Đánh giá sự kiện lịch sử trọng đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Một thế kỷ đã đi qua, nhưng Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tỏa sáng, khẳng định sức sống, giá trị thời đại và ý nghĩa lịch sử toàn thế giới, trong đó làm thức tỉnh ý thức dân tộc chân chính của các quốc gia, dân tộc trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.
Khi nhân dân Nga tiến hành cách mạng vô sản thành công, nhân dân Việt Nam vẫn đang trong đêm dài nô lệ. Giữa lúc đó, sau 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, trực tiếp là ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười. Người viết: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo Chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin để hiện thực hóa ý thức dân tộc theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Chiến hạm ở Leningrad, tháng 8-1957. Ảnh tư liệu
Người thấy được một trong những ý nghĩa quan trọng của Cách mạng Tháng Mười Nga là đã nêu tấm gương sáng về sự giải phóng dân tộc bị áp bức: “Cách mạng Tháng Mười đã mở ra trước mắt họ thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc”. Ý chí độc lập cho dân tộc và khát vọng tự do cho nhân dân là điểm xuất phát của tư tưởng Hồ Chí Minh. Hơn nữa, là một chiến sĩ quốc tế chân chính, Người không chỉ đấu tranh cho độc lập của dân tộc Việt Nam, mà còn đấu tranh cho độc lập của tất cả các dân tộc bị áp bức. Năm 1921, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa nhằm thức tỉnh ý thức dân tộc và đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa trong mặt trận chung chống chủ nghĩa đế quốc và xây dựng quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa các dân tộc thuộc địa với dân tộc Pháp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi hiểu rằng mình chiến đấu không những để bảo vệ độc lập, tự do của mình mà còn để góp phần vào việc bảo vệ an ninh của phe XHCN, bảo vệ độc lập của các dân tộc khác và bảo vệ hòa bình thế giới”. Nêu cao tinh thần đó, Người nhiệt liệt ủng hộ cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc, các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Lào và Campuchia với chủ trương bằng thắng lợi của cách mạng mỗi nước là đóng góp vào thắng lợi chung của cách mạng thế giới. Người sớm nhận ra một thực tế: “Điều khiến bọn đế quốc không vui hơn cả là ý thức dân tộc của nhân dân bị áp bức”.
Việc hiện thực hóa ý thức dân tộc chân chính theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga được Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Hồ Chí Minh minh chứng bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa-Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Trong “Tuyên ngôn Độc lập”, Hồ Chí Minh khẳng định sự tự ý thức về các quyền cơ bản của con người của dân tộc Việt Nam: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đây chính là đánh dấu bước ngoặt có tính chất quyết định, đưa dân tộc Việt Nam vào kỷ nguyên mới kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH theo ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười.
Theo Hồ Chí Minh, bình đẳng là quyền thiêng liêng của các dân tộc, dân tộc Việt Nam hoàn toàn bình đẳng với các dân tộc trên thế giới. Vì vậy, Người khẳng định: “Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam” và Người trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đó là ý chí không gì lay chuyển và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng-đỉnh cao của ý thức dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ.
Sức sống, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn in đậm trong ký ức của nhân dân thế giới, tiếp tục soi sáng trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam là kiên trì con đường đi lên CNXH. Quán triệt tinh thần đó, trong bối cảnh quốc tế, khu vực hiện nay hết sức phức tạp, khó lường, Đảng ta nhấn mạnh: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng, an ninh, làm cho mọi người nhận rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới...
TS HÀ SƠN THÁI, Học viện Chính trị