các bạn Nga, trực tiếp là Viện Nghiên cứu y sinh Moscow (Viện Lăng Lênin trước đây), dù gặp nhiều khó khăn vẫn cùng Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, bàn thảo, vạch ra hướng hợp tác mới phù hợp với cơ chế, thể chế chính trị xã hội của Liên bang Nga để nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác không bị gián đoạn. Năm 1992, theo chỉ thị của ngài X.A.Crasonop, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Kinh tế đối ngoại Liên bang Nga, ngày 20-3-1992, phía bạn chính thức bàn giao dung dịch ướp bảo quản thi hài Bác cho Việt Nam. Đến năm 2004, phía bạn chuyển giao công nghệ và tổ chức pha chế dung dịch bảo quản thi hài Bác tại Việt Nam. Đặc biệt, năm 2013, sau bao nỗ lực đàm phán, nước bạn chính thức hợp tác với nước ta, chuyển giao công nghệ sản xuất bộ quần áo đặc biệt giữ gìn thi hài; tiếp tục hợp tác nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực liên quan để nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Bác ngày càng tốt hơn, giúp Việt Nam làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ.

Như vậy, trong suốt gần 50 năm qua, với tinh thần quốc tế trong sáng, với tình cảm đặc biệt đối với Bác Hồ kính yêu, Liên Xô trước đây-Liên bang Nga ngày nay luôn dành những tình cảm và sự quan tâm chia sẻ tốt đẹp, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam. Đó cũng là thành quả tốt đẹp mà Cách mạng Tháng Mười Nga đem lại cho nhân loại, trong đó có Việt Nam!

Thiếu tướng CAO ĐÌNH KIẾM - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh