Đây chính là phương thức hoạt động của Công ty TNHH Đông Dược Hòa Phú (Công ty Hòa Phú) trong thời gian vừa qua. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã lần theo địa chỉ cung cấp hàng là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội mà Công ty Hòa Phú báo cáo Cục Quản lý y dược cổ truyền để làm rõ. Tuy nhiên, những đầu mối này đều khẳng định Công ty Hòa Phú đã bịa đặt để lừa đảo.
Khi phóng viên liên hệ với Công ty Hòa Phú, công ty luôn "kín cổng cao tường" không tiếp xúc để làm rõ thông tin. Ảnh: HÙNG MINH
Cơ sở cung ứng là… cửa hàng tạp hóa
Ngày 20-2-2016, Công an xã Ninh Hiệp có Công văn số 53/CAX xác minh các cá nhân theo công văn của Cục Quản lý y dược cổ truyền trên địa bàn xã. Tất cả các hộ dân đều phủ nhận việc cung cấp dược liệu cho Công ty Hòa Phú. Làm việc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân sáng 11-4, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Công an xã Ninh Hiệp, người trực tiếp xử lý vụ việc này cho biết: Ngay sau khi nhận được Công văn khẩn của Cục Quản lý y dược cổ truyền về việc phối hợp xác minh nguồn gốc dược liệu, ngày 3 và 4-2-2016, chúng tôi đã triệu tập toàn bộ 20 hộ dân có trong danh sách lên làm việc và xác minh cụ thể nguồn gốc dược liệu. Trong 20 hộ dân thì có 2 hộ không có hộ khẩu thường trú tại xã, 18 hộ còn lại đều không bán dược liệu cho Công ty Hòa Phú. Các hộ dân đều tỏ ra ngạc nhiên khi Công ty Hòa Phú lại nắm rõ địa chỉ và số chứng minh nhân dân của mình.
Qua thực tế, chúng tôi được biết, hầu hết các hộ dân có trong danh sách đều không còn kinh doanh dược liệu. Cụ thể như trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Chinh ở thôn 8, xã Ninh Hiệp hiện chỉ sơ chế dược liệu thuê. Tuy nhiên, trong danh sách của Công ty Hòa Phú, gia đình bà Chinh lại cung cấp mặt hàng thông thảo. Hay như gia đình bà Nguyễn Khắc Nguyệt, giờ đây đã chuyển sang kinh doanh cửa hàng tạp hóa thì lại cung cấp khoản đông hoa, rễ nhàu… Các hộ dân đều kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ việc Công ty Hòa Phú đã lợi dụng danh tiếng làng nghề thuốc Đông y Ninh Hiệp để qua mặt các cơ quan chức năng và lừa dối người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.
Gia đình bà Nguyễn Thị Son ở thôn 8, xã Ninh Hiệp, một trong số ít những hộ dân hiện còn kinh doanh thuốc Đông y bức xúc: “Gia đình tôi hiện nay chỉ chế biến thuốc Đông y theo yêu cầu của các chủ hộ kinh doanh trên địa bàn nên không thể có chuyện tôi bán dược liệu cho Công ty Hòa Phú ở tận TP Hồ Chí Minh”.
Công văn của Cục Quản lý y dược cổ truyền đề nghị xử lý các sai phạm trong đấu thầu.
Sai phạm đã rõ, vẫn không hủy thầu
Để làm rõ hơn nguồn gốc dược liệu Đông y của Công ty Hòa Phú, chúng tôi đã tìm đến Công ty TNHH Thiên Ân Dược (Công ty Thiên Ân Dược)-một trong những đối tác lớn mà Công ty Hòa Phú cung cấp. Theo thỏa thuận liên danh ký ngày 24-12-2012 giữa Công ty Hòa Phú và Công ty Thiên Ân Dược để cung ứng dược liệu cho các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Công ty Hòa Phú đại diện cho liên danh ký đơn dự thầu, các văn bản tài liệu để giao dịch với bên mời thầu trong quá trình tham gia đấu thầu; thay mặt liên danh ký kết hợp đồng trong trường hợp trúng thầu và cung ứng hàng hóa quyết toán công nợ. Công ty Thiên Ân có trách nhiệm sản xuất và chế biến dược liệu; kiểm tra chất lượng dược liệu trước khi xuất-nhập. Thế nhưng, theo thực tế từ khi thỏa thuận liên danh được ký kết, mặc dù trúng các gói thầu lớn nhưng Công ty Hòa Phú không hề đặt hàng và mua hàng của Công ty Thiên Ân Dược. Công ty Hòa Phú đã lợi dụng danh nghĩa và pháp nhân của Công ty Thiên Ân Dược để có đủ điều kiện trúng thầu. Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thuyết, Giám đốc Công ty Thiên Ân Dược bức xúc: “Công ty tôi chỉ cung cấp hàng cho Công ty Hòa Phú 1 lần vào năm 2013. Từ năm 2014 đến năm 2015, Công ty Thiên Ân Dược có cung cấp hàng cho cửa hàng Dược liệu Hòa Phú. Sau khi Cục Quản lý y dược cổ truyền thông báo với tôi về việc cửa hàng Dược liệu Hòa Phú đã phô-tô và chuyển toàn bộ hóa đơn giao dịch giữa công ty tôi và cửa hàng Dược liệu Hòa Phú cho Công ty Hòa Phú thì tôi đã dừng toàn bộ hoạt động mua bán với cửa hàng Dược liệu Hòa Phú từ tháng 6-2015. Theo tôi, cửa hàng Dược liệu Hòa Phú là một cửa hàng bán lẻ ở 77 Triệu Quang Phục, phường 10, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Cửa hàng Dược liệu Hòa Phú đã sử dụng dược liệu của Công ty Thiên Ân Dược để bán lẻ. Còn hóa đơn bán hàng của công ty tôi lại được đưa vào Công ty Hòa Phú cùng với dược liệu trôi nổi trên thị trường. Tôi sẵn sàng đối chất với Ban lãnh đạo Công ty Hòa Phú về chất lượng sản phẩm”.
Theo báo cáo của Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đầu năm 2014, Cục này đã có Thông báo số 107/YDCT-QLD ngày 6-6-2014 gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, gói thầu đã vi phạm điều kiện tiên quyết quy định tại hồ sơ mời thầu, vi phạm quy định về tính hợp lệ của hàng hóa và yêu cầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xem xét, xử lý gói thầu thí điểm và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 30-6-2014. Thế nhưng, hai năm trôi qua, sự việc vẫn chưa được làm rõ. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Việc đấu thầu dược liệu đã giao cho các bệnh viện toàn quyền nên có gì vướng mắc đề nghị liên hệ với các bệnh viện. Trong khi đó, khi chúng tôi liên hệ với các bệnh viện, các bệnh viện lại cho rằng, gói thầu do Sở Y tế chỉ đạo, không có sai phạm và vướng mắc gì. Đây chính là lý do khiến cho dư luận bức xúc vì “đường dây” dược liệu kém chất lượng vẫn công khai vào bệnh viện công mà không bị xử lý, ngăn chặn.
Nhóm phóng viên Phòng Bạn đọc - CTV