Diễn đàn là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư thảo luận và đối thoại về nhu cầu, những vấn đề thực tiễn cấp thiết đối với các DN Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp để các DN phát triển bền vững.
Thông tin tại diễn đàn cho thấy, trong suốt chặng đường phát triển, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm và không ngừng cải thiện môi trường pháp quy. Luật DN năm 2000 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này. Nhờ đó, các DN đã phát triển nhanh chóng và tạo bước đột phá, số các DN đang hoạt động đã tăng hơn 13,3 lần trong giai đoạn 2000-2015 và vào năm 2018, tổng số DN đã đạt trên 700 nghìn DN, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước. Đây là một bộ phận quan trọng của xã hội, tạo ra công ăn, việc làm, sản xuất ra của cải, vật chất và có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của đất nước.
 |
Quang cảnh diễn đàn.
|
Chia sẻ tại diễn đàn, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN Hồ Sỹ Hùng cho biết, phát triển DN là yếu tố sống còn đối với hiệu quả hoạt động, tạo công ăn việc làm và thịnh vượng trong mỗi nền kinh tế. Mức độ năng động của khu vực DN phụ thuộc vào chất lượng môi trường pháp quy. Nếu có các quy định thực sự có chất lượng, hiệu quả, giúp DN tiết kiệm chi phí và tham gia thị trường một cách công bằng, góp phần cắt giảm chi phí giao dịch, bảo vệ nhà đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh công bằng thì những quy định đó chắc chắn sẽ góp phần đáng kể vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Do đó, tham luận tại diễn đàn, nhiều ý kiến nhấn mạnh, hoạt động cải cách chính sách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước sẽ cần phải được thực hiện mạnh mẽ hơn để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho DN tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý. Song song với đó, cải cách DN nhà nước cần tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị DN, đồng thời thúc đẩy và tăng cường cổ phần hóa và thoái vốn. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các DN trong và ngoài nước. Điều này cũng sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tin, ảnh: VŨ DUNG