30 năm qua, với tên gọi hiện nay là Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, biểu tượng của tình hữu nghị này vẫn tỏa sáng, tiếp tục là mô hình hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước...
Quyết định sáng suốt
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Dư, đồng Tổng giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cho biết, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Xô (nay là Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga) được hình thành trên cơ sở Hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô. Trung tâm được thành lập với tư cách là một tổ chức hợp tác về khoa học và công nghệ (KHCN) giữa Việt Nam và Liên Xô lúc bấy giờ.
Buổi đào tạo chuyên ngành sinh thái cho học viên Viện Sinh thái tiến hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Nga tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh do Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cung cấp
Mục đích thành lập trung tâm xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của hai nước. Với Việt Nam, Liên Xô là một cường quốc về KHCN; thông qua hoạt động của trung tâm, Việt Nam có điều kiện tiếp cận với một nền KHCN hàng đầu thế giới, học hỏi được từ các chuyên gia Liên Xô rất nhiều về kiến thức, phương pháp, cách thức tổ chức tiến hành các hoạt động khoa học cũng như điều kiện tiếp cận với các công nghệ, chuyển giao và áp dụng trong điều kiện của Việt Nam để có thể khai thác và bảo quản tốt nhất các vũ khí, trang bị kỹ thuật cũng như giải quyết nhiều vấn đề KHCN của Việt Nam thông qua con đường hợp tác với các đối tác Nga.
“Với Liên Xô, quyết định thành lập Trung tâm Nhiệt đới Việt-Xô là một quyết định đúng đắn của các nhà lãnh đạo, từ đó giúp Liên Xô có điều kiện thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở vùng nhiệt đới”, Tiến sĩ khoa học Kzunetsov Andray Nikolaevich, đồng Tổng giám đốc phía Nga khẳng định.
Cũng theo Tiến sĩ Kzunetsov Andray Nikolaevich, từ khi ra đời đến khi Liên Xô tan rã, các nhà khoa học Việt Nam và Liên Xô chỉ có vỏn vẹn 3 năm được sống, làm việc trong môi trường Việt-Xô, thể hiện được sự khao khát cống hiến cho tổ chức này. “Thời đó, hai bên gắn bó mật thiết, làm gì cũng quyết định nhanh chóng. Trong 3 năm đầu tiên, chúng tôi kịp hình thành nền tảng cho một tập thể Việt-Xô. Chúng tôi mang đến Việt Nam rất nhiều trang thiết bị qua hàng chục chuyến tàu biển chở hàng đến Việt Nam lúc bấy giờ”, Tổng giám đốc Kzunetsov Andray Nikolaevich chia sẻ.
Dù có những biến động về lịch sử, song theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Dư, hoạt động của trung tâm vẫn hướng tới các nghiên cứu về KHCN nhiệt đới, những nhiệm vụ thiết thực về khoa học thực tiễn, cần cho Liên Xô trước đây, nước Nga bây giờ cũng như Việt Nam.
Nỗ lực tìm bước đột phá
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Dư, từ khi thành lập, trung tâm triển khai hoạt động theo 3 hướng khoa học là: Vật liệu học nhiệt đới (Độ bền nhiệt đới), Sinh thái nhiệt đới và Y sinh nhiệt đới. Cả ba hướng khoa học này đều gắn với các chương trình KHCN của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. “Ngay từ đầu có những nhà khoa học đã chỉ cho chúng tôi những nền tảng cơ bản để nghiên cứu trong 3 lĩnh vực này. Vì là cơ bản nên sau 30 năm, những hướng nghiên cứu này vẫn còn nguyên giá trị”, ông Kzunetsov nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trước thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu, cách đây 5 năm, trung tâm đã bắt tay vào nhiệm vụ mới mà trước đây chưa bao giờ đề cập đến. Đó là nghiên cứu tìm các giải pháp để Việt Nam, đặc biệt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các bệnh nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm cũng đòi hỏi phải có thêm những nghiên cứu mới. “Chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai các nghiên cứu về hậu quả chất độc hóa học sử dụng trong thời gian chiến tranh và tác động của chất độc sinh thái chứa dioxin đối với sức khỏe con người”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Dư bổ sung thêm.
Với những đề tài như thế đòi hỏi phải có tập thể các nhà khoa học mạnh và chuyên sâu. Nếu như thời gian đầu, các nhà khoa học Việt Nam chỉ là học trò của các chuyên gia Nga thì sau một quá trình làm việc, cán bộ khoa học Việt Nam đã trưởng thành hơn rất nhiều. Có thể nói, hiện tại cán bộ hai bên đã có điều kiện hợp tác bình đẳng, vì thế tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau để thực hiện nhiệm vụ chung. Theo Tổng giám đốc Kzunetsov, nhiều nhà khoa học trẻ của Việt Nam đã trưởng thành, được nâng cao nghiệp vụ chuyên sâu để trở thành những cán bộ khoa học giỏi. “Hiện nay chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ với Cơ quan liên bang các tổ chức khoa học của Nga, là cơ quan quản lý hơn 700 viện nghiên cứu ở Nga. Vì vậy, hy vọng với việc Hiệp định về Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga được gia hạn đến năm 2027, và tiếp theo nữa, trung tâm sẽ có những bước phát triển bền vững, mạnh mẽ và có tính đột phá”, cả hai đồng Tổng giám đốc của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga bày tỏ tin tưởng.
KIM OANH