Tốp 3 địa phương có các vụ phạm tội cao nhất Nhật Bản là thủ đô Tokyo (125.258 vụ), tỉnh Osaka (107.032 vụ) và tỉnh Aichi (65.511 vụ). Tổng số vụ phạm tội nghiêm trọng như giết người hay cướp của là 10.889 vụ, giảm 657 vụ so với năm 2016. Trước đó, hồi năm 2016, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, số vụ phạm tội ở đất nước Mặt trời mọc giảm xuống dưới mốc 1 triệu, với 996.120 vụ. Theo Japan Times, 2002 là năm chứng kiến số các vụ phạm tội cao kỷ lục tại Nhật Bản với 2,85 triệu vụ. Kể từ năm 2002 đến nay, con số này liên tục giảm.

leftcenterrightdel
Cảnh sát Nhật Bản tuần tra trên đường phố. Ảnh: The Economist

Mặc dù các vụ phạm tội nghiêm trọng giảm trong năm 2017 nhưng số vụ lừa đảo qua tin nhắn trên các trang mạng xã hội và các dịch vụ Internet khác lại có xu hướng gia tăng, với 5.756 vụ, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2013. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cảnh báo các nhóm tội phạm có tổ chức có thể chuyển sang hoạt động trên mạng, ngẫu nhiên nhắm vào nạn nhân, thông qua điện thoại hoặc email, giả vờ là người quen đề nghị họ gửi một khoản tiền hoặc thanh toán giúp hoá đơn.

Trong khi đó, theo tờ The Economist, tỷ lệ tội phạm tại Nhật Bản liên tục giảm trong 13 năm qua. Nhật Bản chỉ có 0,3 vụ giết người trên 100.000 dân, trong khi con số này ở Mỹ là xấp xỉ 4/100.000. Cả năm 2015, cảnh sát Nhật Bản chỉ ghi nhận một trường hợp nổ súng gây chết người. Nhật Bản hiện có hơn 259.000 sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục trong khi hơn 10 năm trước, con số này chỉ là 15.000. Thủ đô Tokyo là nơi có lực lượng cảnh sát đô thị lớn nhất thế giới. Thống kê cho thấy tỷ lệ cảnh sát so với số lượng cư dân ở thủ đô Tokyo nhiều hơn 25% so với tỷ lệ ở thành phố New York của Mỹ.

Trong khi Japan Times cho rằng, số vụ phạm tội của Nhật Bản giảm kỷ lục trong năm 2017 là nhờ việc chính phủ tăng cường số lượng cảnh sát và mở rộng phạm vi sử dụng các camera an ninh, thì tờ The Economist nhận định nguyên nhân chủ yếu là do người dân nước này sống có kỷ luật hơn./.

VĨNH AN