Đại tá Lê Hữu kể: "Năm tôi 17 tuổi, do được học hết lớp 7 ở quê xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình nên tôi được cán bộ quân đội về tuyển chọn đi học pháo binh ở nước ngoài. Nhưng tôi thấp bé nhẹ cân, phải chuyển về bộ đội địa phương Tỉnh đội Ninh Bình. Năm 1954, hòa bình lập lại, tôi tiếp tục được chọn đi học tập ngành chăn nuôi đại gia súc ở Liên Xô. Đoàn đi học Liên Xô năm ấy là đoàn đầu tiên, gồm 500 người. Chúng tôi đi đến Liên Xô bằng tàu hỏa. Khi đến Moscow, trời rất rét. Chúng tôi được các cô giáo Liên Xô đón về trường và ngay hôm sau dẫn chúng tôi đi mua sắm quần áo rét, cho tùy ý lựa chọn màu mình thích để mặc. Ấn tượng đầu tiên của tôi với Liên Xô là sự chân tình, cởi mở, chu đáo của các thầy cô giáo và người dân, trong tình đoàn kết quốc tế vô sản.
Trong 2 năm học tiếng Nga ở Trường Bổ túc ngoại ngữ Moscow, tôi được các thầy cô giáo Liên Xô hướng dẫn tận tình. Cô giáo Ema Samoilovna trực tiếp dạy tôi. Sau này, dịp 50 năm ngày thành lập trường, tôi được gặp lại cô ở Việt Nam, khi cô cùng các đồng nghiệp sang nước ta nhận Huân chương Hữu nghị. Học xong khóa tiếng Nga với kết quả loại giỏi, tôi được chọn vào học Trường Đại học Ô tô-Cơ khí Moscow, thôi không học ngành chăn nuôi đại gia súc nữa. Tôi phấn khởi nên càng say mê học tập. Dưới sự giảng dạy, hướng dẫn thực hành của các giảng viên Liên Xô, năm 1962, tôi tốt nghiệp Trường Đại học Ô tô-Cơ khí và được điều động về Bộ Quốc phòng công tác. Từ đó, tôi về Phòng Công binh, Cục Nghiên cứu kỹ thuật làm công tác nghiên cứu đến năm 1974.
Ngay những năm đầu ở Cục Nghiên cứu kỹ thuật, tôi tham gia với các nhà khoa học-kỹ thuật quân sự đề tài "Nghiên cứu xe kéo pháo vượt đồng lầy". Đây là đề tài đầu tiên tôi chủ trì, đưa ra ý tưởng cải tiến, đưa xe xích, ô tô kéo pháo 122mm, pháo cao xạ 57mm vượt qua đồng lầy, ruộng nước, chiếm lĩnh trận địa ngay giữa cánh đồng để tạo bất ngờ, đánh địch. Ý tưởng này bắt nguồn từ những ngày học tập ở Liên Xô, khi xem phim về cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã kéo pháo được ngụy trang màu trắng phù hợp với màu tuyết, trượt trên cánh đồng tuyết rượt đuổi quân phát xít Đức. Sản phẩm đầu tiên của đề tài nghiên cứu là cải tiến xe xích ATC-59 lắp lưỡi gạt để gạt bùn hoa phía trên, tạo ra đường có nền đất cứng phía dưới để xe dễ vượt đồng lầy. Các vành bánh xe được lắp thêm vành sắt cải tiến có các vấu bám đất, khi chạy trên ruộng nước, chúng bung ra khỏi mặt lốp bám đất bùn để đẩy xe đi; khi đi trên đường khô ráo, xe lại chạy bằng bánh lốp bình thường. Chúng tôi hay gọi sản phẩm này là xe "cánh cụp, cánh xòe". Đề tài nghiên cứu chế tạo xe kéo pháo vượt đồng lầy của chúng tôi vì lý do công nghệ, chưa được ứng dụng thực tế trong quân sự, nhưng lại được ứng dụng trong nông nghiệp, để chế tạo... máy cày, phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp ngành trồng lúa.
Đề tài nghiên cứu của chúng tôi đã được các nhà khoa học Liên Xô lúc đó rất quan tâm và khen ngợi. Viện Cơ giới hóa nông nghiệp nước ta đã cùng với các nhà khoa học Liên Xô tiếp tục nghiên cứu phát triển để chế tạo các loại máy kéo, máy cày bánh lốp. Đã có hai cán bộ của Viện Cơ giới hóa nông nghiệp bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài này tại Liên Xô. Đó là những kỷ niệm khó quên, bắt đầu từ những năm tháng học tập trên quê hương Xô-viết".
XUÂN GIANG (ghi)