Các vụ chống đối CSGT có dấu hiệu gia tăng

Trong năm 2017, toàn quốc có 48 vụ chống đối CSGT trong lúc làm nhiệm vụ, khiến 3 CSGT hy sinh và nhiều đồng chí bị thương. Ðiển hình là các vụ: Ngày 15-4, tại Trạm thu phí cầu Ðồng Nai trên Quốc lộ 1 (đoạn qua địa phận TP Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai), trong quá trình kiểm tra ô tô biển kiểm soát (BKS) 60C-107.62, Thiếu tá Lê Quang Minh (Phòng CSGT, Công an tỉnh Ðồng Nai) bị lái xe điều khiển ô tô cán qua người, dẫn đến tử vong. Tiếp đó, ngày 2-5, tại đường tránh TP Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), trong lúc làm nhiệm vụ, đồng chí Võ Duy Khánh, cán bộ Phòng CSGT (Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế) bị người vi phạm giao thông đâm thẳng xe mô tô vào người, gây tử vong. Hoặc vào lúc 8 giờ ngày 13-6, Trần Sỹ Tiến (39 tuổi, ở thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) điều khiển ô tô Fortuner 7 chỗ BKS Hải Phòng chở 3 người chạy trên Quốc lộ 1A theo hướng Bắc-Nam. Đến đoạn qua huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh thì bị tổ công tác thuộc Phòng CSGT (Công an tỉnh Hà Tĩnh) yêu cầu dừng xe kiểm tra vì chạy quá tốc độ. Thay vì chấp hành hiệu lệnh, Tiến tăng ga đâm thẳng vào những cảnh sát đang làm nhiệm vụ rồi bỏ chạy. Gần đây nhất, Trung tá Trần Văn Vang, cán bộ Cục CSGT cùng tổ công tác thực hiện nhiệm vụ trên đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên (đoạn qua xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên), phát hiện xe mô tô BKS 30E1-266.09 do Hoàng Văn Trường điều khiển chở theo Trương Văn Ðạo không đội mũ bảo hiểm và đi vào đường cao tốc. Thay vì chấp hành hiệu lệnh dừng xe của tổ công tác, Trường đã tăng ga đâm thẳng vào đồng chí Vang. Hậu quả, đồng chí Vang hy sinh…

Những ngày cuối năm Đinh Dậu, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia có chiều hướng tăng cao. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì khá nhiều trường hợp không hợp tác hoặc gây gổ với lực lượng chức năng. Đợt cao điểm, chỉ tính riêng trên tuyến Hà Nội-Lạng Sơn, trong tháng 1-2018, lực lượng CSGT đã xử lý hơn 7.200 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; tước 1.321 giấy phép lái xe; tạm giữ 363 phương tiện; buộc sang khách đối với 46 xe ô tô khách. So với thời điểm trước khi thực hiện đợt cao điểm, số vi phạm phát hiện cao hơn 938 trường hợp, trong đó các lỗi vi phạm bị phát hiện và xử lý nghiêm, như: Đi vào đường cấm; chạy quá tốc độ quy định; dừng, đỗ không đúng quy định; không đội mũ bảo hiểm… Trong số các vụ vi phạm có hàng chục vụ người điều khiển phương tiện có hành vi chống đối hoặc không hợp tác với lực lượng chức năng. Cũng thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đã phát hiện 31 vụ, bắt giữ 45 đối tượng phạm pháp hình sự, vi phạm pháp luật. 

Cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Nguyên nhân chính của tình trạng chống đối CSGT đang làm nhiệm vụ là do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, còn coi nhẹ việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Các hiện tượng phổ biến là: Không có giấy phép lái xe (GPLX), không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ quy định, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia hoặc nghiện ma túy... Khi vi phạm thì xin lực lượng chức năng bỏ qua hoặc điện thoại để cậy nhờ, gây sức ép với lực lượng đang làm nhiệm vụ, nhiều người đã lăng mạ, xúc phạm lực lượng chức năng để đòi trả phương tiện bị tạm giữ. Một số trường hợp manh động sẵn sàng đốt xe máy, tấn công, gây thương tích đối với lực lượng CSGT. Bên cạnh đó, tình trạng đào tạo, thi sát hạch, cấp GPLX và quản lý lái xe tại các trung tâm bị buông lỏng. Các cơ sở đào tạo mới chỉ chú trọng nghiệp vụ chứ chưa quan tâm đến rèn luyện đạo đức lái xe. Công tác tổ chức giao thông vẫn còn những bất cập đã tác động không nhỏ đến tâm lý người điều khiển phương tiện... 

leftcenterrightdel
Công an TP Hà Nội ra quân bảo đảm ANTT dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Ảnh: CAND.

Cùng với đó, một phần do những quy định của pháp luật về xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ còn nhẹ, chưa đủ sức giáo dục và răn đe. Nhiều vụ chống đối CSGT mới chỉ được xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức cao nhất 2-5 triệu đồng theo điểm a, khoản 3, điều 20, Nghị định số 167/2013/NÐ-CP.

Theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), để ngăn chặn hành vi chống đối, gây thương tích cho CSGT khi làm nhiệm vụ, Cục CSGT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ giải quyết các tình huống; tăng cường kiểm tra đối với cán bộ, chiến sĩ khi thực thi nhiệm vụ; từng bước trang bị công cụ hỗ trợ, lắp camera giám sát trên các tuyến giao thông trọng điểm. Cùng với đó, cơ quan chức năng của các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông; chuẩn bị các phương án xử lý tình huống đối với những người có hành vi chống đối CSGT; huy động các lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự phối hợp với CSGT bảo đảm TTATGT trong những thời điểm phức tạp… Ðối với những vụ việc đã khởi tố vụ án hình sự với tội danh “Chống người thi hành công vụ”, cần sớm đưa ra xét xử để có tác dụng răn đe, giáo dục. Có như vậy mới có thể hạn chế các trường hợp chống người thi hành công vụ và góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

HÀ KHÁNH