Stefan Nguyen sinh ra tại Việt Nam và định cư ở Mỹ từ năm 13 tuổi. Lớn lên, vừa để tìm hiểu cũng như vừa để quảng bá văn hóa quê hương, Stefan Nguyen thành lập một câu lạc bộ chuyên về điện ảnh và văn chương Việt-Mỹ. Sau đó, anh nhận ra rằng, chủ đề ẩm thực có vẻ dễ lôi cuốn hơn. “Với ẩm thực, hầu như không có rào cản nào”-Stefan Nguyen nhấn mạnh.

Vì lẽ đó, Stefan Nguyen thành lập nhóm Viet Taste Buds (tạm dịch: Những người bạn của ẩm thực Việt). Và thế là cứ tối thứ sáu hằng tuần, Stefan Nguyen lại tổ chức bữa ăn tối cho khoảng 25 đến 40 thành viên Viet Taste Buds tại một nhà hàng Việt Nam ở California.

leftcenterrightdel
Stefan Nguyen (thứ ba, từ trái sang) và các thành viên Viet Taste Buds dùng bữa tối tại nhà hàng Nguyen's Kitchen ở Costa Mesa, bang California, Mỹ. Ảnh: Los Angeles Times.

Stefan Nguyen cho biết, không phân biệt xuất thân, địa vị, bất cứ ai cũng có cơ hội được học hỏi điều gì đó mới mẻ qua những bữa ăn tối như vậy. “Một lần, tôi giới thiệu một món ăn Việt Nam có nêm nước mắm với một người bạn. Trước đó, cô ấy chưa bao giờ thưởng thức ẩm thực Việt Nam. Tôi có bảo cô ấy là lúc đầu chỉ nên thử ít một thôi. Nhưng cô ấy đã ăn hết và nói rất thích. Quả thực, tôi đã đánh giá thấp khứu giác và khẩu vị của cô ấy. Bài học tôi rút ra là không bao giờ được đánh giá thấp sở thích khám phá điều mới lạ của người khác”-Stefan Nguyen kể trên tờ Los Angeles Times.

Tim Le, một kỹ sư cơ khí lớn lên tại thành phố Riverside (bang California) đã có cơ hội quen biết được nhiều người Mỹ gốc Việt hơn trước nhờ có Viet Taste Buds. Tim Le chia sẻ: “Khi bạn càng lớn lên, ít nhất là với tôi, bạn có xu hướng nghĩ về cội nguồn của mình”.

 Còn với Trinh Nguyen, một kỹ sư cơ khí tại thành phố Anaheim (bang California), Viet Taste Buds cũng là cơ hội để cô giới thiệu với bạn bè quốc tế về văn hóa của quê hương mình. “Người Mỹ quen ăn hamburger mềm nên khi thử bánh mì giòn kiểu Việt Nam, họ thắc mắc: “Bánh mì để ở ngoài bao lâu rồi? Chắc hẳn phải vài ngày”. Tôi nói bánh mì mới làm đó. Sau vài lần ăn, họ khen: “Ngon thật!”. Khi tôi giới thiệu về các món ăn Việt Nam và họ thích, tôi cảm thấy hạnh phúc, tự hào”-Trinh Nguyen cho biết.

Theo Stefan Nguyen, ẩm thực Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Mỹ, một phần là nhờ có sự xuất hiện của các quán ăn như Afters Ice Cream hay Loop Handcrafted Churros, nơi ẩm thực Việt Nam được kết hợp một cách khéo léo, sáng tạo với ẩm thực địa phương. “Thực khách sẽ bớt e dè hơn, dễ dàng thử một món ăn mới hơn, nhờ đó mà lôi kéo được tất cả mọi người”-Stefan Nguyen chia sẻ.

Với Shaun Nguyen Ly, đồng sở hữu chuỗi nhà hàng Nguyen's Kitchen tại các thành phố Orange và Costa Mesa, hoàn toàn không có gì phải ngạc nhiên khi thấy các món ăn Việt Nam ngày càng được thực khách nước ngoài ưa chuộng. “Ẩm thực Việt Nam có hương vị riêng nhưng không nồng. Chúng tôi không dùng quá nhiều dầu mỡ hay bột bánh. Chúng tôi chú trọng vào nguyên liệu chế biến, rau, củ, thịt tươi, nước mắm”-Shaun Nguyen Ly chia sẻ với tờ Los Angeles Times.

AN VĨNH