Sau khi dự giờ giảng trang bị điển hình của Lớp Tên lửa phòng không (TLPK) K50, Trung tá, TS Cao Hữu Tình, Phó chủ nhiệm phụ trách Bộ môn Tên lửa, giới thiệu với chúng tôi: Bộ môn Tên lửa ra đời trong những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những năm chiến tranh, cán bộ, giảng viên bộ môn vừa giảng dạy, vừa cùng học viên đi thực tế chiến đấu. Bộ môn đã cử nhiều tổ giáo viên đến các trận địa tên lửa để huấn luyện kỹ thuật, nghiên cứu, cùng với các chuyên gia xây dựng cách đánh máy bay Mỹ, nhất là máy bay ném bom chiến lược B-52, góp phần vào Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không'' tháng 12-1972. Bằng việc đi thực tế nghiên cứu, trực tiếp tham gia chiến đấu cùng với các đơn vị TLPK, cán bộ, giảng viên của bộ môn đã đúc rút kinh nghiệm, xây dựng giáo trình, tài liệu giảng dạy phù hợp thực tế công tác kỹ thuật, huấn luyện và chiến đấu của Bộ đội Tên lửa. 10 năm trở lại đây, Quân đội ta mua sắm và đưa vào trang bị nhiều loại VKTBKT hiện đại, trong đó có các hệ thống TLPK, tên lửa pháo binh, tên lửa hải quân thế hệ mới. Bộ môn Tên lửa được Học viện Kỹ thuật Quân sự giao nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện cán bộ, nhân viên kỹ thuật để bảo đảm kỹ thuật và khai thác, làm chủ VKTBKT tiên tiến có trong trang bị của Quân đội ta.

Năm 2010, bộ môn cử nhiều cán bộ, giảng viên tham gia đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đi đào tạo chuyên môn về khai thác hệ thống TLPK S-300. Trên cơ sở đó, cán bộ, giảng viên bộ môn cùng cán bộ của Quân chủng Phòng không-Không quân nghiên cứu biên soạn tài liệu, giáo trình huấn luyện hệ thống TLPK hiện đại này. Cán bộ, giảng viên bộ môn đã xây dựng, thực hiện thành công đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước KC03-TN04/11-15 về ''Xây dựng mô hình đài điều khiển TLPK S300-PMU1 phục vụ huấn luyện ứng dụng công nghệ mô phỏng bán tự nhiên''. Cũng từ thực tế công tác kỹ thuật quân đội, cán bộ, giảng viên bộ môn đề xuất và triển khai thực hiện Đề tài ''Nghiên cứu xây dựng tiền khả thi đề án cải tiến xe dẫn của tổ hợp tên lửa bờ REDUS-E trở thành đài điều khiển lệnh vô tuyến từ xa hoạt động độc lập''. Kết quả các đề tài không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu đào tạo của Bộ môn Tên lửa, mà còn phục vụ trực tiếp công tác huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật, khai thác, làm chủ VKTBKT.

Học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự trong giờ học lý thuyết trang bị tên lửa phòng không. Ảnh: NGUYỄN NINH.

Đáp ứng yêu cầu đào tạo lý thuyết gắn với nâng cao năng lực thực hành của học viên, Bộ môn Tên lửa được trên đầu tư xây dựng hoàn thiện phòng thí nghiệm các hệ thống điều khiển tên lửa, phòng công nghệ sửa chữa chuyên dụng các khối đơn khí tài tên lửa, hệ thống TLPK C-125 lắp đặt đồng bộ tại Trung tâm Huấn luyện thực hành của Học viện Kỹ thuật Quân sự. Nhờ đó, cán bộ, giảng viên có điều kiện nghiên cứu sâu; học viên được nâng cao khả năng thực hành trong quá trình đào tạo, tiếp xúc với khí tài hiện đại.

Trung tá, TS Cao Hữu Tình cho biết: Hiện nay, Bộ môn Tên lửa có gần 85% tổng quân số trình độ sau đại học, trong đó có hai phó giáo sư, 13 tiến sĩ, 12 thạc sĩ. Cán bộ, giảng viên bộ môn đang triển khai một đề tài cấp Bộ Quốc phòng, ba đề tài cấp Tổng cục Kỹ thuật và hai đề tài cấp học viện. Bộ môn đảm nhiệm giảng dạy 4 nhóm môn học: Lý thuyết hệ thống, quan sát không gian và xử lý tín hiệu, lý thuyết dẫn và điều khiển tên lửa, đạn tên lửa. Cùng với đào tạo cán bộ kỹ thuật trình độ đại học, cao học, cán bộ, giảng viên bộ môn tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ, những năm gần đây, cán bộ, giảng viên bộ môn được Bộ Quốc phòng giao tư vấn chuyên ngành; tham gia các đoàn công tác, phối hợp với các quân chủng, binh chủng, Tổng cục Kỹ thuật nghiên cứu, giải quyết các bài toán kỹ thuật nảy sinh từ thực tiễn, nhằm bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT chất lượng tốt, SSCĐ cao. Riêng năm 2017, cán bộ, giảng viên bộ môn phối hợp với lực lượng kỹ thuật Quân chủng Hải quân bảo đảm kỹ thuật, tổ chức bắn đạn thật các loại đạn tên lửa hải quân đều đạt chất lượng cao, an toàn mọi mặt.

Những kết quả từ sự nỗ lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học 50 năm qua là cơ sở để cán bộ, giảng viên Bộ môn Tên lửa tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới. Để giành kết quả cao, cùng với phát huy truyền thống, tập thể bộ môn nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng sáng tạo, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn chiến đấu, SSCĐ, huấn luyện và bảo đảm kỹ thuật ở đơn vị.

HƯƠNG HỒNG THU