QĐND - Khi là Trưởng phòng Nghiên cứu (Viện Ra-đa, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự-Bộ Quốc phòng), Thượng tá Lê Duy Hiệu đã tham gia, chủ trì nghiên cứu nhiều đề tài có hàm lượng khoa học và tính ứng dụng cao. Trong đó, để đề tài “Nghiên cứu xác định giải pháp kỹ thuật, công nghệ chế tạo ra-đa cảnh giới biển cỡ nhỏ phục vụ bảo vệ biển, đảo quốc gia” được đánh giá đạt kết quả khá, anh đã “nằm vùng” nhiều tháng trên tàu, thâm nhập khảo sát thực tế ở các nhà xưởng, đơn vị hải quân.

Thượng tá Lê Duy Hiệu, Chính trị viên Viện Ra-đa nhớ lại: “Rất nhiều đồng nghiệp, chuyên gia của viện góp ý cho tôi về tính khả thi của đề tài. Đây là loại khí tài đặc chủng, có tính năng hiện đại. Khó nhất là khâu tìm ra giải pháp công nghệ và vật tư sản xuất. Tôi sắp xếp công việc cơ quan, tự liên hệ, tìm đến các nhà máy, xưởng sửa chữa thuộc Quân chủng Hải quân. Hơn ba tháng ở đơn vị mà vẫn chưa có kết quả, tôi lại quyết định lên các tàu, quan sát như một trắc thủ. Cuối cùng đề tài của tôi đã thành công".

Đồng chí Lê Duy Hiệu (bên trái) trao đổi kinh nghiệm với cán bộ khoa học trẻ.

Sau khi đề tài trên được nghiệm thu, Thượng tá Lê Duy Hiệu được tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện tích hợp 3 sản phẩm của 3 đề tài nền cấp Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, thành mẫu đài ra-đa cảnh giới biển cỡ nhỏ. Đây là thành tựu khoa học mang tính đột phá, khẳng định trình độ, vị thế của các nhà khoa học quân sự Việt Nam. Thành công tiếp nối thành công, Thượng tá Lê Duy Hiệu tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời 2 khối đồng bộ xử lý của hệ thống máy tính ra-đa MP-123. Trước đây, thiết bị này phải nhập khẩu với giá thành cao, để trang bị cho tất cả các đơn vị chiến đấu cần kinh phí rất lớn.

Tìm tòi, nghiên cứu chế tạo các hệ thống điều khiển ra-đa không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là đam mê của Thượng tá Lê Duy Hiệu. Anh luôn biết cách vượt qua thách thức và là chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng hệ thống công nghệ phục vụ công tác chỉ huy, tham mưu, tác chiến. Là chủ nhiệm đề tài cấp Bộ Quốc phòng “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo khối tách tín hiệu sai số bám sát cự ly và góc đài ra-đa MP-123 của Quân chủng Hải quân”, Thượng tá Lê Duy Hiệu đã để lại dấu ấn, trở thành nhà khoa học trẻ tiên phong trong lĩnh vực khai thác, cải tiến các hệ thống điều khiển khí tài quân sự. Từ năm 2010-2015, anh đã chủ trì thực hiện 16 nhiệm vụ sản xuất vật tư kỹ thuật cho các khí tài điện tử. Sau khi hoàn thành, nghiệm thu dự án tăng hạn ra-đa 1L13-3, Thượng tá Lê Duy Hiệu đang được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự án cải tiến nâng cấp RSP-10M. Với những thành tích xuất sắc, Thượng tá Lê Duy Hiệu được lựa chọn là đại biểu điển hình tiên tiến dự Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân giai đoạn 2011-2015, được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen.

Thượng tá Lê Duy Hiệu thực sự là "chuyên gia" nhận việc khó, chinh phục những bài toán kỹ thuật phức tạp trong lĩnh vực ra-đa. Trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện Ra-đa, anh luôn biết cách khơi gợi sức sáng tạo cho các nhà khoa học, chủ động đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp sát đúng, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bài và ảnh: TUẤN NAM