Ông Chúc kể, giữa năm 1979, đoàn chuyên gia đầu tiên của Liên Xô bắt đầu sang làm việc ở công trường cầu Thăng Long. Lúc đó, công trình đứng trước nguy cơ đình trệ vì thiếu vật liệu. Những hạng mục đã thi công xong chủ yếu là các trụ ở dưới sông, kết cấu phần trên chưa có gì đáng kể. “Điều đặc biệt của cầu Thăng Long là kết cấu thép, bản mặt cầu cũng làm bằng thép. Dù không thể so sánh với công nghệ thi công cầu hiện đại ngày nay, nhưng vào thời điểm đó, kỹ thuật xây dựng cầu Thăng Long lần đầu tiên được áp dụng ở Đông Nam Á. Bạn đã giúp đỡ chúng ta từ khâu thiết kế, giám sát thi công đến cung cấp vật tư”, ông Chúc chia sẻ. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam lúc đó chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế thi công cầu theo kỹ thuật mới. Liên Xô đã cử sang công trường gần 160 lượt chuyên gia, cung cấp cho Việt Nam hàng chục nghìn tấn thép, xi măng mác cao và hàng trăm tấn thiết bị, máy móc khác.

leftcenterrightdel
 Cầu Thăng Long nối đôi bờ sông Hồng - biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Xô. Ảnh: TRỌNG HẢI

Trong trí nhớ của ông Hoàng Minh Chúc, tác phong làm việc của chuyên gia Liên Xô rất chuyên nghiệp, cẩn thận và đặc biệt coi trọng chất lượng. Sau hàng trăm ngày thi công, những phiến dầm thép ngày một vươn xa, nối liền các trụ cầu. Công trình hiện lên sừng sững, nhìn từ xa như một đường kẻ thẳng nối hai bờ sông Hồng. Nói về kỷ niệm khó quên những ngày lăn lộn trên công trường, ông Chúc bồi hồi: “Trong nhiều lần tiếp xúc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta lúc công trình đang thi công, đồng chí E.V.Giennhin, Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô tại cầu Thăng Long vẫn nói, cầu Thăng Long không phải là cây cầu của Liên Xô mà là công sức của chính các bạn Việt Nam, lúc này trên công trường chỉ có 70 chuyên gia Liên Xô còn đội ngũ lao động Việt Nam có đến 7.000 người. Các bạn Liên Xô không chỉ giúp chúng ta vô tư mà còn luôn khiêm tốn”.

leftcenterrightdel
Ông Hoàng Minh Chúc lần giở những trang tài liệu về cầu Thăng Long. Ảnh: MẠNH HƯNG 

Sau giờ làm việc, cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của chuyên gia Liên Xô cũng hòa đồng với mọi người. “Mỗi dịp Quốc khánh của hai nước hay ngày lễ, Tết, chúng tôi cùng chung vui với nhau. Ngày đầu năm mới dương lịch, tôi và mấy anh em ở các xí nghiệp đến chúc mừng các chuyên gia Liên Xô. Đến ngày Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, những người bạn Liên Xô cùng quây quần với chúng tôi bên mâm cơm gia đình. Lúc đó không còn khoảng cách, ranh giới giữa những con người ở hai đất nước cách xa hàng nghìn ki-lô-mét”, ông Chúc xúc động nhớ lại.

Cầu Thăng Long hoàn thành năm 1985, đã kịp đón hàng triệu lượt xe ngay trong năm đó. Ngày cầu thông xe, người dân Thủ đô cùng thưởng thức màn pháo hoa chúc mừng bên cây cầu hiện đại nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Đến nay, mỗi khi đi qua cầu Thăng Long, nhiều người thường chú ý đến biểu tượng tình hữu nghị Việt-Xô ở ngay đầu cầu. Theo như lời ông Hoàng Minh Chúc, biểu tượng mang hình cánh buồm thể hiện tình hữu nghị mãi vươn xa. Từ cầu Thăng Long, một thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam đã được trui rèn, trở thành lao động lành nghề, nắm vững kỹ thuật để xây dựng thêm nhiều công trình “100% nội địa hóa”, góp phần thay đổi bộ mặt giao thông nước nhà.

MẠNH HƯNG