Năm 1969, khi tham gia chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên-Huế, Nguyễn Hồng Dũng bị thương nặng, sau đó được chuyển về điều dưỡng tại Đoàn 200, Quân khu 4 và được công nhận là thương binh hạng 2/4. Mặc dù bị mất cánh tay phải nhưng nhiều năm qua, ông luôn là một thương binh sản xuất giỏi và  tích cực giúp đỡ nhiều người dân nghèo.

leftcenterrightdel
Thương binh Nguyễn Hồng Dũng.

Để có được kinh tế khá giả như hôm nay, ông Dũng đã trải qua nhiều năm tháng thăng trầm. Bản thân ông mồ côi mẹ từ nhỏ; khi được chuyển ra Bắc điều dưỡng, cũng là lúc người bố qua đời. Một mình ông tự lập, không còn người thân nương tựa, trong khi cánh tay thuận của ông bị cụt, tay trái làm việc gì cũng khó. Không nản, thương binh Nguyễn Hồng Dũng đi ôn văn hóa để thi vào đại học và năm 1970, được nhận vào học tại Trường Đại học Nông nghiệp 2. Học được hai năm, ông phải xin nghỉ do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn; rồi trở về địa phương làm cán bộ chính sách xã Mỹ Thành. Sau 8 năm, ông xin nghỉ việc, về gia đình trực tiếp lao động.

Công việc nhà nông rất khó khăn đối với một thương binh, nhưng ông không từ chối một công việc nào, từ đi cày, cắt lúa, thồ lúa, tát nước…, tuy nhiên kinh tế gia đình vẫn còn nhiều khó khăn. Sau khi bàn tính kỹ, ông Dũng cùng vợ con chuyển vào ấp Tân Đồng, xã Đồng Xoài, huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé (nay là phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) lập nghiệp, làm kinh tế.

Vào quê hương mới, bốn con còn nhỏ, ông buộc lòng phải cho đứa con đầu lòng nghỉ học để phụ bố mẹ nuôi các em ăn học. Ít năm sau kinh tế gia đình tương đối ổn định, ông lại cho con lớn đi học tiếp. Làm nhiều nghề, gia đình ông cũng dành dụm được số tiền vốn để mua 3 con lợn nái sinh sản, 30 con lợn thịt và 100 con vịt…Năm 1995, kết hợp việc sang nhượng lại rẫy và khai hoang, gia đình ông đã có trang trại với diện tích rộng để trồng cây công nghiệp, chủ yếu là cây điều và cao su. Kinh tế gia đình ổn định và khá dần lên, con trai lớn cũng học xong THPT và tham gia công tác Đoàn tại địa phương. Con trai thứ hiện đang công tác trong ngành công an, hai người con gái là giáo viên. Cả bốn người con của ông đều là đảng viên.

Hằng ngày vào rẫy cao su, chứng kiến người dân cùng các phương tiện giao thông qua lại trên những cây cầu và những đoạn đường hư hỏng nặng, năm 1998, ông Dũng đầu tư bắc cây cầu gỗ qua suối Nhung (xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) dài 14m, rộng 2,3m, mặt cầu lát ván gỗ. Năm 1999, ông lại bắc tiếp cầu suối Mum, dài 13,5m, rộng 3,2m; năm 2011, ông tiếp tục làm hai đoạn đường, tổng chi phí gần 10 triệu đồng. Ông còn giúp đỡ hai người dân nghèo đi điều trị bệnh với số tiền gần 5 triệu đồng và giúp đỡ các gia đình cựu chiến binh khó khăn trong phường, tổng số gần 20 triệu đồng. Tổng cộng đến nay, thương binh Nguyễn Hồng Dũng đã ủng hộ làm cầu, đường, giúp người bị bệnh, giúp người nhiễm chất độc da cam, ủng hộ xây dựng nhà văn hóa khu của phố, của phường, giúp đỡ các gia đình cựu chiến binh nghèo và người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cho vay vốn không lấy lãi hoặc lấy lãi thấp…, với số tiền gần 2 tỷ đồng.

Ghi nhận ý chí nghị lực vượt khó và những đóng góp nhân đạo của ông, các năm 1999 và năm 2008, thương binh Nguyễn Hồng Dũng được đi dự hội nghị biểu dương “Thương binh làm kinh tế giỏi và giàu lòng nhân ái”, tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; nhận nhiều bằng khen, giấy khen do các cấp trao tặng.

Bài và ảnh: DUY HIẾN