Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, nhiều năm qua, nhất là năm 2017, Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng, Nhà nước đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Theo đồng chí, điều gì làm nên những thành tựu ấy? Truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" có phải là một yếu tố quan trọng?

leftcenterrightdel

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Tùng Đinh

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Sức mạnh của quân đội từ xưa đến nay có rất nhiều yếu tố tạo nên, nhưng không thể thiếu được truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, sự tiếp nối của lịch sử. Ngay từ khi mở đầu công cuộc dựng nước và giữ nước cho đến nay, quá trình ấy vẫn liên tục như vậy. Nói đến sự phát triển bây giờ của dân tộc cũng như các ngành, các cấp hay quân đội thì bao giờ cũng phải nhớ rằng: Có những thành tựu đã đạt được, hay vinh quang giành được, đất nước nở hoa và uy tín, danh dự của dân tộc được thế giới ngưỡng mộ, chúng ta phải nhớ đến nguồn gốc của dân tộc Việt Nam. Từ nguồn gốc suy ra và phát triển lên từ thời kỳ này, thế kỷ này qua thời kỳ khác, thế kỷ khác cho đến ngày nay và sau này. Đó là nguồn mạch liên tục, chảy vô tận. Dân tộc của chúng ta cũng vậy, qua quá trình biến thiên của lịch sử, cho đến giờ và tiếp nối nữa, vẫn ở mạch truyền thống dân tộc anh hùng. Đó chính là bản chất sức mạnh vô địch của dân tộc ta và chúng ta phải tự hào.

Trong câu “Uống nước nhớ nguồn” thì “nhớ nguồn” không chỉ là nhớ nguồn nước, nghĩa rộng của nó là sự phát triển từ đời này qua đời khác, thế hệ này qua thế hệ khác, tiếp nối lịch sử vĩ đại dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Ngay trong Quân đội ta, việc đó được thể hiện bằng nhiều hình thức và nhiều hoạt động. Quân thì xây dựng quân như thế nào để tinh nhuệ, trở thành đội quân cách mạng, chính quy, hiện đại của một dân tộc vĩ đại. Nhưng quân không bao giờ tách khỏi nhân dân mà luôn luôn gắn bó máu thịt với dân. Và chính điều đó không chỉ tạo nên một đội quân quân sự thuần túy, mà rất chính trị, quân sự nhưng rất chính trị. Xây dựng quân đội trở thành lực lượng tinh nhuệ, hùng hậu nhằm bảo vệ đất nước, nếu xảy ra chiến tranh thì dứt khoát phải đánh thắng kẻ thù (lịch sử chứng minh như vậy!). Trong thời bình, quân đội còn tham gia công tác xã hội, giúp đỡ nhân dân. Không phải chỉ trong chiến tranh, quân-dân mới gắn bó mà ngay trong thời bình cũng gắn bó rất chặt chẽ. Quân đội thực hiện nhiệm vụ huấn luyện tốt, đồng thời tham gia giúp đỡ nhân dân trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Thực tế, quân đội đã mang sức lực và trí tuệ giúp dân, bảo vệ an toàn, tính mạng, tài sản nhân dân trong các trận thiên tai, bão lụt vừa qua. Đó là bản chất của quân đội cách mạng, quân đội của dân, do dân, vì dân. Đó là bản chất cách mạng của Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng là quân đội của nhân dân Việt Nam.

PV: Đồng chí có thể đánh giá về vai trò của đội ngũ lãnh đạo Bộ Quốc phòng hiện nay trong việc tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân-dân, tạo nên nguồn sức mạnh to lớn, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững?

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Trải qua quá trình xây dựng và chiến đấu, qua từng thời kỳ, mối quan hệ giữa quân đội, nhất là Quân ủy Trung ương, đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của Bộ Quốc phòng, luôn luôn chặt chẽ với các đoàn thể, chính quyền địa phương. Điều đó tạo ra sức mạnh quân-dân gắn bó. Khi tạo được sức mạnh như thế thì những chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước luôn được quân đội tiên phong thực hiện và góp phần thúc đẩy các ngành, các cấp cùng nhau thực hiện thắng lợi, hợp thành sức mạnh chung. Từ đó, hiệu quả của các nghị quyết, chỉ thị sẽ được phát huy cao nhất, mạnh mẽ nhất, đem lại thành tựu rất lớn.

Việc quân gắn với việc dân, đối với các vấn đề xã hội, quân đội luôn trực tiếp tham gia. Sức mạnh của lực lượng vũ trang (LLVT) kết hợp sức mạnh nền tảng từ nhân dân thì sức mạnh đó tăng lên gấp bội. Mà đó chính là vô địch. Vô địch trong đấu tranh chống kẻ thù, vô địch trong xây dựng về kinh tế, về các mặt xã hội, văn hóa, chính trị... Trong chiến tranh, quân và dân luôn gắn bó thì trong xây dựng hòa bình, quân-dân càng gắn bó chặt chẽ. Mối quan hệ quân-dân gắn bó thiết thực, chặt chẽ sẽ đem lại hiệu quả lớn nhất, bền vững nhất. Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” bản chất chính là mối quan hệ quân-dân và phải gắn với thực tiễn xây dựng đất nước hiện nay. Hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam phải gắn với hình ảnh nhân dân. Hình ảnh quân đội với người dân bao giờ cũng thắm đượm tình máu thịt thì sức mạnh đó là sức mạnh vô địch.

leftcenterrightdel

Tuổi trẻ Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) cùng đơn vị kết nghĩa trước giờ văn nghệ đón xuân. Ảnh: MINH HUỆ

PV: Đồng chí có lời căn dặn gì đến thế hệ ngày nay, nhất là thế hệ trẻ?

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Thế hệ ngày nay, nhất là thế hệ trẻ được sống trong điều kiện và hoàn cảnh khác với thời chiến tranh. Trong chiến tranh, thế hệ trẻ là lực lượng sẵn sàng bổ sung cho quân đội chống lại kẻ thù cướp nước. Còn trong xây dựng hòa bình, đa số lực lượng quân đội là thanh niên và thanh niên cũng là lực lượng bổ sung cho quân đội thông qua thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thanh niên trong và ngoài quân đội phối hợp với nhau tạo dựng thành một lý tưởng chung, giúp đỡ và bồi dưỡng lẫn nhau, cùng nhau xây dựng và đưa đất nước phát triển. Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự, thanh niên được học tập, rèn luyện các kỹ năng của người chiến sĩ, tiếp thu tư tưởng, rèn luyện tác phong, đạo đức người quân nhân cách mạng. Sau đó, khi về địa phương, họ phát huy những điều đã được dạy, được học trong môi trường quân đội. Ngược lại, qua mỗi năm, thanh niên trong quân đội được giao lưu, học tập cùng thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự, từ đó học hỏi lẫn nhau, văn hóa được hòa nhập, trau dồi. Đây cũng là một mối quan hệ quân nhân gắn bó chặt chẽ. Thanh niên trong và ngoài quân đội gắn bó với nhau, học hỏi lẫn nhau tạo ra sự giao lưu văn hóa, giao lưu lý tưởng, kinh nghiệm và cùng phối hợp cụ thể qua các hoạt động giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Cho nên, có thể thấy rằng quân đội không bao giờ xa dân. Nhân dân luôn luôn yêu quý quân đội. Nhân dân coi quân đội là con em của mình. Quân đội coi nhân dân là người sinh ra mình.

PV: Sự cần thiết để nâng cao hơn nữa tình đoàn kết quân-dân trong thời kỳ hiện nay, thưa đồng chí?

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Đoàn kết quân-dân đã trở thành truyền thống của dân tộc ta. Trong quá trình trưởng thành và phát triển của đất nước, của quân đội, đoàn kết quân-dân là dòng chảy không bao giờ ngừng. Quân đội không được thời kỳ này gần dân, thời kỳ khác lại xa dân. Mối quan hệ đó phải luôn luôn gắn bó keo sơn, trường hợp nào cũng vậy, thời kỳ nào cũng thế. Trong mọi khía cạnh cuộc sống, từ giao lưu văn hóa đến phát triển kinh tế, quân và dân luôn phải gắn bó với nhau. Quân đội phải luôn luôn sẵn sàng hy sinh để giúp dân, cứu dân. Mối quan hệ quân và dân là vô địch và không thể chia cắt. Chúng ta không được nghĩ đến việc quân với dân chỉ gắn bó theo thời kỳ, mà đó phải là một dòng chảy để củng cố sức mạnh vô địch của dân tộc ta và đó mới là bản chất của quân đội cách mạng chúng ta.

PV: Thưa đồng chí, cảm nghĩ của đồng chí về năm mới Mậu Tuất như thế nào?

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Có thể nói, năm 2017, chúng ta đã đạt được nhiều thắng lợi quan trọng. Tất cả chỉ tiêu cơ bản của năm 2017, chúng ta đều đạt được, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng dần lên. Sự gắn bó, đoàn kết toàn dân càng chặt chẽ hơn. Các vụ việc tiêu cực như tham ô, tham nhũng được xử lý nghiêm minh. Vì vậy, tinh thần và không khí của toàn dân trước thềm năm mới mang khí thế mới, lành mạnh, tin tưởng, đoàn kết. Và tôi tin, dù năm 2018 còn những khó khăn, thách thức nhưng chúng ta sẽ giành được những kết quả lớn hơn nữa. Mối quan hệ trong nước càng gắn bó chặt chẽ hơn. Uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được đề cao. Quốc tế ngày càng hiểu và tín nhiệm chúng ta. Mọi lĩnh vực xã hội được phát triển đồng đều, nở hoa toàn diện. Đó để thấy rằng, con đường chúng ta đang đi ngày càng tươi sáng và những hiệu quả ngày càng rõ rệt.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PHẠM TUYẾT - THANH HÀ (thực hiện)