Trong thời gian tới, hơn 100 cầu đường sắt đang được đề xuất xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn, góp phần phát triển ngành đường sắt.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông vận tải), tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện có hơn 1.400 cầu với tổng chiều dài hơn 36.000m. Phần lớn những cây cầu này được xây dựng hàng chục năm trước, trọng tải thấp. Nhiều cầu bị xuống cấp, kết cấu mố trụ qua thời gian đã phong hóa, hư hỏng, dầm thép hoặc bê tông cốt thép bị nứt vỡ, han gỉ... Bên cạnh đó, hoạt động vận tải thủy trên các tuyến sông ngày càng nhiều làm gia tăng nguy cơ va chạm với cầu đường sắt. Thực tế, đã có không ít vụ việc tàu thuyền va chạm với cầu đường sắt, điển hình như vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) vào tháng 3-2016, làm ách tắc đường sắt Bắc-Nam suốt nhiều tháng. Do vậy, việc cải tạo, nâng cấp các cầu yếu trên tuyến ngày càng trở nên cấp thiết để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do va chạm từ phương tiện giao thông đường thủy.

Cầu đường sắt qua sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên-Huế) mới được xây dựng thay thế cầu cũ để bảo đảm an toàn chạy tàu.

Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, một số cầu trên tuyến đã được đầu tư xây mới, thay thế cầu yếu, ví dụ như dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt tuyến Hà Nội-TP Hồ Chí Minh, đã thay thế 44 cầu. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất ít so với nhu cầu, chưa tạo được sự đồng bộ cho toàn tuyến. Với việc đề xuất triển khai dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, sẽ có 119 cầu dự kiến xây mới, xây trụ chống va xô; 12 cầu được cải tạo, nâng cấp. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.950 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, bố trí trong 3 năm (2019-2021). Mục tiêu của dự án nhằm bảo đảm an toàn, đồng nhất tải trọng, nâng cao tốc độ chạy tàu. Từ đó, giúp các đoàn tàu tăng khả năng chuyên chở, năng lực vận chuyển. Ngoài ra, một số cầu được xây dựng trụ chống va xô, hạn chế va chạm với phương tiện giao thông thủy.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hằng năm, kinh phí phục vụ duy tu, bảo dưỡng cho kết cấu hạ tầng bảo đảm an toàn chạy tàu thường chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Nhiều hạng mục không được bảo dưỡng thường xuyên càng xuống cấp nặng hơn. Dự án cải tạo, nâng cấp cầu yếu khi hoàn thành không chỉ tăng năng lực thông lưu đường thủy mà còn giảm xóc, lắc khi chạy tàu, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, giúp ngành đường sắt nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đi lại của người dân.

Bài và ảnh: MẠNH HƯNG