Chỉ cách TP Thái Nguyên chưa đầy 10km, nhưng để đến được xã Phúc Hà, chúng tôi khá vất vả vì phải vượt qua con đường gồ ghề với đầy bụi bẩn. Xã Phúc Hà hiện có 14 xóm, nhưng có tới 9 xóm người dân sống tiếp giáp với mỏ than của Công ty TNHH MTV Than Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Than Khánh Hòa). Cuộc sống của người dân trong xã Phúc Hà bị đảo lộn bởi ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn từ hoạt động khai thác, vận chuyển than gây ra.
Ông Trần Văn Hải ở xóm 13, xã Phúc Hà cho biết: “Từ nhiều năm nay, người dân chúng tôi quanh năm phải sống chung với bụi, tiếng ồn của Công ty Than Khánh Hòa. Vào những ngày gió to, bụi bay mù mịt, không nhà nào dám mở cửa. Đáng lo ngại hơn cả là những năm gần đây, số người mắc bệnh về hô hấp, viêm phổi trong xã ngày một gia tăng, trong đó chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Quá bức xúc, người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền và Công ty Than Khánh Hòa, sau đó công ty cho xe đi phun nước chống bụi, nhưng chỉ được vài ba hôm rồi đâu lại vào đấy”.
Bãi đổ thải chất cao như núi của Công ty Than Khánh Hòa.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, bãi thải của Công ty Than Khánh Hòa còn ngày càng được mở rộng, chất cao như núi, khiến người dân luôn sống trong thấp thỏm, vì bãi thải có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn xã Phúc Hà rộng khoảng 6,48km2 nhưng bãi đổ thải của Công ty Than Khánh Hòa chiếm gần 3km2. Được biết, theo quy định bãi đổ thải chỉ được cao 190m, nhưng hiện tại bãi thải phía nam, có nơi đã cao hơn 250m, như những quả núi nhân tạo. Bên cạnh đó, theo phản ánh của người dân, quy định khoảng cách từ nhà dân đến chân bãi thải là 200m song rất nhiều nơi khoảng cách từ chân bãi thải đến nhà dân chưa đầy 50m.
Ông Phạm Văn Bình ở xóm 14 bức xúc cho biết: “Trước đây nhà tôi ở cách xa bãi đổ thải của Công ty Than Khánh Hòa, nhưng càng ngày, công ty càng mở rộng bãi đổ thải. Giờ đây nhà tôi chỉ cách bãi đổ thải chưa đầy 50m. Vào những hôm mưa bão, cứ nghe tiếng đất đá lăn là chúng tôi lại sợ, bởi bãi thải có thể sạt lở, vùi lấp nhà chúng tôi bất cứ lúc nào. Ngay cả con đường liên xã trước đây là con đường thẳng, nhưng mỗi lần công ty mở rộng mỏ than và bãi thải thì lại di chuyển con đường ra chỗ khác. Bây giờ người dân chúng tôi muốn đi ra trung tâm thành phố thì phải đi vòng vèo rất xa...”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Hà cho biết: Năm 2012 khi xảy ra vụ sạt lở tại mỏ than Phấn Mễ, UBND thành phố đã chỉ đạo di dời khẩn cấp các công trình công cộng như UBND xã, trường mầm non, trạm y tế và các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở. Nhưng sau khi chúng tôi di chuyển, công ty lại lấp toàn bộ những diện tích mà các hộ dân và trụ sở mới di chuyển để mở rộng bãi đổ thải. Hiện nay, bãi đổ thải của công ty lại được mở rộng giáp với tuyến đường mới nắn và khu vực dân cư. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần có công văn gửi cấp trên và Công ty Than Khánh Hòa đề nghị dừng việc đổ thải tại khu bãi Nam, nhưng công ty vẫn không thực hiện”.
Vì sự an toàn tính mạng, tài sản của người dân, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên sớm có biện pháp giám sát chặt chẽ công tác bảo đảm môi trường đối với Công ty Than Khánh Hòa, sớm di dời những hộ dân sống gần bãi thải đến nơi an toàn...
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH