Tàu USS Grunion chính thức được đưa vào biên chế trong Hải quân Mỹ vào ngày 11-4-1942. Trong hải trình đầu tiên từ Vùng Caribe tới Trân Châu Cảng, tàu đã cứu hộ 16 người sống sót trên một con tàu vận tải của Lục quân Mỹ bị đánh đắm bởi tàu ngầm U-boat của Đức Quốc xã.

Tuy nhiên, USS Grunion lại là một trong những con tàu “đen đủi” nhất của quân đội Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Chuyến tuần tra trực chiến đầu tiên của nó cũng chính là chuyến đi định mệnh cuối cùng.

Phần mũi tàu USS Grunion được tìm thấy.

Chuyện là, vào tháng 6-1942, tàu ngầm này được triển khai tới khu vực quần đảo Aleut thuộc bang Alaska ở phía cực tây bắc của Mỹ. Khi đến ngoài khơi đảo Kiska thuộc quần đảo Aleut, tàu USS Grunion bắn hạ được 2 tàu tuần tra của phát xít Nhật.

Sau đó, vào ngày 30-7, con tàu được điều trở lại hải cảng Dutch (trên đảo Amaknak, bang Alaska) - một căn cứ của Hải quân Mỹ trong khu vực. Vậy nhưng, trên đường đi, con tàu đã gặp thảm họa bí ẩn và bị chìm, cướp đi sinh mạng của 70 thủy thủ đoàn. Nó được xác định là mất tích vào ngày 5-10-1942.

Ảnh 3D phục dựng tàu USS Grunion.

Tuy nhiên, câu chuyện của tàu ngầm xấu số này không kết thúc như vậy. Năm 2006, 3 người con của Thiếu tá Mannert Abele, thuyền trưởng tàu USS Grunion, quyết tâm tìm con tàu sau khi nhận được một số thông tin giá trị từ ông Yutaka Iwasaki, một thành viên của Dự án Lost 52 (một nhóm chuyên tìm kiếm 52 tàu ngầm mất tích trong Chiến tranh thế giới thứ hai). Họ đã thành lập 1 nhóm để tìm kiếm con tàu xấu số.

Clip giới thiệu về quá trình phục dựng tàu USS Grunion.

Phải chờ đến tháng 10-2018, nhóm này mới khoanh vùng và phát hiện ra một phần mũi của tàu USS Grunion bằng cách sử dụng robot ngầm tự hành AUV và công nghệ chụp ảnh tiên tiến để tạo ra hình ảnh 3D của tàu đang nằm ở độ sâu 820m ngoài khơi quần đảo Aleut.

Theo nhà thám hiểm đại dương Tim Taylor thuộc Dự án Lost 52, việc chụp lại những bức ảnh 3D rất hữu ích bởi các nhà khảo cổ học và sử học có thể dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu chi tiết hơn về con tàu.

KHÁNH NGÂN (theo Live Science)