 |
Tai nạn trên tuyến đường sắt Bắc-Nam qua địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế làm đoàn tàu trật khỏi đường ray. |
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG), trong 6 tháng đầu năm 2019, đường sắt xảy ra 75 vụ TNGT, làm chết 53 người, bị thương 30 người. So với cùng kỳ năm 2018, tăng 14 vụ (tương đương tăng 22,9%), tăng 4 người chết (8,1%) và tăng 5 người người bị thương (20%). Đáng chú ý, tháng 7-2019, TNGT đường sắt diễn biến phức tạp, tăng cao về số người chết. Cụ thể, các vụ TNGT trên đường sắt trong tháng 7-2019 làm 20 người chết, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm 2018 và gần gấp đôi so với tháng 6-2019. UBATGTQG đánh giá, nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT trên đường sắt là do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về trật tự ATGT, thiếu chú ý quan sát, kỹ năng lái xe kém khi qua đường ngang. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân từ việc người dân vi phạm hành lang ATGT đường sắt trong khi cơ quan chức năng chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý.
Thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho thấy, hiện nay, trên mạng lưới đường sắt cả nước có hơn 5.700 điểm giao cắt đồng mức, trong đó đường ngang chính tắc hơn 1.500, còn lại hơn 4.000 lối đi tự mở. Ngoài ra, có khoảng 14.000 vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt. 70% số vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các lối đi tự mở và đường ngang dân sinh. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu nhưng chưa có giải pháp căn cơ. Lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN cho biết, ngành đường sắt đã phối hợp với các địa phương để xử lý các đường ngang dân sinh nhưng vì thiếu kinh phí nên kết quả chưa được như mong muốn. Những công việc như làm đường gom, rào chắn, bố trí người cảnh giới đều phải có nguồn lực mới có thể triển khai. Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách UBATGTQG nhìn nhận, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đường ngang dân sinh qua đường sắt chưa được làm rõ, thiếu cương quyết trong xử lý những hành vi vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Do vậy, để giảm TNGT cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm quy định về ATGT đường sắt.
Với mong muốn nêu cao ý thức tự giác, tinh thần tự bảo vệ mình của người tham gia giao thông, ngành đường sắt đang nỗ lực chuyển tải thông điệp: “Dừng lại quan sát trước khi qua đường ngang vì an toàn của bản thân và xã hội”. Khi ý thức người dân được nâng lên sẽ không còn trường hợp rào chắn đã hạ xuống báo hiệu tàu sắp đi qua nhưng phương tiện vẫn cố tình băng ngang đường sắt. Dừng lại vài chục giây để quan sát mỗi khi đi qua đường sắt là giải pháp thiết thực nhất giúp TNGT không còn nhức nhối.
Bài và ảnh: MẠNH HƯNG