QĐND - Thực hiện chủ trương tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng vùng đất đai rộng lớn trên địa bàn chiến lược miền Tây, tháng 9-1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc. Căn cứ vào đặc điểm địa hình và thế bố trí của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tập trung binh lực tiến công tiêu diệt địch ở phân khu Nghĩa Lộ; đồng thời tiêu diệt tiểu khu Phù Yên, sau đó phát triển tiến công tiêu diệt địch tới sát bờ sông Đà, tạo điều kiện để tiến công vào Sơn La.
Phân khu Nghĩa Lộ nằm trong một thung lũng có chiều dài 15km, chiều ngang nơi rộng nhất 8km, nơi hẹp nhất hơn 3km, địa bàn chính giữa là thị trấn. Địch xây dựng ở đây hai cứ điểm là cứ điểm Nghĩa Lộ (còn gọi là Nghĩa Lộ phố), cứ điểm Pú Chạng (còn gọi là Nghĩa Lộ đồi). Cứ điểm Nghĩa Lộ nằm trên một quả đồi thấp sát thị trấn Nghĩa Lộ về phía Tây-Nam (nay là thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái), gồm 3 khu (A, B, C) được xây dựng kiên cố với nhiều lô cốt, ụ súng, hầm ngầm, hàng rào tre và dây thép gai bao quanh, do một tiểu đoàn người Thái đóng giữ.
 |
Bộ đội bí mật cắt rừng, vượt suối chiếm lĩnh trận địa trong Chiến dịch Tây Bắc (1952). Ảnh tư liệu (chụp lại tại Bảo tàng Quân khu 2)
|
Qua trinh sát nắm tình hình, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy, các cứ điểm địch ở Nghĩa Lộ do đóng trên địa hình hiểm trở, dễ bị cô lập, khó cơ động ứng cứu cho nhau khi bị ta tiến công. Để bảo đảm đánh chắc thắng, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt địch ở cứ điểm Pú Chạng trước, sau đó diệt cứ điểm Nghĩa Lộ. Theo kế hoạch của Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Bắc, được sự giúp đỡ của nhân dân vùng tự do Yên Bái, Mậu A, Trấn Yên huy động nhiều thuyền, bè, mảng, tổ chức nhiều bến vượt sông đưa bộ đội vào vị trí chiến đấu an toàn. Trung đoàn 88, 102 (Đại đoàn 308), từ bến vượt theo đường Đại Bục, Khau Vác vào vị trí xuất phát tấn công Nghĩa Lộ. Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) từ bến vượt qua đèo Bụt tiến sát Cửa Nhì. Trung đoàn 209, 165 (Đại đoàn 312) bao vây Gia Hội. Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) vào Sài Lương chuẩn bị chiến đấu.
Ngày 14-10-1952, Chiến dịch Tây Bắc bắt đầu. Để tạo thế và lực cho mũi tiến công chính vào các cứ điểm kiên cố của phân khu Nghĩa Lộ, Trung đoàn 141 tiến công vị trí Sài Lương, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) tiến công đồn Ca Vịnh. Địch vội vàng rút quân khỏi các đồn Thượng Bằng La, Ba Khe về cứu nguy cho Nghĩa Lộ.
17 giờ 5 phút ngày 17-10-1952, bộ đội ta bắt đầu tiến công vào cứ điểm Nghĩa Lộ. Trung đoàn 102 tiến công cứ điểm Pú Chạng (tức Nghĩa Lộ đồi), nơi đặt Sở chỉ huy phân khu của địch. Sau hơn 3 giờ chiến đấu ác liệt, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm này, tiêu diệt và bắt sống 400 tên địch, trong đó có tên quan tư Ti-ri-ông, Chỉ huy trưởng phân khu, thu toàn bộ vũ khí quân trang, quân dụng.
3 giờ 5 phút sáng 18-10, Trung đoàn 88 nổ súng tiến công cứ điểm Nghĩa Lộ phố. Địch dựa vào hầm ngầm, lô cốt kiên cố kháng cự quyết liệt, nhưng với sức tiến công mạnh mẽ, áp đảo, chỉ sau 2 giờ 20 phút chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ binh lính địch, thu nhiều vũ khí, chiến lợi phẩm; làm chủ hoàn toàn cứ điểm kiên cố nhất của phân khu Nghĩa Lộ. Đêm 18-10-1952, quân ta tiếp tục tiến công vị trí Cửa Nhì. Địch ở Gia Hội vội rút lên Tú Lệ và tháo chạy sang Sơn La, bộ đội Sư đoàn 312 bám sát truy kích địch, tiêu diệt và bắt giữ gần 400 tên. Nghĩa Lộ và các xã trong huyện Văn Chấn được hoàn toàn giải phóng.
Thắng lợi của trận Nghĩa Lộ thể hiện trận đánh được chuẩn bị chu đáo, giữ bí mật mục tiêu tiến công. Khi phát hiện thời cơ đến sớm hơn kế hoạch ban đầu, Bộ chỉ huy chiến dịch đã kịp thời ra lệnh cho Trung đoàn 88 nhanh chóng triển khai lực lượng, tạo thế, kìm chế địch để bảo đảm đánh chắc thắng. Về chiến thuật, Nghĩa Lộ là trận công kiên quy mô một trung đoàn của ta được tăng cường lực lượng, tiến công vào một trong hai cứ điểm mạnh của phân khu Nghĩa Lộ, do một tiểu đoàn địch đóng giữ, có hỏa lực khá mạnh và hệ thống công sự vật cản kiên cố. Trong trận này, ta tập trung binh lực tạo ưu thế hơn hẳn dịch, tổ chức đội hình tiến công hợp lý trên hai mũi, có hỏa lực chi viện cho bộ binh trên từng mũi. Quá trình chiến đấu, ta tổ chức bắn hỏa lực trước, sau đó bộ binh dùng bộc phá mở cửa mở, đột phá tiền duyên, phát triển chiến đấu vào tung thâm, làm chủ cứ điểm. Cùng với trận Pú Chạng, trận Nghĩa Lộ là trận đánh then chốt mở màn chiến dịch thắng lợi, tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tạo điều kiện quyết định cho chiến dịch phát triển, tiến tới kết thúc thắng lợi Chiến dịch tiến công Tây Bắc năm 1952.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP