Khi đặt bút ký lệnh áp thuế với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào đầu tháng 3 năm nay, Tổng thống Donald Trump đã viết trên trang Twitter cá nhân: "Chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ dàng giành chiến thắng". Câu nói đó cho thấy người đứng đầu nước Mỹ, vốn từng có nhiều năm lăn lộn trên thương trường, rất tự tin khi bước vào cuộc đấu thương mại cân não với Trung Quốc.

Cuộc chiến mà Tổng thống Donald Trump nhắc tới xuất phát từ quan điểm cho rằng lâu nay Trung Quốc là quốc gia chuyên vi phạm sở hữu trí tuệ, là “thủ phạm” khiến các nhà máy ở Mỹ phải đóng cửa, thu nhập và việc làm của công nhân Mỹ sụt giảm. Việc áp thuế sẽ là bước đầu tiên trong nỗ lực thu hẹp thâm hụt thương mại khổng lồ giữa Washington và Bắc Kinh, xa hơn nữa là hoàn thành chính sách "Nước Mỹ trên hết" mà ông Donald Trump từng hứa hẹn khi tranh cử.

Một trong những “phát súng mở màn” mà Mỹ đưa ra là áp đặt mức thuế cao hơn với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD. Cùng với niềm tin rằng các chính sách cứng rắn với Bắc Kinh đang phát huy tác dụng, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tiếp tục nuôi ý định nối dài danh sách những mặt hàng từ Trung Quốc trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt, với tổng trị giá lên tới 100 tỷ USD.

Nhưng “niềm tin chiến thắng” đâu chỉ hiện hữu ở Washington mà còn có ở cả Bắc Kinh. Trung Quốc tỏ ra chủ động, dứt khoát đáp trả bằng cách đưa ra các biện pháp trừng phạt đánh thẳng vào các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ. Trung Quốc đã dành cho giới chức Nhà Trắng cũng như nông dân Mỹ  “cú sốc lớn” khi công bố kế hoạch áp thuế 106 mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sang nước này. Theo số liệu do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cập nhật, chỉ từ ngày 5 đến 19-4 vừa qua, Trung Quốc đã hủy mua gần 63.000 tấn đậu nành từ Mỹ. Nhắc đến thực tế đó, ông Soren Schroder, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Bunge có trụ sở tại New York, phải cay đắng thừa nhận rằng “mọi thứ Trung Quốc đang nhập vào hiện nay đều không phải từ Mỹ” và “Trung Quốc dứt khoát không mua chút nào từ Mỹ".

Nên nhớ rằng, đậu nành không chỉ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ sang các nước châu Á, trong đó thị trường lớn nhất là Trung Quốc, mà còn là nông sản được trồng chủ yếu tại nhiều bang nông nghiệp, nơi ông Donald Trump từng nhận được cả núi phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử năm 2016.

Nếu giới chức Mỹ hả hê vì những đòn trừng phạt nhằm vào Trung Quốc thì cái cách mà Bắc Kinh "ăn miếng trả miếng" cũng khiến người tiêu dùng và nông dân Mỹ phải trả giá. Điều này hoàn toàn không có lợi cho Tổng thống Donald Trump khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần (tháng 11-2018). Trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này, tỷ phú Donald Trump và và Đảng Cộng hòa của ông khó có thể đứng nhìn giới nông dân đông đảo ở Mỹ “mắc kẹt giữa hai làn đạn” và nảy sinh tâm lý bất mãn.

Đó có lẽ cũng là một phần lý do buộc Tổng thống Donald Trump phải tính tới việc xây dựng kế hoạch đền bù trị giá nhiều tỷ USD cho những nông dân bị ảnh hưởng bởi biện pháp trả đũa từ Trung Quốc, đồng thời cử một phái đoàn thương mại hùng hậu tới Bắc Kinh để bàn tính thiệt hơn.

Nhưng có một thực tế không dễ thay đổi, đó là cuộc chiến thương mại đã trở thành “một phần tất yếu” trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng Trung-Mỹ, giữa một bên đang trên đà trỗi dậy mạnh mẽ và một bên đang cuống cuồng tìm cách “vĩ đại trở lại”.

Cuộc thương thảo ở Bắc Kinh đơn giản chỉ là cơ hội để đôi bên gạt bỏ tư tưởng “dễ dàng thắng” và biết rằng mình hoàn toàn “có thể thua”, từ đó làm dịu căng thẳng để chuẩn bị cho một cuộc chơi lâu dài.

VŨ HÙNG