Biến những cam kết đầy tham vọng thành hiện thực

Từng bị coi là “kẻ ngoài cuộc” trên đường đua tới Điện Élysée, ông Macron đã từng bước khẳng định mình với chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp hồi tháng 5 năm ngoái và sau đó là hàng loạt các dự án cải cách đầy tham vọng với mong muốn đưa đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ.

Nếu như các đời Tổng thống Pháp trước đây ít khi tiến hành cải cách trong thời gian đầu nhiệm kỳ thì ông Macron không những mạnh dạn cải cách mà còn nhằm vào những vấn đề mang tính nền tảng của nước Pháp. Từ đề xuất cải cách Hiến pháp, luật lao động, tư pháp, luật tị nạn và nhập cư, đến các cải cách xã hội liên quan đến công ty đường sắt quốc gia hay giáo dục đại học, ông Macron thực hiện hàng chục biện pháp sâu rộng với tiến độ nhanh chưa từng có trong lịch sử của nền Cộng hòa thứ năm tại Pháp. Theo tờ nhật báo Le Monde, trong tổng số 85 đề xuất cải cách của ông Macron trước khi lên làm Tổng thống, sau một năm, đã có 8 đề xuất được thực hiện thành công, 45 đề xuất đang triển khai, 6 đề xuất được thực hiện một phần, 24 đề xuất đang thực hiện nhưng chưa đạt kết quả và chỉ có 2 đề xuất thất bại. Nhiều chính sách mới của chính phủ Pháp nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.

leftcenterrightdel
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong lễ trao giải thưởng Charlemagne, ngày 10-5. Ảnh: EPA.

Còn nhớ trong bài diễn văn tại lễ nhậm chức ngày 14-5-2017, Tổng thống Macron cam kết sẽ "cởi trói" cho nền kinh tế Pháp và quả thật ông đã thực hiện tốt điều này. Theo số liệu thống kê chính thức, kinh tế Pháp tiếp tục tăng trưởng khá trong quý đầu năm nay, sau khi có kết quả tốt hơn mong đợi cuối năm 2017. Dự kiến năm nay, tăng trưởng đạt trên 2%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm liên tục từ cuối năm ngoái, hiện còn 8,8% so với mức 9,5% cách đây một năm. Mức đầu tư của doanh nghiệp Pháp cũng đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua.

Mặc dù vậy, không phải tất cả những cải cách của ông Macron đều được đánh giá cao, thậm chí một số còn nhận phản ứng không hài lòng của người dân, như: Chính sách về tị nạn và nhập cư, về hệ thống hưu trí, cải cách y tế, cải thiện sức mua hay giảm bất bình đẳng xã hội. Nhưng cải cách tức là phải thay đổi và luôn có những người bị ảnh hưởng về quyền lợi. Vì vậy, theo các chuyên gia, những bước đi đầu tiên để cải cách của Tổng thống Macron vấp phải sự phản đối cũng là điều dễ hiểu.

Điểm sáng đối ngoại

Lĩnh vực đối ngoại được xem là điểm sáng trong năm đầu tiên cầm quyền của nhà lãnh đạo Pháp.

Khi đầu tàu còn lại của EU là Đức còn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, nhà lãnh đạo Pháp đã nổi lên như một người phát ngôn dẫn dắt của châu Âu. Từ công cuộc gắn kết lục địa già, cải tổ liên minh EU, đến khởi động chương trình tham vấn công dân và sáng kiến "Làm cho hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại" nhằm thực hiện Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đều không thể thiếu vắng cái tên Emmanuel Macron. Mới đây nhất, nhà lãnh đạo Pháp đã vinh dự nhận giải Charlemagne-giải thưởng danh giá nhất được thành phố Aachen của Đức trao tặng những nhân vật có đóng góp đặc biệt trong công cuộc xây dựng EU.

Rộng hơn, đối với thế giới, từ một nhà lãnh đạo trẻ mới bước chân vào lĩnh vực chính trị, Tổng thống Emmanuel Macron trở thành nhân vật chủ chốt trên “sân chơi” chính trị toàn cầu. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump, với phương châm “nước Mỹ trên hết”, đang thực hiện hàng loạt các biện pháp bảo hộ thương mại và các chính sách có lợi cho nước Mỹ, thì Pháp dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Macron là quốc gia giương cao ngọn cờ hội nhập, bảo vệ tự do thương mại (đi đầu trong góp phần giải quyết các căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU), tiếp tục đi tiên phong trong vấn đề biến đổi khí hậu và nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Giới phân tích nhận định, chính sách ngoại giao chủ động mà nhà lãnh đạo Pháp đang gây dựng giúp xóa đi hình ảnh một nước Pháp nhạt nhòa, cũ kỹ và thiếu năng động trước các vấn đề toàn cầu. Bên cạnh đó, hình ảnh nhà lãnh đạo trẻ tuổi, lịch thiệp trong giao tiếp nhưng khôn khéo, kiên quyết bảo vệ lợi ích của đất nước cũng khiến ông Macron ghi điểm trong mắt nhiều nguyên thủ quốc gia khác trên thế giới.

Dẫu vậy, còn quá sớm để khẳng định các cải cách trong nước và các chính sách đối ngoại của Tổng thống Macron có thành công hay không khi vẫn còn khá nhiều ý kiến trái chiều về những quyết sách của người đứng đầu nước Pháp đối với cuộc tấn công nhằm vào Syria hay tác động gây chia rẽ xã hội của một số chính sách trong thời gian vừa qua. Nhưng một điều có thể chắc chắn rằng, những thách thức trong tương lai đang chờ đợi ông Macron sẽ là không nhỏ. Con đường đưa Pháp trở lại mạnh mẽ trong các diễn đàn quốc tế, những chính sách cải cách có thể mang tới sự “lột xác” cho nước Pháp và bình ổn được tâm lý bất an của đại đa số người dân sẽ vẫn là những câu hỏi đang chờ ông Macron đưa lời giải đáp.

NGỌC HÂN