Từ hoạt động ở địa phương là Điện Thọ, Điện Bàn (Quảng Nam), chàng thanh niên Nguyễn Văn Trí đăng ký tòng quân vào đơn vị Đ.62 Quảng Đà rồi năm 1965 gia nhập Tiểu đoàn R20. Những chiến công vang dội ở Gò Hà, Gò Nổi, vùng B Đại Lộc, đường 100, cây Da Lý, biền dâu Xuyên Thanh…, đã làm nên tên tuổi R20: “Trên trời có phản lực cơ. Ở dưới mặt đất có R20”. Từ chiến sĩ ngày đầu thành lập, đến năm 1968 trải qua nhiều trận đánh tôi luyện bản lĩnh và sự nhạy bén, thông minh, ông trở thành Tiểu đoàn phó, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn khi mới 26 tuổi (sau trận đánh Tết Mậu Thân ông trở thành Tiểu đoàn trưởng).

Không giấu được nỗi niềm bồi hồi khi nhớ lại những ngày Tết Mậu Thân 1968, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí kể: “Từ vùng B Đại Lộc, R20 nhận lệnh “hạ sơn”, tiến về Đà Nẵng. Bộ đội ăn Tết sớm, quân tư trang cồng kềnh để lại hết phía sau. Đơn vị lúc đó cỡ 600 quân, đi trước hơn 500, ai cũng xung phong ra trận, khuôn mặt người nào cũng ngời ngời khí thế tiến về thành phố. Nhân dân các địa phương đơn vị hành quân đi qua ai cũng vui mừng phấn khởi, gửi gắm niềm tin chiến thắng. Đối với tôi, đây là lần thứ hai trở về Đà Nẵng, kể từ khi ra làm thuê khi còn nhỏ. Đêm vào cửa ngõ thành phố, Chính trị viên Dương Văn Tùng đi bên cạnh nói: “Nhiều năm đi chiến đấu xa nhà nhưng đêm nay mình cảm xúc nhất”. Tôi siết chặt tay anh như cùng ý nghĩ. Không ngờ, chỉ ngày hôm sau anh đã hy sinh…”.

Đi theo “Cái quầng sáng bồn chồn thương nhớ đó. Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về” (thơ Lê Anh Xuân), toàn Tiểu đoàn xốc lại đội hình sau khi nhận thiệt hại đầu tiên là Tiểu đoàn trưởng Lại Nam Dương bị thương khi pháo cầm canh của địch ở Hòa Phụng chụp trúng phải đưa về phía sau. Sát cánh cùng Tiểu đoàn có Sở chỉ huy tiền phương của Đặc khu ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà. Các đồng chí Nguyễn Hữu Đức (Đinh Châu)-Tham mưu trưởng Mặt trận 4; Mai Đăng Chơn-Phó Chính ủy vừa chỉ đạo lực lượng chính trị, lực lượng nổi dậy của quần chúng vừa chỉ đạo trực tiếp đối với Tiểu đoàn R20. Phương án 1 không thành khi tên Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy đồng ý hợp tác làm nội ứng nhưng đến phút cuối dao động, Mặt trận 4 thực hiện phương án 2: Tiểu đoàn R20 cơ động thọc sâu đánh chiếm Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy và một số mục tiêu quan trọng khác, hỗ trợ quần chúng nổi dậy kết hợp lực lượng biệt động bên trong Đà Nẵng chiếm các cơ quan trọng yếu, làm chủ địa bàn, mở đường cho Sư đoàn 2, Quân khu 5 vào chiến đấu.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí (thứ hai từ phải qua) cùng đồng đội. 

23 giờ 30 phút, Tiểu đoàn R20 đã vượt sông Hòa Đa đến Trung Lương-Cồn Dầu thì được biết ghe thuyền của quần chúng chuẩn bị cho bộ đội và nhân dân vượt sông đã bị địch bắn phá gần hết, chúng còn rải quân canh phòng rất cẩn mật. Không còn cách nào khác, Tiểu đoàn tổ chức bộ phận gọn nhẹ nâng đỡ nhau bơi bộ qua sông Trung Lương vào chiếm lĩnh các mục tiêu, làm bàn đạp cho đơn vị vượt sông.

Giao thừa! Đất trời Đà Nẵng rùng rùng tiếng pháo, tiếng súng đạn lửa của địch. 2 giờ 30 phút sáng ngày 31-1-1968 (tức ngày mồng 1 Tết Mậu Thân) đài 15W của bộ phận tiền phương nhận lệnh của Sở chỉ huy Trung tâm Mặt trận 4 Quảng Đà: Cho lùi quân ra chờ đêm sau, tức đêm 31-1-1968 (nhằm ngày mống 2 Tết-là thời gian hiệp đồng toàn miền Nam nổ súng). Mọi người sửng sốt! Mệnh lệnh phải chấp hành. Tuy nhiên lực lượng đông đảo như vậy rút ra ngoài cho kịp trong khi đó chỉ còn hơn một tiếng nữa là trời sáng là điều không thể. Chỉ huy Tiểu đoàn và Bộ tư lệnh tiền phương hội ý thống nhất gửi điện báo cáo và đề nghị Bộ tư lệnh Mặt trận 4 cho nổ súng.

Trận đánh bắt đầu, khi pháo của ta dội vào sân bay Đà Nẵng, Nước Mặn phát lệnh tiến công. 57 chiến sĩ bộ phận vượt sông đã anh dũng mở cửa vượt qua các lớp rào, đánh thẳng vào Sở chỉ huy Quân đoàn 1. Biết được lực lượng của ta vào bên trong thành phố không nhiều, địch đã điều động bộ binh và xe tăng phản kích chiếm lại Sở chỉ huy quân đoàn 1. Trên 30 chiến sĩ của ta do Dương Chín, Đại đội trưởng chỉ huy lọt vào trụ sở quân đoàn đã đánh trả dũng cảm, diệt nhiều tên địch và cuối cùng đã anh dũng hy sinh tại vị trí chiến đấu, còn một đồng chí dân che chở, sau 10 ngày mới ra được. Mũi tiến công lên hướng ngã tư quân đoàn do Huỳnh Phước Đông, Tham mưu phó Tiểu đoàn chiến đấu quyết liệt với quân Mỹ từ quận 3 tràn qua cầu Trịnh Minh Thế. Đến 15 giờ mũi quân hướng này cũng mất liên lạc với sở chỉ huy. Trong khi đó đại bộ phận tiểu đoàn còn bên này sông Trung Lương. Lực lượng đấu tranh chính trị cũng đã dồn về bến sông để chuẩn bị vào nội thành. Quân địch phát hiện, cho máy bay trực thăng, phản lực bắn phá, cùng xe tăng, bộ binh đổ bộ càng về trưa càng ác liệt hơn. Tiểu đoàn R20 dựa vào làng mạc, nhà dân chiến đấu gây cho chúng nhiều tổn thất. Đến trưa ngày mồng 2 Tết, Bộ chỉ huy tiền phương gồm đồng chí Nguyễn Hữu Đức và Mai Đăng Chơn đã hy sinh, đồng chí Trần Sinh, Chủ nhiệm Chính trị bị thương nặng… Ban chỉ huy Tiểu đoàn chỉ còn Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Trí và  Phó Tham mưu trưởng Hoàng Thanh Ba (sau này đồng chí Hoàng Thanh Ba cũng đã hy sinh trên cương vị Tiểu đoàn trưởng).

- Vậy ông là nhân chứng duy nhất còn lại của Ban chỉ huy Tiểu đoàn trong trận Mậu Thân. Có phải may mắn không? - Tôi hỏi. 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí ngưng mạch hồi ức:

- Tôi nghĩ mình đã hy sinh ít nhất 3 lần nhưng đều thoát khỏi vòng vây, cứ như có ai đỡ… Nói vậy, chứ quan trọng là biết nắm quy luật của địch. Đánh nhau hoài, đặc biệt thường xuyên đụng độ với lính Mỹ sẽ thấy quy luật đó và tạo cho mình phản xạ trong những thời điểm ngặt nghèo.

Ông kể rằng, khi đưa bộ đội thoát vòng vây đến bờ sông Trung Lương thì bị một tên Mỹ da đen phục kích. Thấy ông, tên Mỹ nhào đến nắm tóc, hô “Vi-xi”. Một mặt siết chặt tay nó, mặt khác ông vòng qua lưng nó bóp cò bằng súng K54. Chiếc đồng hồ Sen-cô của nó không hiểu từ lúc nào nằm trên tay ông, sau này ông đã tặng cho Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.

Qua 3 ngày đêm của Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn R20 đã diệt nhiều quân Mỹ, ngụy, bắn cháy và phá hủy 4 máy bay trực thăng, 1 phản lực, 3 xe tăng và nhiều phương tiện của địch, cùng nhân dân thành phố làm cho kẻ địch thêm khiếp sợ, chia lửa cùng chiến trường miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968. Tuy nhiên đây cũng là lần R20 chịu tổn thất lớn. Quân số sau khi ra trận chỉ còn 150 cán bộ, chiến sĩ kể cả số anh em chưa được đi cùng. Sau đợt này, đơn vị bổ sung con em miền Bắc vào đội hình, tiếp tục các cuộc chiến đấu mới.

Thăm lại chiến trường xưa, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí mong ước bên bến Trung Lương sẽ có một nhà bia tưởng niệm xứng đáng để tri ân hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh trong trận Tết Mậu Thân. Khúc bi tráng Mậu Thân sẽ mãi đồng hành cùng công cuộc xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp hôm nay.

Bài và ảnh: HỒNG VÂN