Tốc độ tăng trưởng chậm lại

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó tăng mạnh nhất là thủy sản (tăng khoảng 6,47%), lâm nghiệp (tăng khoảng 4,20%). Điểm nổi bật là trong 6 tháng đầu năm, cánh cửa vào các thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam đã thêm rộng mở, như: Xoài vào Mỹ, Anh, Australia; Trung Quốc tiếp tục mở cửa để một số mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này (sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt)...

Nhờ vậy, KNXK toàn ngành 6 tháng đầu năm đạt 19,77 tỷ USD, tăng 2,2%, nhưng mức tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi nhóm các mặt hàng nông sản chính chỉ đạt 9,28 tỷ USD (giảm 9,2%) thì thủy sản đạt gần 4 tỷ USD (tăng 0,3%). Đặc biệt, mặt hàng đồ gỗ và lâm sản tiếp tục duy trì được “phong độ ấn tượng” khi đạt con số xuất khẩu 5,23 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ... Sở dĩ nói đến “phong độ ấn tượng” của mặt hàng này do giá trị mà nó đem lại là thặng dư thương mại. Bởi lẽ, thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp đạt 4,2 tỷ USD, tăng 4,6% so với 6 tháng đầu năm 2018 thì mặt hàng đồ gỗ góp tới gần 4 tỷ USD. Mặt hàng tiếp theo giúp nông nghiệp tăng trưởng là trái cây và rau quả, khi giá trị xuất khẩu đạt 2,06 tỷ USD.

Sản xuất đồ chơi bằng gỗ ở Công ty Cổ phần chế biến gỗ Đức Thành tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: QUỐC BẢO

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) phân tích: Nguyên nhân tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2018 chủ yếu do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh; KNXK sang thị trường Trung Quốc giảm; KNXK các mặt hàng cà phê, gạo, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn, tôm, cá tra giảm. Lấy ví dụ các mặt hàng có giá xuất khẩu giảm sâu, như: Hạt tiêu giảm 26,5%, cao su giảm 5,9%, hạt điều giảm 21,6%, cà phê giảm 11,8%, gạo giảm 16,7%. Vì vậy, mặc dù khối lượng xuất khẩu tăng nhưng không đủ bù đắp được sự sụt giảm về giá. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp lẫn KNXK tuy có tăng nhưng ở mức không cao.

Một nguyên nhân nữa khiến ngành nông nghiệp tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 là do bệnh DTLCP. Đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 5.422 xã, 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 3,3 triệu con, chiếm khoảng 10-11% tổng đàn lợn. Theo ông Nguyễn Minh Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên: Nguồn kinh phí dự phòng của tỉnh chỉ có 160 tỷ đồng, cộng thêm 180 tỷ đồng do Chính phủ cấp, trong khi đó mức thiệt hại hiện đã hơn 600 tỷ đồng. Còn tại TP Hà Nội, nơi có tổng đàn lợn lớn đứng tốp đầu cả nước (1,87 triệu con). Tính đến tháng 6-2019, thành phố đã phải tiêu hủy 353.777 con (chiếm 18,9% tổng đàn). Tổng kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi và kinh phí tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh của Hà Nội ước tính khoảng 820 tỷ đồng.

Lâm sản và đồ gỗ, thủy sản là “cứu cánh” 

Hàng loạt khó khăn như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu năm 2019, ngành nông nghiệp có đạt mục tiêu tăng trưởng? Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Lâm nghiệp là một trong những lĩnh vực có mức tăng trưởng mạnh. Chúng tôi xác định sẽ cố gắng đạt chỉ tiêu được giao về tăng trưởng của ngành, giá trị xuất khẩu, độ che phủ của rừng... KNXK đồ gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt 5,23 tỷ USD. Theo chu kỳ các tháng cuối năm giá trị xuất khẩu thường cao hơn. Có thể khẳng định, nếu như không có diễn biến bất thường thì năm 2019, mặt hàng lâm sản và đồ gỗ hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu KNXK 10,5 -11 tỷ USD".

Lĩnh vực thủy sản cũng được xác định là một động lực tăng trưởng mạnh cho nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2019. Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: Tốc độ tăng trưởng nuôi trồng và khai thác thủy sản trong 6 tháng cuối năm đều còn dư địa tăng trưởng. Đặc biệt, KNXK tôm 6 tháng cuối năm có thể tăng thêm khi mà sản lượng tôm của các nước, như Ấn Độ, Ecuador

giảm, trong khi sản lượng tôm của chúng ta tăng. Cùng với đó, các nhóm ngành hàng như cá ngừ đại dương và nhóm giáp xác, nhuyễn thể cũng có nhiều cơ hội để phát triển những tháng cuối năm. Như vậy, mặt hàng lâm sản và đồ gỗ, thủy sản đang được ngành nông nghiệp đặt nhiều kỳ vọng về KNXK.

Để ngành nông nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2019 như kế hoạch đã đề ra, theo ông Nguyễn Văn Việt, cần phải giữ năng suất, sản lượng lúa ít nhất bằng năm 2018; tiếp tục gia tăng sản lượng rau quả, trái cây và một số cây công nghiệp có thị trường tiêu thụ tốt; sản lượng thủy sản tăng 6,5%; tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp 6-8%, trong đó tập trung tăng sản lượng gỗ khai thác hơn 8%, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu... Riêng về mục tiêu KNXK năm 2019 khoảng 43 tỷ USD, cần thực hiện những giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu KNXK. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy nhanh, mạnh tái cơ cấu ngành trồng trọt và chăn nuôi. Vấn đề quan trọng nữa là phải nỗ lực ngăn chặn bệnh DTLCP, hạn chế thiệt hại và bảo đảm tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm và đại gia súc nhằm bảo đảm nguồn cung thịt phục vụ thị trường nội địa, bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới. Cùng với đó, chủ động các nhóm giải pháp để ứng phó, giảm thiệt hại thiên tai. Riêng những lĩnh vực mà ngành nông nghiệp đang có dư địa phát triển là lâm nghiệp, thủy sản sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất và xuất khẩu. Đây sẽ là hai lĩnh vực "cứu cánh" cho tốc độ tăng trưởng cũng như mục tiêu xuất khẩu của ngành nông nghiệp".

NGUYỄN KIỂM