Sư đoàn 5 “đất cằn nở hoa”

Đang hoa mắt vì nắng miền Tây thì chúng tôi lọt vào khuôn viên xanh với rất nhiều vườn hoa, cây cảnh và các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lấy gỗ của Sư đoàn 5, Quân khu 7. “Đất đai và khí hậu ở đây rất khô cằn, khắc nghiệt. Nhưng sau nhiều năm quyết tâm nỗ lực, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn đã xây dựng được cảnh quan đơn vị xanh-sạch-đẹp!", Thượng tá Nguyễn Doãn Nam, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn giới thiệu trên đường dẫn chúng tôi ra bãi tập của các phân đội huấn luyện chiến sĩ mới. Đi dưới trời nóng rát và đất cằn trắng cát, chúng tôi chợt hiểu vì sao ở đây trồng rất nhiều hoa giấy. Loài cây càng trong điều kiện khô cằn, nắng nóng thì càng nở nhiều hoa và rực rỡ sắc màu.

leftcenterrightdel
 Huấn luyện Điều lệnh Đội ngũ cho chiến sĩ mới ở Đại đội 10 thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 5, Sư đoàn 5, Quân khu 7.
Hầu hết cán bộ, chiến sĩ nơi đây đều có nước da “tươi màu suy nghĩ”, nhưng nụ cười thì lấp lóa rạng ngời. Có lẽ các chiến sĩ mới vẫn còn bỡ ngỡ, chưa quen với cách xưng hô trong quân đội nên thường gọi chúng tôi là “chú, bác”, xưng “con”. Cách gọi ấy khiến hai bên đều thấy như không còn khoảng cách.

Tranh thủ giờ nghỉ giải lao trong giờ học lấy đường ngắm súng tiểu liên AK, tôi đề nghị Thượng úy Ngô Thành Luân, Đại đội trưởng Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 được gặp một số chiến sĩ mới. Ngồi quây quần bên gốc cây cao su, các chú bộ đội trẻ măng đã "dốc bầu" với tôi về những kỷ niệm trong 3 tuần đầu quân ngũ: Từ nỗi nhớ nhà, lạ lẫm với cách sống trong quân đội, những buổi tối ngồi kể chuyện quê hương, gia đình; đêm đang “bí mật” thầm thì với nhau về người yêu, nhưng khi nghe tiếng bước chân ngoài hiên vội im phăng phắc vì sợ cán bộ thấy mất trật tự sẽ thổi còi báo động... 

Tôi để ý tới một chiến sĩ không nói gì, chỉ dùng tay vặt cỏ như “tình huống” khó ngỏ lời nơi triền đê trăng sáng. “Bạn ấy đang gặp chuyện buồn chú ạ! Nhưng mà cũng đỡ rồi”-một chiến sĩ hiểu ý thắc mắc của tôi liền giải thích. Khi chỉ còn một mình ngồi lại với tôi, chiến sĩ Lăng Thái Duy trải lòng: “Lúc mới về đơn vị, con nhớ mẹ và nhớ bạn gái vô cùng. Rồi con càng buồn chán vì bạn gái quyết định chia tay... May là cán bộ trung đội, đại đội biết chuyện đã kịp thời tâm sự. Giờ thì con quen rồi chú à! Các anh cán bộ thiệt là tình cảm, vừa hướng dẫn bọn con làm mọi việc, vừa động viên bọn con cố gắng khắc phục khó khăn. Về ăn uống thì bọn con rất yên tâm vì thực phẩm ngon, sạch. Ngoài giờ học thì bọn con vui chơi thể thao, hát hò với nhau, vui lắm!”...

Quan sát đơn vị học bắn súng, chúng tôi thấy rõ những giọt mồ hôi lăn dài trên từng khuôn mặt cán bộ, chiến sĩ rồi rơi xuống thấm vào nền đất trắng. Cán bộ tiểu đội, trung đội hết nằm cạnh chiến sĩ này hướng dẫn và kiểm tra đường ngắm, lại đứng dậy sang nằm cạnh chiến sĩ khác để uốn nắn động tác; quần áo bám đầy đất cát, mồ hôi khô bạc trắng lưng vai...

Cuối giờ huấn luyện, nhận xét đơn vị xong, Đại đội trưởng Ngô Thành Luân tiếp chuyện tôi: “Việc khó nhất trong huấn luyện chiến sĩ mới là phải kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng để có biện pháp giải quyết phù hợp, hiệu quả, giúp anh em bớt nhớ nhà và quyết tâm phấn đấu. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ phải thực sự sâu sát, gương mẫu, thương yêu chiến sĩ để anh em mạnh dạn bộc lộ những suy nghĩ, tâm tư. Đặc biệt, đơn vị chúng tôi rất chú trọng phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ tiểu đội trưởng và chiến sĩ bảo vệ trong việc nắm tình hình tư tưởng bộ đội, bởi đây là những người gần gũi, sâu sát nhất với các chiến sĩ mới. Chính vì thế, những chiến sĩ nhớ nhà, gia đình có khó khăn hay gặp chuyện không vui như Lăng Thái Duy đều được anh em động viên, chia sẻ và giúp đỡ kịp thời. Điều này đã giúp chiến sĩ mới dần yêu mến đơn vị, ra sức học tập, rèn luyện”.

Buổi trưa, xuống nhà ăn Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 5 cùng các chiến sĩ mới, chúng tôi thấy trên mỗi bàn ăn đều có một lọ hoa và chỉ "loáng một cái" anh em đã ăn hết khẩu phần của mình, rồi vui vẻ tỏa về phòng nghỉ. Đại úy Nguyễn Anh Tiến, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 kiêm Đại đội trưởng Đại đội 10, cười rạng rỡ: “Đi bộ đội mới 3 tuần mà cậu nào cũng đen nhẻm nhưng khỏe ra và rất yêu đời nên cán bộ chúng tôi cũng vui lây, tự thấy mình phải chăm lo cho anh em hơn nữa”.

“Ngôi nhà chung” dưới chân núi Bà Đen

Nếu như ở Sư đoàn 5, chúng tôi rất thích tấm pa-nô “Trong gian khó giúp đỡ nhau mới thắm tình đồng đội”, thì sang thăm Khung huấn luyện chiến sĩ mới tại Trường Quân sự thuộc Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh, thấy hình ảnh cán bộ đang cắt tóc cho chiến sĩ, là các nhà báo đều... lao vào bấm máy.

leftcenterrightdel
 2 - Cán bộ, chiến sĩ Trung đội 13, Đại đội 5, Trường Quân sự tỉnh Tây Ninh vui văn nghệ sau giờ huấn luyện
Chiều cuối tuần, khu doanh trại dưới chân núi Bà Đen của Trường Quân sự tỉnh Tây Ninh sinh động hơn hẳn. Sau giờ huấn luyện, tất cả cán bộ, chiến sĩ tập trung bảo quản vũ khí trang bị, tăng gia và chăm sóc vườn hoa, cây cảnh. “Mọi việc được tiến hành rất nhanh gọn vì anh em còn dành thời gian vui chơi thể thao”, Đại tá Nguyễn Văn Đại, Chính ủy Trường Quân sự vừa trao đổi, vừa đưa chúng tôi xuống từng đại đội huấn luyện chiến sĩ mới. Đến nơi nào chúng tôi cũng thấy rõ sự ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng.

“Ngoài doanh trại vừa được đầu tư xây dựng, sửa chữa khang trang thì việc quản lý, giáo dục, huấn luyện chiến sĩ mới năm nay có điều gì mới so với những năm trước không anh?” - Tôi hỏi. Đại tá Nguyễn Văn Đại cười tươi: “Cũng có nhiều điểm mới, việc mới rất hiệu quả anh ạ. Nhưng mà để lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh đánh giá thì sẽ khách quan hơn tôi”.

Trao đổi với Đại tá Hoàng Đình Chung, Đại biểu Quốc hội, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh, chúng tôi được biết, để chuẩn bị huấn luyện chiến sĩ mới, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo tổ chức họp bàn để khắc phục những hạn chế, thiếu sót của những năm huấn luyện trước; đầu tư kinh phí, tạo điều kiện cho nhà trường củng cố doanh trại khang trang và chuẩn bị cơ sở vật chất huấn luyện đầy đủ. Đặc biệt, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã xem xét, lựa chọn những cán bộ có năng lực quản lý, huấn luyện tốt nhất bổ sung vào Khung huấn luyện chiến sĩ mới vì đây là nhân tố quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh sẽ tổ chức điều tra xã hội học tới mọi chiến sĩ, không cần ghi tên để anh em thoải mái đóng góp ý kiến với đơn vị, xem những gì cần rút kinh nghiệm và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bộ đội; tổ chức họp mặt tất cả các gia đình chiến sĩ để cùng trao đổi, phối hợp động viên con em phấn đấu. Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh cũng tổ chức gặp mặt, trao đổi với các chiến sĩ là đảng viên, công chức nhập ngũ; phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ bộ đội vào tối thứ bảy hằng tuần. Đội văn nghệ của các huyện luân phiên đến đơn vị biểu diễn, giao lưu và động viên chiến sĩ...

Gặp Trung úy Nguyễn Văn Nhàn, Trung đội trưởng Trung đội 5, Đại đội 2 đang mải hướng dẫn các chiến sĩ vun xới luống rau, chúng tôi đã thấy mến. Nghe Nhàn nói chuyện lại càng trân trọng, quý mến hơn: “Em là cán bộ mới ra trường, nhưng được các chú, các anh đi trước truyền thụ kinh nghiệm nên em cũng vững tin trong quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới. Quan trọng nhất là phải làm cho bộ đội tin tưởng mình, muốn vậy thì mình phải làm gương và thương yêu anh em. Lúc mới về đơn vị, nhiều chiến sĩ cũng ngại học, ngại rèn. Em phân tích kỹ những lợi ích của từng chế độ, từng công việc đối với tập thể và cá nhân. Ví dụ như lao động tăng gia vừa có lợi cho sức khỏe như là tập thể thao, vừa cải thiện đời sống, vừa biết cách làm việc để sau này lập thân, lập nghiệp. Gấp chăn màn phải đẹp để rèn luyện đức tính cẩn thận, tỉ mỉ, gọn gàng, rất cần thiết trong hoạt động quân sự bởi nếu quen tính chủ quan, qua loa đại khái thì sẽ dễ gây tai họa khi sử dụng vũ khí, vật nổ... Mặt khác, khi rèn luyện được các đức tính tốt thì bản thân mình sẽ trưởng thành hơn, sau này có lợi cho chính gia đình mình và còn dạy bảo con cháu... Cứ giáo dục thiết thực thế là chiến sĩ dễ hiểu và tự giác thực hiện”.

Huấn luyện chiến sĩ mới là giai đoạn vất vả nhất đối với mỗi quân nhân. Vì thế, để chiến sĩ sớm hòa nhập với đơn vị, có ý chí quyết tâm phấn đấu cao thì trước hết phải tạo được môi trường “Đơn vị thực sự là nhà. Cán bộ, chiến sĩ như là người thân”. Thật vui khi trời xế chiều, trong khuôn viên Trường Quân sự tỉnh Tây Ninh, chúng tôi thấy nhiều nhóm cán bộ, chiến sĩ xúm quanh những bộ bàn ghế đá, chỗ đánh cờ, chỗ đàn hát sôi nổi, tiếng reo hò ở sân bóng chuyền vang dội vào sườn núi Bà Đen...

Tạm biệt đơn vị khi doanh trại đã lên đèn, chúng tôi thực sự ấm lòng khi nhớ tới lời tâm sự của Phan Chí Trung, Kiều Văn Công ở Đại đội 4; Lê Văn Bình ở Đại đội 5, cùng nhiều chiến sĩ khác: Lúc đầu nhập ngũ, bọn con chỉ sợ mình không hoàn thành nhiệm vụ vì thấy cái gì cũng khó và bỡ ngỡ. Nhưng bây giờ thì đã dần quen, bớt nhớ nhà và thấy rất vui rồi!

Ghi chép của HÙNG CƯỜNG - QUANG HÀ