Khi thời gian thí điểm sắp kết thúc, việc có tiếp tục mở rộng loại hình vận tải này hay không đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Theo ý kiến các chuyên gia, cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ để bảo đảm lợi ích chung của xã hội khi triển khai rộng rãi loại hình vận tải mới này.

“Tắc-xi công nghệ” lấn át tắc-xi truyền thống

Sau gần hai năm thí điểm, đã có 10 đơn vị triển khai loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử ứng dụng công nghệ, trong đó có cả các hãng tắc-xi lớn như Vinasun, Mai Linh. Tuy nhiên, hai ứng dụng phổ biến nhất, được đa số người dân sử dụng để kết nối vận tải là Grab và Uber. Tại cuộc hội thảo về xây dựng khung pháp lý cho dịch vụ công nghệ kết nối vận tải do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tổ chức ngày 29-11, TS Lê Thu Hiền, Trung tâm Tư vấn phát triển GTVT (Trường Đại học GTVT) cho biết, qua khảo sát nhanh từ hành khách và lái xe về dịch vụ của Grab, Uber cho thấy nhiều đánh giá tích cực. Hành khách được khảo sát cho biết, dịch vụ của Grab, Uber có chất lượng tốt, minh bạch thông tin, giá rẻ. Đối với lái xe, họ cho biết hiệu suất sử dụng phương tiện lớn hơn, giảm thời gian xe chạy rỗng trên đường. Tuy nhiên, một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lo ngại số phương tiện chạy xe hợp đồng tăng lên quá nhanh và có ý kiến đề nghị hạn chế loại phương tiện này. Bên cạnh đó, các hãng tắc-xi truyền thống lại có đánh giá tiêu cực với loại hình vận tải này bởi thực tế một lượng lớn hành khách đã chuyển từ sử dụng tắc-xi sang đi xe Grab, Uber.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN  

Ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng tắc-xi Thành Công cho rằng, Grab, Uber đã vượt quá khung quy định trong kế hoạch thí điểm, triển khai dịch vụ ở các địa phương chưa được phép, hình thức xe đi chung dù không được đồng ý thực hiện nhưng vẫn cung cấp trên ứng dụng. “Cần có khung pháp lý mới phù hợp hơn, công bằng hơn với các loại hình vận tải, không quá xung đột lợi ích. Sân chơi cần phải bình đẳng, công bằng”, ông Nguyễn Anh Quân bày tỏ.

Trong văn bản trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc cho phép thí điểm dịch vụ vận tải công nghệ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, đã có sự thay đổi tích cực trong các doanh nghiệp vận tải và công nghệ của Việt Nam khi Chính phủ cho phép thí điểm, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang không ngừng đổi mới, chủ động nghiên cứu tiếp cận và làm chủ các ứng dụng, cạnh tranh bình đẳng với các công ty nước ngoài. Việc phát triển các loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng điện tử đã phần nào tác động đến loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng tắc-xi, đây là quy luật tất yếu nhưng mang tính tích cực theo hướng đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí cho các chuyến đi phù hợp hơn, bảo đảm thuận tiện, an toàn, chất lượng dịch vụ của các xe tắc-xi và xe hợp đồng được nâng cao.

Bảo đảm lợi ích hài hòa, cạnh tranh bình đẳng

Theo PGS, TS Từ Sỹ Sùa (Trường Đại học GTVT), khi xuất hiện loại hình vận tải mới cần có khung pháp lý để Nhà nước điều tiết, bảo đảm lợi ích của các bên, quan trọng là môi trường kinh doanh phải bình đẳng, quyền lợi của hành khách được bảo đảm, thực hiện đầy đủ trách nhiệm nộp thuế với Nhà nước. Vì chưa có khung pháp lý nên còn bất cập, ví như một số đoạn đường cấm xe tắc-xi nhưng xe chạy Grab, Uber vẫn hoạt động vì không có nhận diện thương hiệu, không biết đó là xe cá nhân hay xe dịch vụ. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, quyền lợi hành khách chưa bảo đảm khi lái xe chưa được đào tạo bài bản. “Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi tắc-xi truyền thống phải tự đổi mới mình, đồng thời, cơ quan chức năng cần xây dựng khung pháp lý, góp phần phát triển bền vững ngành vận tải hành khách”, PGS, TS Từ Sỹ Sùa chia sẻ.

Thực tế, hiện nay vẫn còn những quan điểm khác biệt của xã hội, các bộ, ngành về loại hình vận tải mới. Ngay cả việc gọi tên loại hình này là “tắc-xi công nghệ” hay xe hợp đồng; Grab, Uber là doanh nghiệp vận tải hay doanh nghiệp cung cấp ứng dụng công nghệ cũng đang còn ý kiến khác nhau. TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong quá trình xây dựng khung pháp lý với loại hình này, cần xác định nguyên tắc, thứ nhất là ủng hộ công nghệ mới để bảo đảm lợi ích xã hội như giảm lưu lượng vận tải, giảm phát thải, giảm chi phí, bảo đảm chất lượng dịch vụ tốt nhất. Cùng với đó, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường, giảm những rủi ro cho khách hàng. “Theo tôi, nên chấp nhận loại hình dịch vụ vận tải mới, loại bỏ một số quy định mang tính chất lạc hậu như quy định xe bao nhiêu chỗ, hoạt động trong bao nhiêu năm, quy hoạch phương tiện, pháp nhân... Trong tương lai nên khuyến khích kết nối, tắc-xi truyền thống cũng sử dụng công nghệ, tạo ra nền tảng công nghệ chung, tiên tiến, phục vụ xã hội”, TS Nguyễn Minh Phong nhìn nhận.

Đánh giá bước đầu về kết quả thí điểm vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, ngoài những kết quả tích cực cũng còn những hạn chế cần điều chỉnh, như phải có sự phối hợp sát sao hơn và trách nhiệm hơn của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, việc tổ chức giao thông cần phù hợp hơn, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ứng dụng mới, cần nhanh chóng bổ sung, hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp các quy định trong quản lý hoạt động vận tải, quản lý công nghệ, thuế. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó bổ sung quy định quản lý phù hợp đối với xe hợp đồng và xe tắc-xi, quản lý và áp dụng hợp đồng điện tử, kết nối quản lý thuế. Với những định hướng để tăng cường công tác quản lý, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải sẽ được triển khai thuận lợi hơn, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đi lại của người dân.

MẠNH HƯNG