Bài 1: Đã giảm nhưng vẫn “nóng”
Chuyển biến sau khi có Luật Tiếp công dân
Sau khi có Luật Tiếp công dân năm 2013, Hưng Yên là một trong những tỉnh có nhiều đổi mới trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban tiếp công dân trên cơ sở tổ chức lại chức năng, nhiệm vụ và công chức của Phòng tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND tỉnh, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân; thời gian và lịch tiếp công dân. Cấp huyện cũng có một số đơn vị thành lập Ban Tiếp công dân. Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tiếp công dân 1 ngày/tháng, Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp công dân 2 ngày/tháng. Ngoài ra, còn tiếp công dân đột xuất khi có các vụ việc phát sinh cần giải quyết. Trong vòng 3 năm qua, đã có hàng chục đoàn đông người với hàng nghìn người được lãnh đạo các cấp tiếp dân, giải quyết. Nhờ vậy, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên không tăng; giảm các vụ việc gay gắt, bức xúc.
Tìm hiểu tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, chúng tôi được biết, trước khi có Luật Tiếp công dân năm 2013 thì ở địa phương này chỉ có Tổ tiếp công dân, trụ sở đặt tại bộ phận một cửa của UBND huyện. Sau khi Luật Tiếp công dân ra đời, UBND huyện Hoài Đức thành lập Ban tiếp công dân của huyện gồm bảy người do đồng chí Phó chánh văn phòng làm trưởng ban. Ông Phạm Hùng Sơn, Phó chánh văn phòng kiêm Trưởng ban tiếp công dân UBND huyện Hoài Đức cho biết: Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng đại diện các phòng, ban, đoàn thể một tháng sẽ tiếp công dân định kỳ vào sáng thứ Tư của tuần thứ Hai và sáng thứ Tư tuần thứ Tư. Do sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện nên những vụ việc khiếu kiện đông người hay đơn thư vượt cấp cơ bản đã khắc phục…
Mỗi ngày Báo Quân đội nhân dân nhận được rất nhiều đơn thư của người dân trong cả nước.
Bà Trần Thị Uyên, Chánh Thanh tra TP Hải Phòng cho biết: Năm 2015 và đầu năm 2016, mặc dù tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, song với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ và sự hướng dẫn, phối hợp của các bộ ngành, công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của toàn thành phố đã chấm dứt được nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài; những vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp lên Trung ương không nhiều. Các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài tiếp tục được tháo gỡ, giải quyết. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở TP Hải Phòng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Số vụ việc tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm vẫn còn nhiều; một số đơn vị, lãnh đạo chưa thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân định kỳ; công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại chưa được chú trọng đúng mức. Việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo chưa tốt, một số vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo, kết luận của lãnh đạo thành phố, nhưng chưa được triển khai thực hiện kịp thời; đội ngũ cán bộ chuyên sâu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nơi còn thiếu, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, với sự nỗ lực cải cách hành chính nên công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu kiện, tố cáo đã có nhiều chuyển biến nhưng số lượng đơn thư khiếu kiện vượt cấp vẫn còn nhiều, tập trung ở một số địa bàn, một số lĩnh vực “nóng” như: Tài nguyên môi trường; lao động-thương binh và xã hội; bằng cấp; việc làm; bồi thường giải phóng mặt bằng...
Vẫn “nóng”
Mới đây, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại TP Hà Nội. Theo báo cáo của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội: Tình hình khiếu nại tố cáo trên địa bàn chưa có chiều hướng giảm, số vụ khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp có xu hướng gia tăng, chủ yếu phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng tại một số dự án phát triển giao thông, đô thị; chuyển đổi mô hình chợ; công tác dồn điền đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới. Những địa bàn phát sinh khiếu nại tố cáo phức tạp là quận Hà Đông, quận Long Biên, huyện Chương Mỹ, huyện Gia Lâm... Cũng theo báo cáo, từ 1-1-2015 đến 31-6-2016, toàn thành phố tiếp nhận và thụ lý 3.442 vụ khiếu nại thì khiếu nại đúng chỉ có 200 vụ, khiếu nại sai lên tới 2.219 vụ. Đây cũng là một thực trạng khiến cho tình trạng khiếu kiện kéo dài...
Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Đỗ Văn Đương cho rằng, Hà Nội có hàng chục vụ khiếu nại, tố cáo đơn lẻ, kéo dài nhiều năm, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, cần tìm ra bản chất vụ việc và đưa ra các phương án tư vấn, giải quyết hiệu quả. Cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, nêu đích danh những đơn vị, cá nhân thiếu năng lực, chưa làm tốt việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo để có mức kỷ luật phù hợp.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, hiện nay tình hình khiếu nại, tố cáo đã giảm, không còn gay gắt như trước song vẫn còn nhiều khiếu nại, tố cáo chủ yếu xoay quanh công tác thu hồi, bồi thường, tái định cư, nguyên nhân chính là do chính sách pháp luật về đất đai chưa thống nhất, chính sách bồi thường mỗi thời kỳ khác nhau. Một số vụ khiếu nại đông người, kéo dài như: Vụ có liên quan đến hồ chứa nước Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ); di dời chợ Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu); dự án Khu đô thị sinh thái mở Long Hưng (TP Biên Hòa)...
Báo cáo của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, số lượng đơn thư, vụ việc khiếu kiện về đất đai chưa giảm. Từ đầu năm 2016 đến nay, có hơn 1.631 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường và khoáng sản từ các tổ chức, người dân tại các tỉnh thành trên cả nước. Ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện đơn thư về đất đai vẫn còn chiếm tới 97%, tương đương 1.578 đơn khiếu nại, tố cáo sai phạm. So với 6 tháng đầu năm 2015, số lượng đơn thư đầu năm 2016 đã giảm 88 đơn, tuy nhiên số vụ việc lại tăng 57 vụ (tương đương 7,78%).
Bài và ảnh: TRANG THỊNH – MINH HẢI
(Còn nữa)